Thương các trò nhỏ đã phải tập kịch đối phó... dự giờ

27/01/2015 - 08:16

PNO - PNO - Vào một hôm, vì muốn học sinh khắc sâu hơn những kiến thức đã học, tôi quyết định cho học sinh xuống phòng Nghe nhìn của trường để xem tranh ảnh minh họa và phim tư liệu.

edf40wrjww2tblPage:Content

Vì đây là lần đầu tiên kể từ khi bước vào cấp II, các em được học với thiết bị hiện đại nên khi nhận được thông báo của tôi, các em đã vỡ òa, sung sướng. Thế nhưng, bên cạnh tâm trạng hớn hở vì sắp được xem minh họa, một số em lại tỏ vẻ căng thẳng và cứ hỏi tôi: “Dự giờ hả thầy? Sao thầy không dặn tụi con? Lát nữa thầy đừng kêu con nha thầy”. Tôi không thể nhịn cười được với những câu hỏi ngây ngô ấy…

Thuong cac tro nho da phai tap kich doi pho... du gio

Nguồn ảnh: internet

Khi di chuyển xuống phòng Nghe nhìn, tôi rất ngạc nhiên vì “các chú chim chích chòe” không líu lo như mọi hôm, không cần tôi nhắc nhở. Tất cả di chuyển có hàng lối, và rồi ai vào chỗ nấy, tay để trên bàn một cách ngoan ngoãn.

Đợi các cô cậu ổn định xong, tôi yêu cầu lấy tập sách ra học bài. Thế là, hàng loạt các câu hỏi đặt ra từ các bé: “Thầy ơi, tiết sau dự giờ hả thầy”? “Thầy ơi, có cần giơ tay hết không thầy”? “Tay nào là tay phát biểu, tay nào là tay giơ cho có vậy thầy”?…

Và rồi, khi sự thật được công bố, các cô cậu thở phào nhẹ nhõm. Nhưng tôi lại có một cảm giác thật khó tả. Tôi thương cho những đứa trẻ ngây thơ đã bao lần phải “tập kịch” cùng thầy cô giáo trong mỗi tiết dự giờ để rồi hình thành cho mình cái “kĩ xảo tai hại” kia. Tôi thương cho những người đồng nghiệp của tôi vì phải lao đao, vất vả “dàn trận” trong những giờ lên tiết.

Đây không phải là vấn đề mới nhưng nó như một bếp than vẫn còn cháy đỏ và chưa từng tắt bao giờ. Mặc dù hiện nay, vấn đề dự giờ đã thoáng nhiều so với trước (chẳng hạn như không còn đánh giá, xếp loại khi thao giảng tổ) nhưng nó cũng không thể giải quyết triệt để được tình trạng trên.

Tôi không cố tình biện minh thay cho bản thân tôi hay đồng nghiệp. Nhưng rõ ràng, khi lên tiết, người dạy phải chịu nhiều áp lực: tiết dạy phải “tròn trịa”, không dư, không thiếu thời gian, học sinh phải tích cực, giáo viên phải đáp ứng được những “chuẩn” của người dự giờ đánh giá... Trong khi thực tế giảng dạy nào có như thế.

Xem toàn bộ diễn đàn “Giáo dục trong mắt tôi” tại đây.

Dẫu biết rằng quy định một tiết học chỉ có 45 phút nhưng chúng tôi có thể dạy nhiều hơn khi học sinh chưa nắm được trọng tâm hay bài tương đối dài và sẽ tiết chế thời gian ở những bài tương đối dễ hiểu. Bởi lẽ, nhiệm vụ người thầy đâu phải là dạy theo thời gian mà mục đích cuối cùng là cung cấp tri thức cho học sinh, để học sinh hiểu, vận dụng.

Một điều đáng bàn nữa là khi có thầy cô dự giờ, tâm lí học sinh sẽ bị tác động, các em không thể tự nhiên học như mọi khi. Đây cũng là một cản trở rất lớn để phát huy tính tích cực của học sinh trong giờ học.

Cuối cùng là vấn đề phương pháp. Trải qua nhiều lần được dự giờ và đánh giá, tôi cảm thấy băn khoăn một điều: có phải một tiết học phải có thảo luận nhóm là thành công và đạt hiệu quả? Theo những gì tôi từng trải và quan sát, hễ muốn được đánh giá là tiết tốt thì trong quá trình dạy phải có thảo luận nhóm, không có thảo luận là không áp dụng đổi mới phương pháp.

Thế nhưng, phương pháp giảng dạy tích cực, phát huy tính chủ động của học sinh nào chỉ có thảo luận. Trong một tiết luyện tập viết đoạn văn biểu cảm với đề tài tự chọn, chúng ta cho thảo luận nhóm liệu rằng có hợp hay không? Có chăng là thảo luận về cách triển khai, nhưng điều đó là thực hiện ở tiết học về lí thuyết.

Như vậy, đứng ở góc độ cá nhân, tôi nghĩ rằng, muốn tiết dự giờ không còn là vở kịch thì chúng ta nên linh hoạt hơn trong việc đánh giá và đặc biệt, người dự giờ, đánh giá cần phải “mở rộng tầm nhìn”, đặc biệt là giáo viên đứng lớp cần phải phấn đấu, học tập để giảng dạy tốt hơn.

Chúng ta hãy trả lại cho học sinh sự ngây thơ, hồn nhiên và hãy giữ lại cho bản thân mình cái tâm của người thầy giáo.

NGUYỄN THANH TUẤN (khu phố 18, P. Bình Trị Đông, Q. Bình Tân, TP.HCM)

Thông qua những trải nghiệm, chứng kiến, suy tư của mình về trường lớp, mối quan hệ thầy - trò, quan hệ giữa các nhà giáo, chương trình dạy - học, chính sách giáo dục, công tác quản lý, sách giáo khoa, dịch vụ giáo dục, sản phẩm giáo dục… hãy viết và gửi bài cho diễn đàn “Giáo dục trong mắt tôi” của phunuonline.com.vn.

Kính mời bạn đọc gửi bài, ý kiến qua các địa chỉ:

- Mở trang chủ phunuonline.com.vn, vào mục Gửi bài ở cuối trang
- Hoặc theo địa chỉ email: xahoi.phunuonline@gmail.com
- Hoặc viết vào phần bình luận phía dưới mỗi bài viết của diễn đàn.

Cuối bài ghi rõ họ tên, địa chỉ, số điện thoại, số tài khoản (nếu ở ngoài TP.HCM - để tiện gửi nhuận bút).

Phụ Nữ Online trân trọng cảm ơn sự cộng tác của bạn đọc.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI