Thương chiến Mỹ - Trung mới bắt đầu, hàng Việt đã trọng thương

07/09/2019 - 06:00

PNO - Một số ngành hàng bị ảnh hưởng nặng nề do tác động từ cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, ngành dệt may ảnh hưởng thảm hại từ nửa cuối 2018 đến nay do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc. Ngành sợi của Việt Nam nếu như trước đây xuất khẩu tương đối mạnh vào Trung Quốc (gần 2 tỷ USD/năm). Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm nay đã giảm sâu.

Nguyên nhân khiến ngành dệt may lâm vào cảnh thê thảm trong vài tháng trở lại đây là do đồng nhân dân tệ bị phá giá, các doanh nghiệp xuất khẩu không cạnh tranh nổi với sản phẩm cùng loại tại thị trường Trung Quốc; sức mua các mặt hàng sợi Việt Nam từ Trung Quốc cũng giảm...

Thuong chien My - Trung moi bat dau, hang Viet da trong thuong
Nhiều đề xuất từ DN, Hiệp hội để tận dụng lợi thế từ thương chiến Mỹ - Trung. Ảnh minh hoạ

Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biễn gỗ TP.HCM (Hawa) cho biết: "Thách thức đối với ngành đồ gỗ là đang có sự chuyển dịch từ các quốc gia như: Trung Quốc, Mỹ… đầu tư vào các khu công nghiệp ở Bình Dương, Tây Ninh, Miền Trung… làm cho bất động sản công nghiệp tăng giá nhanh. Chi phí nhân công cũng tăng cao do phải cạnh tranh thu hút lao động. Đáng lo hơn là nảy sinh những nguy cơ về gian lận thương mại".

Ông Phương chỉ ra, mới đây một số mặt hàng gỗ ván ép sàn của một số doanh nghiệp tăng đột biến, có nguy cơ từ việc trà trộn hàng từ các quốc giá khác vào rồi xuất đi Mỹ để tránh thuế. Việc này cũng có thể khiến cả ngành gỗ Việt đối mặt với nguy cơ nhận đòn trừng phạt của Mỹ do gian lận xuất xứ.

Ngành gỗ đang tìm mọi cách để giảm thiểu rủi ro và có thể tận dụng lợi thế từ cuộc thương chiến Mỹ - Trung. Hai năm qua, các doanh nghiệp đã cố gắng mở rộng mặt hàng trước đây không phải là thế mạnh như: tủ bếp, đồ văn phòng... Đồng thời mở rộng thị trường xung quanh khu vực châu Á – Thái Bình Dương rất nhiều tiềm năng.

Thuong chien My - Trung moi bat dau, hang Viet da trong thuong
Ngành chế biến gỗ chuẩn bị chuyển dịch tận dụng lợi thế từ Thương chiến Mỹ - Trung Quốc. Ảnh minh hoạ

Đại diện Vitas cho hay, gần đây có thông tin các doanh nghiệp Trung Quốc đóng cửa dồn vào đầu tư ở Việt Nam rất nhiều sau thương chiến Mỹ - Trung. Ông Vũ Đức Giang cho rằng, các doanh nghiệp Trung Quốc phải đóng cửa một phần vì sức ép của nền kinh tế Trung Quốc trong thương chiến. Bên cạnh chi phí nhân công của ngành dệt may tại đây lên rất cao (khoảng 850-900 USD/tháng). Với chi phí nhân công như vậy không đủ khả năng duy trì nhà máy buộc phải đóng cửa.

Ông Giang nhận định, do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, ngành dệt may sẽ phải chuyển dịch thị trường. Ngành hàng này sẽ xuất khẩu đến những thị trường tiềm năng như: Trung Đông, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản… 

Ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ, Bộ Công Thương nhận định, xung đột thương mại Mỹ - Trung Quốc tác động lên tâm lý của các DN Việt Nam cực kỳ lớn.

Những rủi ro của cuộc chiến tranh Mỹ - Trung này có thể kéo dài từ 10 thậm chí 20 năm nếu hai bên chưa đạt được đàm phán. Tuy nhiên, việc kéo dài của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung ngoài đón nhận những mặt tích cực, các DN cần phải tìm cách giải các bài toàn giảm thiểu tối đa rủi ro cho DN.

Quốc Thái

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI