Thương chiến Mỹ - Trung: Đất hiếm không là quân cờ chủ lực của Trung Quốc

28/06/2019 - 07:08

PNO - Trung Quốc kiểm soát 90% sản lượng đất hiếm trên thế giới, nhưng đây không thể xem là ưu thế trong cuộc chiến thương mại với Mỹ.

Bất cứ lúc nào, Trung Quốc đều có thể hạn chế hoặc thậm chí cấm xuất khẩu đất hiếm, khiến giá của chúng tăng 20-50% trong 2 tháng qua. Sở dĩ đất hiếm quý giá vì đây là nguyên liệu quan trọng của nhiều ngành công nghiệp hiện đại. Dù chỉ chiếm một vài gram, chúng rất cần thiết trong các sản phẩm tiêu dùng (như đèn huỳnh quang và điện thoại thông minh), các sản phẩm công nghiệp (như động cơ máy bay và tua-bin gió), cũng như các hệ thống quân sự (như radar và máy dò sonar). Đặc biệt, đất hiếm là chất xúc tác trong các bộ chuyển đổi khí thải của ô tô, xử lý hóa học và lọc dầu.

17 nguyên tố, được gọi chung là kim loại đất hiếm, xuất hiện khắp nơi trên khắp thế giới. Trong thế kỷ XX, Mỹ có thể tự đáp ứng nhu cầu đất hiếm của mình. Thế nhưng các sản phẩm phụ của quá trình khai thác, cô lập rất độc hại và thậm chí đi kèm nguy cơ phóng xạ. Do đó, các nhà máy tại Trung Quốc, với chi phí thấp, nhanh chóng phát triển để thống trị ngành sản xuất kim loại đất hiếm trên thế giới.

Chính phủ: bàn tay hữu hình 

Bắc Kinh luôn coi đất hiếm là vũ khí chiến lược. Năm 2010, Trung Quốc từng áp đặt hạn ngạch xuất khẩu để trả đũa Nhật Bản, sau vụ tranh chấp tại quần đảo Senkaku (hay Điếu Ngư). Trung Quốc còn tạo sức ép cho các công ty luyện kim ở nước ngoài dời các nhà máy của họ sang Trung Quốc; đồng thời giúp Bắc Kinh củng cố ngành công nghiệp khai thác kim loại hiếm vốn đang phân mảnh, với nhiều công ty khai thác quy mô nhỏ luôn cạnh tranh lẫn nhau. Đầu năm 2015, Trung Quốc dỡ bỏ hạn ngạch xuất khẩu sau phán quyết của WTO, nhưng thay thế chúng bằng chế độ cấp phép xuất khẩu.

Thuong chien My - Trung: Dat hiem khong la quan co chu luc cua Trung Quoc
Giá đất hiếm tăng cao khuyến khích hoạt động khai thác nhỏ lẻ, trái phép tại Trung Quốc

Thị trường: bàn tay vô hình

Tuy nhiên, rất lâu trước khi có phán quyết của WTO, giá của hầu hết các kim loại đất hiếm đều giảm mạnh. Về phía cung, sự khan hiếm thúc đẩy các công ty khai thác kim loại đất hiếm ở những nơi khác trên thế giới tăng cường sản xuất, chẳng hạn như ở Mỹ, Úc, Estonia và Myanmar. Tại Trung Quốc, giá cao khuyến khích người dân sản xuất ở quy mô nhỏ lẻ, làm trầm trọng thêm thảm họa môi trường của Trung Quốc và tạo động lực cho những chuyến buôn lậu kim loại ra khỏi đất nước. Về phía cầu, giá cao khiến các doanh nghiệp giảm sử dụng kim loại đất hiếm hoặc chọn cách tái chế chúng.

Việc hạn chế hoặc cấm xuất khẩu đất hiếm của Trung Quốc, khiến giá đất hiếm tăng cao có thể gây áp lực cho Mỹ trong ngắn hạn; nhưng về lâu dài thì không. Những định chế tham gia thị trường đã học hỏi từ kinh nghiệm ứng phó hạn ngạch xuất khẩu của Trung Quốc vào năm 2010. Kể từ đó, nhiều nơi quyết định mở rộng sản xuất kim loại đất hiếm, vì suy cho cùng, kim loại đất hiếm không phải là rất hiếm. Nghiên cứu cho thấy, Brazil và Việt Nam cộng lại có trữ lượng kim loại đất hiếm ngang ngửa với Trung Quốc. Hơn nữa, nhiều nguồn cung cấp mới đã được tìm thấy. Năm 2011, Nhật Bản phát hiện các mỏ kim loại lớn dưới đáy biển, gần đảo Minamitori ở Thái Bình Dương. Thế giới cũng đang liên tục phát triển các lựa chọn thay thế cho kim loại đất hiếm.

Giới hạn đối với sức mạnh thị trường

Sức mạnh thị trường đối với các mặt hàng quan trọng là đòn bẩy tuyệt vời để đạt mục tiêu chính trị, nhưng rất khó để một quốc gia sử dụng sức mạnh này hiệu quả. Ngày nay, các nhà lãnh đạo Trung Quốc dường như tin rằng, họ có thể dùng quyền thống trị của Trung Quốc đối với sản xuất kim loại đất hiếm để gây áp lực kinh tế cho Mỹ. Điều đó được cho là sẽ kéo theo nhiều rủi ro.

Tuy kim loại đất hiếm quan trọng đối với các ngành công nghiệp hiện đại, chúng vẫn là hàng hóa và tuân theo cùng quy luật cung cầu, ảnh hưởng đến tất cả các mặt hàng khác. Bất cứ khi nào cung và cầu ngắn hạn hay dài hạn trở nên thiếu cân bằng, giá cả hàng hóa có thể biến động. Sự tự tin thái quá về các điều kiện cung và cầu phổ biến từng khiến nhiều nhà chính trị lạc lối. Bắc Kinh cần nhớ rằng, với thời gian (và thường không quá lâu), bàn tay vô hình của thị trường có thể làm suy yếu ngay cả những kế hoạch tốt nhất mà con người nghĩ ra. 

Tấn Vĩ (theo Eurasia Review)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI