Thương bông điên điển

12/06/2024 - 05:58

PNO - Không phải ngẫu nhiên mà điên điển được ví như “mai vàng miền Tây”.

“Miền Tây xanh sắc mây trời

Phù sa nước nổi người ơi đừng về”.

Hồi đó, cứ mỗi lần nghe bài hát Bông điên điển là má tôi lại thương tôi lấy chồng xa xứ. Má tôi bảo tội nghiệp con Bảy, lấy chồng xa quá. Tôi chỉ mỉm cười thương má, tại má lo quá chứ con cũng về trên này ở mà. Tôi trấn an má rằng xa thì vất vả đường đi, nhưng được cái bên chồng thật thà, chất phát, sống với nhau nghĩa tình trước sau trọn vẹn. Rồi không biết từ khi nào, loài hoa trong bài hát đó lại nhắc nhớ tôi về miền Tây. Miền Tây có bông điên điển hay chính bông điên điển đã làm nên một miền Tây hiền hòa trong tâm trí những ai từng đặt chân đến?

Đất miền Tây mây nước bồng bềnh. Mùa nước nổi tràn về, bông điên điển bắt đầu nở vàng rực trên khắp các cánh đồng và kênh rạch. Những chùm hoa dịu dàng, mộc mạc như người con gái đằm thắm thôn quê. Bông điên điển có nhiều nhất ở miệt Đồng Tháp - An Giang, vào khoảng tháng Tám âm lịch là chồi bông bắt đầu xuất hiện.

Không chỉ đẹp, bông điên điển còn làm được những món ăn rất tuyệt vời. Nhiều người dân miền Tây kiếm sống nhờ nghề hái bông điên điển bán cho các nhà hàng, các khu du lịch và bán đến các thành phố lớn. Mùa này cũng là mùa cá linh về, có thể vì vậy mà chúng kết hợp thành những món ăn rất ngon, đặc sản của vùng đồng bằng sông nước miền Tây.

Bây giờ có vẻ như bông điên điển dễ mua hơn và hầu như mùa nào cũng có. Nhớ hồi trước phải đợi đến mùa bông nở rộ, mà muốn hái phải chèo ghe vào tận trong sâu. Bông điên điển dùng nấu canh hay làm rau ăn lẩu, làm dưa chua, đổ bánh xèo hay xào với tép đều ngon, đặc biệt làm cho màu sắc của món ăn thêm phần hấp dẫn.

Còn gì cho bằng một buổi chiều mưa, bên nồi canh chua bốc khói, cá linh tươi mềm và ngọt thịt cộng với bông điên điển giòn ngọt, chén mắm ớt nguyên chất cay cay. Nếu ai ăn không quen sẽ thấy vị đăng đắng, nhưng chỉ cần quen rồi thì sẽ nghiện cái vị chua chua nhẫn nhẫn của nó.

Cùng với bông so đũa, bông bí, bông súng… bông điên điển là loại rau không thể thiếu cho các nồi lẩu chua hay lẩu mắm. Đặc biệt, bông điên điển thường được dùng để ăn kèm các món nước như bún nước lèo, bún cá… Riêng điên điển muối chua thì không phải ai cũng biết. Chỉ cần đọc câu ca dao sau đây sẽ hiểu nó ngon đến nhường nào: “Điên điển mà đem muối chua/ Ăn cặp cá nướng đến vua cũng thèm”.

Có câu: “Theo chồng về chốn bưng biền/ Thấy bông điên điển nghiêng mình nhớ quê”. Không cần nói rõ quê đó là đâu, ai cũng mặc nhiên hiểu nơi ấy là miền Tây, nơi có những con sông và hệ thống kênh rạch nối liền làm thành mạch nguồn cuộc sống. Bông điên điển làm cho cảm giác của mọi người khi nghĩ về miền Tây có gì đó hiền hòa, có gì đó trầm buồn nhưng nghĩa tình sâu sắc. Không phải ngẫu nhiên mà điên điển được ví như “mai vàng miền Tây”. Nếu như mai vàng là đặc trưng của miền Nam thì bông điên điển chính là loài hoa làm nên hồn cốt của xứ Tây Nam Bộ.

Dù đã không còn xa lạ gì với loài hoa này, vậy mà mỗi lần nhìn thấy, lòng tôi như mềm lại, yêu thương hơn mảnh đất phương Nam này; để rồi khi rời xa, lại nhớ loài hoa vàng mang tên điên điển.

Kim Loan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI