Nếu so với Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều 2018 tại Singapore - một quốc gia trung lập, vốn có nhiều đồng thuận, chia sẻ với Hoa Kỳ, lại chưa hề “khó dễ” với Triều Tiên - thì cuộc gặp gỡ của hai nhà lãnh đạo, tổng thống Donald Trump và chủ tịch Kim Jong un tại Hà Nội lại cho thấy nhiều thông điệp đã được truyền đi. Những thông điệp ấy, ít nhiều xác lập tư thế của hai nguyên thủ trước khi bước vào cuộc đàm phán.
Chọn Việt Nam, không phải là Đà Nẵng - một thành phố của tương lai, phát triển - như nhiều dự đoán; mà là Hà Nội - trái tim của cả nước, thủ đô văn hiến - chính trị của Việt Nam. Lịch sử nội tại của đất nước này đã là sự thống nhất, hòa hợp, hòa giải. Quá trình hội nhập và giao lưu quốc tế của Việt Nam là minh chứng cho sự hòa hiếu, mở cửa, phát triển. Ngày 7/7/2015, ngay tại phòng Bầu dục Nhà trắng, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã tuyên bố với Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ Barack Obama: “Quá khứ không ai có thể thay đổi được, nhưng tương lai thuộc về trách nhiệm của chúng ta”.
Chọn Việt Nam cho nấc thang mới, cao hơn, sâu hơn trong cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên, cũng có nghĩa là đảm bảo cho an ninh, hòa bình khu vực và thế giới; là Mỹ ngầm khẳng định tôn trọng lựa chọn ý thức hệ, lợi ích chính trị của mỗi quốc gia, không can thiệp hoặc can thiệp sâu vào công việc nội bộ của quốc gia khác, nếu nó không gây ảnh hưởng, tác động, đe dọa đến quyền lợi chung, trong đó có nước Mỹ.
Chọn Việt Nam - nhìn từ cả hai phía, Mỹ và Triều Tiên, đều toát lên tinh thần tự lực, tự cường, thoát dần sự phụ thuộc nhiều mặt vào Trung Quốc, hay một nước lớn thứ hai, áp dụng đường hướng ngoại giao uyển chuyển, linh hoạt, thông minh, hiệu quả. Trong nỗ lực chung, từ vấn đề Biển Đông cho đến ứng xử nội khối (ASEAN) cũng như vai trò kết nối, hòa giải, Việt Nam luôn là địa chỉ tin cậy, xuất phát từ nền tảng đạo lý lẫn pháp lý, có trách nhiệm.
Thoái trong nhẫn nhịn, khoan hòa
Sẽ không có nhiều kỳ vọng, dĩ nhiên là thế, cho một cuộc đàm phán chỉ mới đi được 2 chặng đầu; lại là đàm phán giải giáp vũ khí hạt nhân thì lại càng không thể. Nhưng chắc chắn cuộc gặp Hà Nội 2019 sẽ có nhiều chuyển biến sâu hơn trong bối cảnh các bên liên quan đều trông chờ những gỡ nút từ phía người trong cuộc.
Trước hết, sự thay đổi giọng điệu, thái độ của Chủ tịch Kim Jong un trong vòng hai năm trở lại đây không chỉ là để “đánh đổi” cho một sự nới lỏng lệnh cấm vận, dù đây là điều kiện sống còn cho nhân dân Triều Tiên mà còn là bước triển khai tiếp theo trong chiến lược Byungjin 2013, phát triển song song vũ khí hạt nhân và kinh tế quốc gia.
Mong muốn đạt được thống nhất tuyên bố hòa bình, chấm dứt chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên cũng là cách thức Chủ tịch Kim Jong un thể hiện chí hướng hòa bình, hợp tác, phát triển kinh tế trong xu thế mở, nhất là với những quốc gia có nền kinh tế phát triển hàng đầu - một tham vọng không chỉ phụng sự nhân dân mà còn củng cố vị thế đất nước, chính đảng của ông. Bên cạnh đồng minh thân cận duy nhất hiện nay là Trung Quốc, Triều Tiên dĩ nhiên sẽ bắt tay hữu hảo với Hàn Quốc, tận dụng Mỹ trong cuộc chiến của các siêu cường quốc cũng là nhằm thoát dần sự lệ thuộc độc đạo Bắc Kinh.
Trong khi đó, cuộc chơi đích thực trên chính trường thế giới là của Mỹ - Trung Quốc lại đang trong thời điểm cần sự an toàn cho tất cả.
Một Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã khởi động cho cuộc chạy đua nhiệm kỳ 2 vào Nhà Trắng với nhiều bất lợi về nội tình chính trường sau chiến thắng của phe Dân chủ trong Hạ viện. Lời hứa về một bức tường bảo vệ nước Mỹ trước làn sóng nhập cư vẫn đang lơ lửng, thậm chí có phần bất an. Dù đảm bảo các chỉ số về tăng việc làm, giảm thất nghiệp, thúc đẩy kinh tế nội địa theo đúng những gì cam kết “nước Mỹ trên hết” nhưng sự bất ổn phe nhóm trong nội các Trump là điều đang gây khó cho ông.
Vì thế, dùng đường lối chính sách để lấn át bất ổn chính trường là một trong những cách đi dễ thấy của Tổng thống Mỹ, trong đó, chính sách ngoại giao phản ánh rõ nét cá tính Donald Trump, nếu không muốn nói là di sản tổng thống do chính ông tạo dựng nên. Và đây chính là ưu thế giúp ông Trump tự tin bước vào cuộc đua vòng quanh nước Mỹ.
Chủ động và lèo lái cuộc căng thẳng thương mại Mỹ - Trung; trực tiếp trao đổi và tiếp tục tận dụng lối ngoại giao twitter cho các vấn đề hệ trọng quốc gia từ Trung Quốc, Nga, Triều Tiên, Syria… ông Trump đã khuấy đảo chính trường thế giới theo cách lùi - tiến, thăng - giáng của ông, vừa táo bạo, phi truyền thống; vừa khó đoán, tác động, phân cực dữ dội.
Ngay khi tỏ ra cứng rắn với Triều Tiên “chừng nào chưa phi hạt nhân hóa hoàn toàn thì không thể bàn gỡ bỏ lệnh cấm vận” nhưng đầy hào hứng, lạc quan trước khi lên đường đến Hà Nội. Không khoan nhượng với Trung Quốc nếu quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, dịch vụ, tiền tệ của Mỹ chưa được đảm bảo một cách thực chất, minh bạch nhưng tối 24/2, Tổng thống Mỹ đã chốt trên trang cá nhân rằng: “Tôi sẽ lùi thời hạn nâng thuế vốn được định vào ngày 1/3”.
Một động thái xoa dịu các nhà đầu tư, cũng là động tác thiện chí trước cuộc gặp tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago, Florida giữa ông Trump và ông Tập Cận Bình, định đoạt cho tương lai cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, chiến hay hòa.
Về phía Trung Quốc, mặc dù đã không bỏ lỡ bữa tiệc sinh nhật lần thứ 35 cho Chủ tịch Kim Jong un hôm 8/1 (thực chất là Chủ tịch Kim sang Trung Quốc hội kiến Chủ tịch Tập Cận Bình trước khi đến Hà Nội), thì việc đoàn tàu bọc thép của Chủ tịch Kim liên tục di chuyển qua Vũ Hán - Hồ Nam - Nam Ninh - Bằng Tường mà không dừng lại Bắc Kinh, trước khi tiến vào lãnh thổ Việt Nam, cũng là một sự “lùi lại” cần thiết.
Thoái cũng là một cách để tiến. Thoái trong nhẫn nhịn, khoan hòa là tiến trong trí tuệ, tâm thức. Từ đó, mở ra chân trời vô lượng vô biên, ít nhất từ Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều 2019, chân trời của hòa hợp, hòa giải, hòa bình cũng được hé mở, kỳ vọng.