Thương em da trắng tóc dài…

25/02/2016 - 07:40

PNO - “Ba cô anh lạ cả ba/Bốn cô anh lạ cả bốn biết là quen ai?/ Anh chỉ quen một cô da trắng tóc dài/ Miệng cười như cánh hoa nhài nở nang".

Khu chợ ấy chỗ nào cũng xúm xít ồn ào, chỉ trừ góc nhỏ bán mấy thứ cây lá nhà quê. Ít lá xông cảm, vài ba loại lá làm thuốc, thêm gánh bồ kết buộc thành từng chùm. Người ta bây giờ có biết bao nhiêu loại dầu gội, dầu dưỡng để chọn lựa, còn mấy ai gội đầu bằng bồ kết nữa đâu. Ấy thế mà một tháng đôi lần bà cụ vẫn đạp xe vài chục cây số lên đứng đó chờ vài người khách quen.

Thư là một trong số những khách quen của bà, lần nào gặp cũng sà vào mua một ít. Ai cũng trêu “tóc dài thế kia gội tốn bồ kết phải biết”. Thư chỉ cười, vén lọn tóc về phía trước để khi cúi xuống tóc không bị quệt xuống đất. Ghé vào hàng nào cũng có người vuốt mớ tóc đen dài hỏi nuôi bao nhiêu năm mới được thế này? Để dài vậy có bất tiện không? Tóc này phải ra tiệm chứ gội ở nhà cực lắm cô nhỉ? Thậm chí có người còn thốt lên “bộ tóc này bán tiền triệu chứ chẳng chơi”. Mấy gã đàn ông thấy Thư đi qua thì bỡn cợt “nuôi tóc dài không sợ lúc cãi nhau chồng tiện tay giật ngược à em?”. Nhưng Thư vừa đi qua là đã có người tiếc nuối “tóc vợ tôi xưa cũng dài, thế mà tự dưng cắt phéng. Phí hoài…”.

Thuong em da trang toc dai…
Ảnh mang tính minh họa: Internet

Hồi nhỏ Thư nuôi tóc chỉ vì bố thích thế. Bố nói Thư gắng nuôi tóc thay mẹ để ở nhà còn có bóng dáng tóc dài thướt tha mềm mại. Tóc mẹ từng dài, rất dài nhưng sau này không hiểu vì sao cứ rụng dần. Dù tiếc lắm nhưng chính tay bố phải cắt ngắn tóc cho mẹ để mong những sợi tóc còn lại khỏe khoắn hơn. Cứ đến mùa măng là tóc mẹ rụng nhiều nhất. Sáng ra vơ quanh chăn chiếu, dưới thềm nhà, ngoài bậc cửa vo lại cả nắm tóc rối.

Biết bố xót lắm nên mẹ thường dậy sớm nhặt tóc của chính mình. Hồi đó, Thư không hiểu vì sao chỉ vì mái tóc thôi mà mẹ có thể buồn. Thỉnh thoảng thấy mẹ ngồi chải tóc ngoài hiên mắt rơm rớm. Lớn lên một chút mới hiểu vì mẹ sợ mất đi sự dịu dàng trong mắt bố. Nghe nói lúc còn trẻ bố từng si mê mẹ ngay lần gặp đầu tiên chỉ vì mái tóc dài thơm hương bồ kết.

Thư từng không lỡ cắt tóc bởi thương hai người già hoài niệm ấy, dù bạn bè đổi hết mốt nọ đến mốt kia, dù từng có lúc ấm ức vì mái tóc dài “quê bỏ xừ” lại khó kết hợp với quần áo, giày dép. Nhưng kể từ khi quen Long, Thư bỗng thấy yêu mái tóc dài đen nhánh của mình.

Ở nhà thì Thư buông tóc, nhưng đến công sở là búi cao cho gọn. Không cần cài trâm, không cần hoa điểm, chỉ riêng búi tóc cũng có vẻ đẹp sang trọng của nó. Nói như Long, nếu không có những búi tóc đen trên đầu thì mấy ai nhìn thấy được vẻ quyến rũ của cổ cao, gáy trắng. Long có cái sở thích rất đáng yêu, cứ ngồi gần Thư là nghịch tóc. Chỉ cần một động tác là búi tóc xõa tung mềm như nhung trên bờ vai đầy đặn.

Những lúc chỉ có hai đứa, Long thích hít hà mùi hương tóc, dùng những ngón tay vụng về thô ráp của đàn ông chải dòng suối tóc. Long nói sau này khi về cùng một nhà sẽ dụi đầu vào tóc Thư cho dễ ngủ. Mỗi lần đi công trình xa Long kêu nhớ nhất vẫn là mùi tóc của người yêu.

Chẳng biết Long nhặt từ bao giờ những sợi tóc rụng của Thư, cuộn lại cho vào ngăn trong của ví. Chỉ có vậy thôi mà Thư đem lòng thương người đàn ông sương gió bụi đường ấy. Dù xa nhau thường xuyên nhưng luôn có cảm giác được kề bên phải chăng cũng nhờ những ký ức mang hình sợi tóc? Dù nuôi tóc dài cũng có lúc thấy vướng víu, nặng đầu, nhưng chỉ cần nghĩ đến những ngón tay người yêu thích chạm vào tóc mượt là Thư không dám nghĩ đến chuyện cắt đi.

Thỉnh thoảng lại có người mua tóc đi qua ngõ. Tiếng loa rao “ai tóc dài, tóc rối bán không?”. Thư chợt nhớ đến mẹ từng khóc vì mỗi sáng rụng từng nắm tóc. Nhớ dáng lưng bố luồn dưới gốc bưởi nhặt hoa rụng phơi khô cho mẹ gội đầu. Nhớ cây bồ kết ở góc vườn gai góc vậy nhưng suốt đời chắt chiu cho sự mượt mà, mềm mại.

Giờ xa nhà, chạm vào tóc là chạm vào miên man nỗi nhớ. Tiếng Long hát nghêu ngao qua điện thoại lẫn vào tiếng ồn ào của công trường lúc cuối ngày: “Ba cô anh lạ cả ba/ Bốn cô anh lạ cả bốn biết là quen ai?/ Anh chỉ quen một cô da trắng tóc dài/ Miệng cười như cánh hoa nhài nở nang". Thư cười, như ngửi thấy ở đầu bên kia mùi tóc khét lẹt vì dãi nắng. Thương lắm mà không biết phải động viên sao, chỉ bảo “bao giờ về sẽ cho anh hẳn một ngày nghịch tóc”. Thế thôi…

Vũ Thị Huyền Trang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI