Sau khi lo trọn vẹn việc đời, dì Bảy thanh thản ra đi ở tuổi 82. Biết bao mất mát, khổ cực đè nặng lên tấm thân gầy yếu, dì Bảy vẫn không một lời phiền trách số phận. Dì để lại cho con cháu, bạn bè sự ngưỡng mộ, cảm phục lẫn xót thương vô hạn.
Ở Phú Yên, nhà tôi sát vách nhà dì Bảy. Lúc chuyển đến nhà mới, người đầu tiên tôi gặp là bà cụ hơn 70 tuổi, lưng còng, khuôn mặt khó đăm đăm. Song dì Bảy rất tốt tính, ai nhờ việc gì trong khả năng, dì không bao giờ từ chối.
|
Dì Bảy và dượng Lưu ở Sài Gòn năm 1962 |
Nghĩa tình dài theo năm tháng
Một buổi chiều tôi bất chợt nghe dì hát, giọng khàn đục nhưng da diết: “Đêm qua mơ dáng em đang ôm đàn dìu muôn tiếng tơ/ Không gian trầm lắng như âu yếm ru ai trong giấc mơ…” (ca khúc: Dư âm, tác giả: Nguyễn Văn Tý). Có tiếng xe máy. Dì ngẩng lên và phát hiện tôi đang nghe trộm. Lúng túng, tôi cười chào dì rồi hỏi một câu rất khiếm nhã: “Dì cũng biết bài Dư âm à?”.
Thật may, dì không để ý mà còn vui vẻ cho tôi biết đó là ca khúc dượng Lưu - chồng dì - đã dạy dì hát từ thuở đang yêu. Bây giờ, mỗi lần hát, dì rất nhớ dượng. Những giọt nước mắt đặc quánh lăn xuống đôi má nhăn nheo, dì nghẹn ngào kể chuyện.
Năm 16 tuổi, dì Bảy gặp dượng Lưu. 17 tuổi, dì về xã Hòa Thắng (huyện Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) làm dâu. Cuộc sống khá vất vả nhưng hạnh phúc. Đầu năm 1945, phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, chống thực dân Pháp xâm lược bước vào giai đoạn quyết liệt.
Tạm biệt vợ con, dượng Lưu đi hoạt động cách mạng. Dì Bảy đã thay chồng nuôi mẹ, nuôi các em và 2 đứa con thơ. Trăm bề khó khăn, ngàn nỗi vất vả, dì vẫn âm thầm chống chọi. Năm 1950, máy bay Pháp thả bom trúng giữa nhà, cướp đi sinh mạng mẹ chồng, em chồng và đứa con trai của dì. 1 tuần sau, thân phụ dì cũng qua đời.
Đau đớn tới mức tưởng có thể chết đi được, nhưng dì cắn răng gượng dậy chăm sóc đứa con vừa chào đời và gánh công việc gia đình. Nỗi đau chưa kịp nguôi ngoai, năm 1952, dượng Lưu bị bắt. Mấy tháng ròng, dì Bảy dắt con gái lớn, bồng con gái nhỏ đi thăm nuôi chồng. Sau nhiều lần thẩm vấn không tìm được chứng cứ, địch buộc phải thả dượng Lưu.
Ra tù, dượng Lưu công tác tại Phú Yên cho đến ngày đình chiến thì vào Sài Gòn - Gia Định hoạt động bí mật. Từ đó, dì Bảy bặt tin chồng. Không tìm được dượng Lưu, địch liên tục bắt dì Bảy trình diện.
Ban ngày bận rộn công việc, nuôi con, lo đối phó với địch, đêm về nhớ chồng, dì Bảy chỉ biết khóc thầm. Dượng Lưu còn sống hay đã chết? Liệu có bị bắt, bị tra tấn không? Dì Bảy dắt 2 con gái vào Sài Gòn tìm dượng Lưu. 3 mẹ con lang thang khắp hang cùng ngõ hẻm rồi lại lủi thủi đưa nhau về Tuy Hòa. Mỗi lần có người quen từ Sài Gòn về nói gặp một người giống dượng Lưu là 3 mẹ con lại đi tìm cha, tìm chồng.
Hơn 8 năm tìm chồng trong vô vọng, đầu năm 1962, dượng Lưu viết thư nhắn dì Bảy vào Sài Gòn. Vừa xuống ga Sài Gòn, có người đến hỏi dì: “Chị Lưu phải không?”. Dì chột dạ nhưng vẫn bình tĩnh trả lời: “Tôi đi buôn bán, không biết Lưu nào cả”. Người đàn ông nhìn dì Bảy một lát rồi rút tấm ảnh dì chụp cùng 2 đứa con gái ra. Biết đó là đồng chí của chồng, dì yên tâm đi theo.
Đi rất lâu thì đến một ngã năm, dì thấy một người đội mũ tiến về phía mình. Đã rất lâu không gặp nhưng dì Bảy vẫn nhận ra cái dáng thanh mảnh của dượng Lưu. Mừng quá, dì định chạy lại thì người dẫn đường vội nói khẽ: “Cẩn thận!”. Nén lòng đi theo ông ấy, vợ chồng dì được đưa đến nhà của một cơ sở cách mạng. Hơn 8 năm mới gặp nhau, biết bao điều muốn nói mà không thể thốt nên lời, dì Bảy gục đầu vào ngực chồng khóc mãi…
Cảnh chồng chung
Bên nhau được 6 ngày, lúc chuẩn bị về Tuy Hòa, dì nhận thấy dượng Lưu có điều khó nói, dì bảo: “Vợ chồng nặng tình, nặng nghĩa đến vậy, còn điều gì anh không thể nói?”. “Anh không nỡ. 8 năm vợ chồng mới gặp nhau, nói ra điều này thật bất nhẫn…” - dượng đáp. “Chỉ cần anh còn sống, bất cứ điều gì em cũng chịu đựng được” - dì Bảy xác quyết.
Thấy vợ chân thành, bao dung, dượng Lưu mới cho biết trong 8 năm hoạt động bí mật, tổ chức đã sắp xếp dượng sống chung với một nữ cán bộ hoạt động tên là Thịnh.
Dù theo sự sắp xếp của tổ chức, dượng Lưu vẫn cảm thấy có lỗi. Dì nhẹ nhàng nói với dượng: “Chồng chung chưa dễ ai chiều cho ai (*), nhưng chiến tranh, loạn lạc thế này, chuyện ấy có là gì đâu anh”. 8 năm tìm chồng trong vô vọng, dì chỉ mong dượng Lưu còn sống. Giờ biết chồng còn được chăm sóc chu đáo, lẽ nào dì không vui? Dì đòi dượng Lưu đưa đi gặp dì Thịnh.
2 “tình địch” lần đầu gặp mặt nhưng không hề nhìn nhau với ánh mắt ghen tuông. Trong nỗi xúc động, dì Bảy đã ôm dì Thịnh rồi nghẹn ngào thì thầm với dì Thịnh: “Tất cả là do chiến tranh. Cảm ơn em rất nhiều vì đã chăm sóc anh Lưu thay chị”. Thế rồi dì thanh thản ra về.
Vợ chồng gặp nhau, dượng Lưu đã để lại cho dì thêm một giọt máu nữa. Cuối năm 1962, dì Bảy sinh con gái út, đặt tên là Ngọc Trai.
Ngọc Trai ra đời được mấy tháng, dượng Lưu bị địch bắt. Dì Thịnh không dám báo tin dữ vì lo dì Bảy bị sản hậu. Cuối năm 1963, dì Thịnh nhắn dì Bảy đưa các con vào Sài Gòn chơi. Dì mới biết dượng Lưu đang bị giam giữ tại trại giam An ninh quân đội. Dì Thịnh dẫn 2 bé gái đi thăm cha trước. Ngọc Trai nhỏ quá chưa biết gì, còn Lan - con gái lớn - thường ngắm ảnh cha nên khi thấy cha, Lan nhận ra ngay. Dượng chạy lại ôm chặt các con vào lòng, 3 cha con đều khóc. Thời gian thăm chỉ có 15 phút.
Khi dượng Lưu bị dẫn đi, Lan khóc thét. Ngoái lại nhìn các con, dượng Lưu an ủi: “Tuần sau lại đến thăm cha nhé! Khi nào về Tuy Hòa, các con ráng sống cho tốt và thương yêu con của chú Năm như em mình nhé!”.
Tuần sau, dì Thịnh, dì Bảy cùng 2 con vào thăm, dượng Lưu đã bị chuyển sang tổng nha tra tấn và bị cách ly để thẩm vấn, không được phép gặp thân nhân. Chờ mãi, dì Bảy mới nhận được mấy dòng viết bằng bút chì trên một mẩu giấy nhỏ:
“Khái em, Vinh dự đời người ở giờ phút này. Anh không biết chúng sẽ đưa đi đâu, nhưng chắc không còn ở đây nữa. Làm người, chết vinh còn hơn sống nhục. Anh mong em đừng quá đau buồn. Ráng nuôi các con khôn lớn. Anh tin tưởng ở em. Em hãy trở về Tuy Hòa với các con.
Lưu”.
Năm 1965, dì Bảy dắt các con về nương nhờ gia đình bên ngoại, mở sạp bán tạp hóa. Cũng năm đó, dượng Lưu bị đày ra Côn Đảo. Sau hơn 1 năm tra tấn dã man vẫn không khuất phục được dượng Lưu, địch đã giết dượng vào ngày 19/11/1966.
Tình chị em
25 năm làm vợ, chỉ được 5 năm ở bên chồng, lúc chồng mất không được gặp mặt, nỗi đau đè nặng lên tấm thân mỏng manh khiến lưng dì Bảy còng hẳn xuống. Song, là chỗ dựa duy nhất của các con, dì lại gắng gượng vượt lên. Thương dì Thịnh sống một mình, dì Bảy quyết định mang con gái út vào Sài Gòn giao cho dì Thịnh nuôi. 2 chị em ôm nhau nức nở và từ đó họ thương nhau như chị em gái.
|
Dì Bảy (trái) và dì Thịnh ở Sài Gòn năm 1966 |
Năm 1993, dì Thịnh qua đời. Dì Bảy muốn đích thân lo việc hậu sự cho dì Thịnh nhưng quá ốm yếu không thể vào Sài Gòn được, dì đã giao cho 3 con gái lo tang lễ, mộ phần cho dì Thịnh chu đáo, sau đó rước ảnh về Tuy Hòa để thờ.
Trên lầu 2, nhìn lên bàn thờ, tôi thấy 2 tấm ảnh: người đàn ông ngoài 40 tuổi trông rất thư sinh - đó là liệt sĩ Nguyễn Lưu; tấm kia là một phụ nữ phúc hậu - dì Thịnh. Dì Bảy đốt nhang, lầm rầm cầu khấn. Đăm đắm nhìn ảnh dượng Lưu và dì Thịnh một lúc, những giọt nước mắt đặc quánh lại từ từ lăn xuống gò má nhăn nheo của dì Bảy.
Dì cứ đứng yên cho đến lúc nhang trên bàn thờ sắp tàn hết mới với tay lấy một gói nhỏ được bọc rất kỹ để trên chiếc đĩa. Dì run run mở cái gói ấy ra và đưa tôi xem bức thư - kỷ vật cuối cùng của dượng Lưu. Sau khi tôi đọc xong, dì Bảy gói buộc kỹ càng và đặt lại chỗ cũ.
Trong chiến tranh, người ta có thể không cần suy nghĩ nhiều lắm khi phải hy sinh tính mạng, tài sản. Nhưng hy sinh hạnh phúc riêng có lẽ là lựa chọn khó khăn nhất, đau đớn nhất. Và dì Bảy đã hy sinh cả hạnh phúc riêng của mình - một sự hy sinh thật âm thầm, lặng lẽ, nhân hậu và bao dung.
Nguyễn Phong Lan
(*) Truyện Kiều