PNO - Cứ đến tháng Sáu tôi lại nhớ ba da diết, bởi tháng không chỉ có ngày của Cha mà có cả ngày đặc biệt - ngày kỷ niệm nghề của tôi. Chính ba đã gieo mầm ước mơ nghề nghiệp và cho tôi có một công việc ổn định, đầy đam mê bao năm qua.
Một tấm ảnh gia đình quý giá. Tác giả (đứng bên phải) chụp cùng cha mẹ và người thân
Ba tôi là nông dân, mới chỉ học lớp Nhất (lớp Năm) trường làng, nhưng ba rất say mê đọc sách báo. Lúc còn bé xíu, tôi đã ngạc nhiên khi thấy nhà mình khác nhà chú Tư, thím Bảy kế bên. Vì chiếc tủ gỗ quý giá thay vì được trưng bày những bộ ấm tách, chén dĩa như các nhà hàng xóm thì ba để toàn những chồng báo xưa cũ và hàng trăm chiếc đĩa nhựa cải lương, ca cổ, tân nhạc.
Ngày ngày, ba đi ruộng, lấy vài tờ báo đem theo. Tôi cũng mon men đến gần coi hình nghệ sĩ Thanh Nga, Bạch Tuyết, Minh Vương, Lệ Thủy... Khi tôi biết mặt chữ và lớn lên thì cũng mê đọc báo như ba. Tôi nhớ những buổi trưa, ba buộc khăn rằn trên trán, nằm gác đầu lên ụ rơm dưới tán còng cặp bờ sông mát rượi, rồi lấy cái kiếng gãy gọng (mà ba nói tôi bẻ gãy lúc nhỏ) đặt lên mắt và đọc say sưa. Tôi thì trèo tót lên nhánh còng chìa ra sông, ngồi vắt vẻo đọc báo, đọc truyện. Lâu lâu, ba hỏi tôi: “Con đọc gì đó? Có gì hay kể ba nghe coi”.
Vậy là cha con tôi kể, bàn luận về một bài báo mới đọc. Sau này đi làm, tôi hay nghe cụm từ “làm bạn với con”, chợt nhận ra ba đã làm người bạn lớn của tôi từ thuở tôi lên 6, lên 7 tuổi. Cha con tôi trò chuyện rất thoải mái. Ba hay dạy tôi bằng ca dao tục ngữ. Ba thấy tính tôi khó kiểm soát khi nóng giận và nói chuyện to tiếng, ba khuyên nhủ, phân tích và bao giờ cũng đúc kết bằng ca dao, tục ngữ như: “Chim khôn kêu tiếng rảnh rang/ Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe”.
Đặc biệt, ba rất hay khen tôi. Má đi đám giỗ, tôi vào bếp, chỉ làm món trứng chiên, rau muống luộc. Vậy mà ba tấm tắc: “Hôm nay con gái út nấu ngon quá”. Tôi được chọn đóng vai Yết Kiêu trong lớp khi học tác phẩm này, ba khen qua câu hỏi: “Con gái ba chắc đọc giỏi và giọng hay lắm phải không?”.
Khi tôi đoạt giải khuyến khích 2 cuộc thi viết của tỉnh An Giang và Kiên Giang vào năm lớp Mười một, ba không khen trực tiếp, nhưng cả đêm ba không ngủ được và ba cười miết. Cách hành xử của ba đã giúp tôi - một đứa con gái luôn mặc cảm vì những vết sẹo phỏng trên mặt đã tự tin, lạc quan hơn.
Tôi nhớ nhất dáng ba cặm cụi, tỉ mẩn ngồi bên chiếc đèn hột vịt ghi chép mỗi tối từng sự kiện liên quan đến 6 đứa con: ngày sinh, đi học, cưới gả… và các sự kiện xã hội, thời cuộc. Giờ tôi vẫn nằm lòng những dòng chữ của ba: “Năm Mậu Ngọ - 1978, nước lụt mấp mé nhà trước (hơn 6 tấc), đường làng ngập hết phải bơi xuồng từ nhà này qua nhà kia. Long Xuyên cũng bị ngập, có chỗ sâu qua đầu gối. Gà, vịt, heo… chết nhiều, lúa bị ngập chết ngoài đồng, nhiều người bị đói, ăn độn khoai lang, bo bo”. Những điều ba quan sát, ghi chép vô tình đã chảy trong tôi giấc mơ được đi, được viết.
Ngày biết tôi nộp thêm hồ sơ vào ngành báo chí, bên cạnh ngành luật, má phản đối quyết liệt vì cái định kiến “báo là báo đời”. Khi đó, ba im lặng, không ủng hộ tôi và cũng không đứng về phía má. Nhưng, buổi tối trước ngày chị Hai dẫn tôi lên Sài Gòn thi đại học, ngoài 500.000 đồng má đã cho sau khi bắt tôi hứa chỉ thi vào trường luật, ba dúi thêm 1 chỉ vàng và dặn: “Con ráng lo cho em ăn uống đầy đủ, thi 2 trường, ở lại lâu, tốn tiền hơn”.
Vì quá mê nghề báo, tôi đã bỏ thi trường luật. Má giận dữ, còn ba chỉ nói: “Chuyện cũng lỡ rồi, nói cũng không thay đổi được gì”. Đến khi có kết quả thi, tôi là người thứ năm ở quê đậu đại học từ xưa nay. Ba má không mở tiệc ăn mừng như chú Tám khi con trai thi đậu cùng đợt với tôi. Ba vẫn im lặng, gương mặt hằn nỗi lo. Vài ngày sau, ba tập hợp cả nhà. Ba dặn dò má và các anh chị tôi: “Nếu ba có đột ngột qua đời thì bán vườn gáo nuôi con Út (là tôi) ăn học". Sau đó, ba cũng âm thầm sang tên 5 công đất cho tôi đứng tên chủ quyền.
Tôi hiểu, ba lo xa nếu chẳng may ba gặp chuyện bất trắc, má không thích tôi theo nghề báo, còn các anh chị bận mưu sinh sẽ không chu toàn cho đứa con gái không lành lặn của ba. Cứ mỗi tháng, ba đều đặn viết thư cho tôi. Ba dặn: “Con đã chọn nghề báo thì cố gắng học, đừng nản, đừng bỏ cuộc nghen con. Mệt mỏi thì về nhà chơi rồi trở lên tiếp tục thực hiện ước mơ của mình nghen con. Ba luôn ủng hộ con và ba tin tưởng con sẽ trở thành một nhà báo chân chính”.
Những ngày mới ra trường, tôi xin việc ở đâu cũng bị từ chối. Chán nản, tôi từng có ý định từ bỏ cuộc sống, nhưng lời dặn của ba như chiếc neo níu giữ tôi lại.
Năm 2004, tôi trở thành phóng viên chính thức của một tờ báo lớn. Khi đó, ba tôi đã bị tai biến mạch máu não, không thể nói chuyện. Thế nhưng, ba vẫn luôn là bạn đọc nhiệt thành nhất của tôi. Mỗi khi gặp bài viết có tên tôi là ngắm nghía mãi, rồi ra dấu để chị tôi đọc cho ba nghe.
Tròn 19 năm làm nghề, có thể tôi không phải là một nhà báo giỏi, nhưng tôi đã, đang và sẽ là một người làm nghề tử tế, là một nhà báo chân chính như ba đã mong đợi và tin tưởng.
Và có lẽ, vì ba rất thương con gái út, thương nghề báo của con, ba tôi đã chọn ngày cho chuyến đi xa cuối cùng của mình vào đúng ngày 21/6. Vì vậy, những ngày này thật sự là tháng của Cha, của tôi.