Thương chi cái bóng vật vờ

18/10/2017 - 18:00

PNO - Thương chi một cái bóng khi dẫu ta có đi kế bên hay theo suốt cuộc đời, bóng vẫn là bóng. Những tận tụy, hy sinh, chịu đựng của ta đều vô nghĩa và đáng thương.

Hân là người phụ nữ trẻ nhất xóm, dù đã sắp tới tuổi “băm”. Tối đi làm về, chạy xe vào hẻm, cô thấy cha con hàng xóm. Đứa con trai gầy như cái sào, choàng vai, dìu người cha nhỏ bé. Hai người lê bước, xiêu vẹo suốt quãng đường, trong cơn say của người cha. Cậu con trai đụng mặt cô, bối rối. Hân ngó đi nơi khác. Cô thường gặp ông bố đệ tử lưu linh này, cứ ba bước tiến là một lúc ngưng trong chới với. Ông ta thường cố giữ thăng bằng khi đầu và chân như hai thực thể không liên quan gì tới nhau.

Thuong chi cai bong vat vo
Ảnh: Internet

Nhiều lần Hân tự hỏi, sao vợ ông ấy có thể sống như vậy? Chị chừng bốn mươi tuổi, nhưng nhìn lam lũ như đã sáu mươi. Từ tỉnh lên thành phố bán hàng rong, chị được người quen mai mối với người nay là chồng. 15 năm, chưa khi nào người chồng ấy sắm được món gì trong nhà. Sáng ông ta đi làm, chiều về say khướt. Thỉnh thoảng, hàng xóm lại nghe những tiếng gào thét, chửi thề vẳng từ nhà họ. Ngày nào yên lành là người đó đã leo lên cái gác gỗ, ngủ.

Chị vợ sáng chiều đạp xe đi nhặt phế liệu, lúc với đứa con nhỏ, khi thì một mình. Chị tranh thủ xin cơm thừa về phơi khô để bán. Có thời chị nhận trông trẻ cho hàng xóm để kiếm thêm thu nhập. Tất cả các khoản tiền lớn nhỏ: học phí cho con, lợp lại mái nhà, bóng đèn hư… chị đều phải tự làm hay nhờ hàng xóm giúp. Trong căn nhà ấy, hằng ngày chỉ thấy bóng bốn mẹ con ra vào với nhau. Người đàn ông “rường cột” thấp thoáng như cái bóng. Hàng xóm hỏi chồng có đưa tiền lương không, chị cười méo xẹo: “Ổng không đủ tiền uống rượu thì có đâu mà đưa cho tui”. Bốn mẹ con lay lất giữa Sài Gòn gió bụi.

Thuong chi cai bong vat vo
Ảnh: Internet

Mẹ Hân nói, nếu chia tay chồng, chị ấy phải đi thuê nhà, rất tốn kém. Chị gái Hân thì giải thích, người đàn bà ấy cần người đàn ông đó để con có cha. Vả lại, một người đàn bà kém sắc, nghèo khó thì làm gì có nhiều cơ hội để chọn lựa. Hân không chấp nhận được những lý lẽ đó. Đơn giản vì Hân thuộc thế hệ không theo quan niệm “gái ngoan là phải có chồng”. Nàng lý sự: Lấy chồng là để kiếm một bờ vai, để nương tựa và chia sẻ. Nhưng với một người chồng tệ hại, mong gì khi ngã bệnh có một viên thuốc hay bát cháo. Giữ cha cho con để làm gì, khi kẻ ấy chỉ là một gánh nặng và không thể khiến lũ con kính trọng. Hân tuyên bố phải sống cho bản thân và tìm niềm vui từ cuộc sống độc lập hơn là sống phụ thuộc.

Nghe con gái nói, mẹ Hân chỉ chép miệng, rằng cuộc đời không đơn giản vậy. Nhưng cô khăng khăng: “Đời đơn giản khi ta đơn giản. Nước mắt hay nụ cười chỉ có thể thoáng qua, chứ sự an nhiên phải bao trùm lên tất cả. Con sẽ tìm kiếm điều đó, nhưng dù có hay không một người đàn ông đồng hành trong đời, con cũng sẽ tìm bằng được sự an nhiên cho mình”. Hân kiên quyết như thế, bởi mỗi đêm đi làm về, cô gặp ông hàng xóm - hình ảnh cô không muốn vận vào mình.

Song Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI