Thương anh chưa một ngày sống cho mình

30/04/2023 - 11:09

PNO - Chồng hoạt động cách mạng, người vợ trẻ một mình mang thai, một mình sinh con. Khi chồng hi sinh, mãi mãi không về, bà một mình nuôi đàn con khôn lớn.

Bà Tô Ngọc Yến
Cầm trái măng cụt, bà Tô Yến Ngọc rơi nước mắt thương người chồng liệt sĩ

Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ tại TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, bà Tô Yến Ngọc - vợ liệt sĩ Lê Quang Dĩnh, run run bổ những trái măng cụt, giọng nghẹn ngào: "Hồi xưa, tôi thường bổ cho ba tụi nhỏ ăn. Đây là loại quả anh thích nhất. Sau lần mua măng cụt chờ anh về ăn nhưng anh không về và mãi mãi anh không về ăn, gia đình tôi không còn dùng loại quả này nữa…".

Trong dòng hồi tưởng đầy xúc động, bà Yến Ngọc kể chúng tôi nghe câu chuyện về cuộc hôn nhân của ông bà trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ hào hùng, những thăng trầm trong cuộc đời của một người vợ phải lăn lộn mưu sinh nuôi 3 người con khôn lớn, trưởng thành.

Liệt sĩ Lê Quang Dĩnh sinh năm 1921 quê ở vùng đất Thạch Thang, nay thuộc quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng. Ông tham gia kháng chiến từ thời chống Pháp. Khi kháng chiến chống Mỹ bùng nổ, ông hoạt động trong Ban Nghiên cứu Khu ủy Sài Gòn - Gia Định sau đó chuyển sang Ban Trí vận - Mặt trận, hoạt động tại nội thành.

Hai ông bà biết nhau qua một người quen của ông trong Ban Trí vận - Mặt trận. Lúc đó bà mới 21 tuổi. Quen nhau chừng một năm thì ông bà làm cưới. Gọi là đám cưới, nhưng được tổ chức bí mật để đảm bảo an toàn cho ông. Họ hàng, làng xóm cũng không được biết. Khi ông đưa bà về nhà chồng, hai người còn tự tay lắp dát giường, thang giường cưới… trong niềm hân hoan hạnh phúc. 

Vợ chồng mới cưới như đũa có đôi, vậy mà ông bận hoạt động cách mạng chẳng mấy khi ở nhà. Mỗi lần ông về, trong niềm vui mừng của bà có cả nỗi thấp thỏm, sợ ông bị theo dõi. Vậy nên, trước khi ông về, nếu thấy an toàn, bà ra ám hiệu bằng cách treo dải vải trắng trước nhà.

Vợ liệt sĩ Ngọc Yến (phải) và tác giả Bùi Thị Hoàn - Giám đốc Bảo tàng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Vợ liệt sĩ - bà Tô Yến Ngọc, và tác giả Bùi Thị Hoàn - Giám đốc Bảo tàng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Có lần, ông về rủ bà đi hóng mát, bà lo cho ông nên không muốn ra ngoài, nhưng ông cứ năn nỉ, bà đành nghe theo. Đi được một đoạn, ông bảo bà ngồi đó đợi ông, bà không tiện hỏi ông đi đâu. Sau này, ông mới tiết lộ với bà là ông đi đưa tin cho cơ sở nhưng sợ bị theo dõi nên rủ bà đi cùng để che mắt.

Lần khác, ông về nhà trong vội vã rồi dặn bà đến một địa điểm bán gạo ở chợ An Đông (quận 5, TPHCM) gặp một người và nói rằng: “Anh Ba nhà đất đau nặng”. Nhìn khuôn mặt căng thẳng của ông, bà vội đi và làm theo lời ông dặn. Khi đó bà đâu biết đang giúp ông làm một việc hệ trọng: báo tin cho đồng đội của ông về việc cơ sở đã bị lộ. Câu nói chứa đựng mật hiệu đó, mấy chục năm rồi bà vẫn nhớ như in. Cứ thế, bà trở thành người cộng sự đắc lực, tin cậy của ông, của tổ chức: khi thì bà đi rải truyền đơn, lúc thì bà đưa tài liệu đến nơi ông chỉ dẫn…

Mặc dù cẩn trọng hết sức, nhưng ông vẫn bị theo dõi. Một lần ông về nhà với lồng ngực thâm tím. Bà gặng hỏi mãi ông mới thú thật đã bị địch bắt. Chúng dội nước vào người ông rồi dùng bao tải phủ lên ngực và đánh. Tuy nhiên, ông kiên cường chịu đựng, không khai báo. Chúng không khai thác được gì nên thả ông về.

Nhưng âm mưu của địch là thả ông về để theo dõi ông, Ông không hay biết âm mưu đó nên lại tiếp tục hoạt động. Mấy ngày sau, khi biết mình đã lộ, ông về nhà trong chớp nhoáng và giục bà "15 phút nữa phải ra khỏi nhà!" rồi ông tức tốc đi ngay. Bà cuống cuồng thu dọn những thứ cần thiết. Cô con gái thứ hai bé bỏng phải gửi về nhà nội, còn bà đưa con trai lớn và vác cái bụng bầu 6 tháng về nhà ngọai ở Biên Hòa.

Nhà ngoại thương, nhưng không dám cho bà về, vì họ hàng có người hoạt động cho địch. Trong lúc đang lo lắng và hoang mang, bà được một người giao liên đưa đến gửi nhờ ở nhà người quen cách nhà ngoại chừng 10km. Gần đến ngày sinh, nhà ngoại mới đón bà về.

Để đảm bảo an toàn cho bà, một màn kịch được dựng lên rằng bà giật chồng của người khác, giờ bị chồng ruồng rẫy đuổi ra khỏi nhà, chẳng còn nơi nương thân nên phải về nhà ngoại tá túc. Bà bị mang danh phận vợ bé, nhưng bà tự nguyện chấp nhận, miễn sao ông và gia đình được an toàn. 

Các con ngày một lớn lên, chúng bắt đầu hỏi: "Ba đâu má? Sao chẳng bao giờ thấy ba về?". Mỗi lần, nghe các con hỏi câu đó, lòng bà quặn đau nhưng cố tỏ ra vui vẻ, bà xoa đầu các con bảo: "Ba đi công chuyện, mai mốt ba về". 

Để các con vui, bà phải bí mật mua một vài món đồ chơi, đồ ăn và tối đến lén để đầu chỗ các con nằm, rồi sáng ra hồ hởi: "Tối qua, ba về nhưng mấy đứa đang ngủ, ba mua đồ chơi, đồ ăn để đây này, ba lại đi công chuyện rồi".

Từ lúc ông rời nội thành, duy nhất một lần bà và các con được đưa vào căn cứ thăm ông. Ngay cả niềm hạnh phúc to lớn ấy bà cũng phải giấu, vì sợ trẻ con không biết giữ miệng, ảnh hưởng đến ông và sự an toàn của gia đình. Vậy nên đưa các con đi thăm ba mà bà phải nói dối là đi thăm chú Tư, để rồi nghẹn lòng khi con trai hỏi: "Ba cũng thứ tư sao không đi thăm ba mà lại đi thăm chú Tư hả má?".

Bà đâu có ngờ, đó cũng là lần cuối cùng bà được gặp ông. Trước Tết nguyên đán năm 1967, bà gửi cho ông ít đồ nhưng sau đó bị trả về vì không người nhận. Không hiểu lý do vì sao, lòng bà đầy hoang mang, lo lắng, ngày ngày ngóng tin tức từ ông.

Một lần, gặp người bác họ hoạt động cách mạng, bà có đem thắc mắc đó hỏi bác và nhận được câu trả lời: "Từ nay, đừng gửi đồ vào nữa". Sau nhiều lần dò la tin tức về ông, bà đau đớn khi biết ông đã hy sinh trong chiến dịch Tam Giác Sắt (chiến dịch Cedar Falls).

Biết bao đau xót, nhưng bà đã nén chịu và mạnh mẽ vượt qua để làm chỗ dựa cho các con. Sau này, qua những lời kể từ đồng đội của ông, bà mới biết ông bị địch bắt và tra tấn dã man cho đến chết, nhưng chúng không moi được thông tin nào về cơ sở của ta. 

Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, khắp nơi rợp cờ hoa. Trong niềm hân hoan của cả dân tộc, bà nghẹn ngào gọi tên ông: "Hồi còn sống, anh từng mong em sẽ sinh cho anh đủ một đội banh, anh từng mong ngày đất nước hòa bình, độc lập vậy mà giờ đây đất nước thống nhất, non sông liền một dải anh đã… không về. Anh đã vĩnh viễn rời xa mẹ con em… Mẹ con em chỉ có thể được gặp anh… ở trong mơ".

Bước qua cuộc chiến, bà ở vậy, nén đau thương để nuôi dạy ba con khôn lớn. Bắt đầu mỗi ngày từ 4-5 giờ sáng, bà đạp xe đi giao sữa tươi cho các cửa hàng rồi về lại tất tả đi làm. Bà làm đủ mọi việc để có thể trang trải cuộc sống và chăm sóc đàn con. 3 người con của ông bà lớn lên bằng những giọt mồ hôi tần tảo, mặn mòi của mẹ và những câu chuyện đẹp về cha. 

Có lần, con gái hỏi bà: "Có phải do ba má ít có thời gian bên nhau nên má thấy ba cái gì cũng tốt đẹp?". Bà cười, bảo: "Ba con tốt thực sự và má cảm nhận được điều đó từ trái tim". Rồi bà kể cho các con nghe câu chuyện có người vay tiền ông bà lâu ngày không trả. Khi ông bà đến nhà đòi nợ, trên mâm cơm chỉ có đĩa rau muống và chén tương. Sau vài câu thăm hỏi, ông móc túi lấy ra ít tiền và nói: “Thỉnh thoảng anh nên đưa các cháu đến chơi với chúng tôi”, rồi hai vợ chồng ra về. 

Trên đường về, ông nhìn bà bằng ánh mắt trìu mến xen lẫn cảm thương: "May là em không mở miệng đòi tiền. Nếu em đòi thì chắc anh chỉ còn nước độn thổ". 

Tác giả và bà Yến tại nhà riêng của bà ở TP Biên Hoà
Bà Yến Ngọc vẫn rất phúc hậu và minh mẫn ở tuổi U90

Những vất vả, gian truân của người phụ nữ đã chịu nhiều thiệt thòi, đau thương trong chiến tranh, một mình vừa làm ba vừa làm mẹ đã được đền đáp khi các con của bà đều trưởng thành, giỏi giang, sống hiếu đạo, nghĩa tình.

Và giờ đây, khi sắp bước sang tuổi 90, trái tim người vợ liệt sĩ vẫn nguyên vẹn tình yêu son sắt với chồng. Ngồi trước chúng tôi, bà bổ 2 quả măng cụt đầu tiên để riêng dành tưởng nhớ chồng, mắt ngấn nước trong nỗi niềm đau đáu: "Tôi thương anh chưa có được một ngày sống cho riêng mình".

Bà trải lòng: "Thương anh lắm! Dù chưa tìm thấy mộ anh, nhưng trên dải đất hình chữ S thân thương này, nơi đâu chẳng có những người như anh đã ngã xuống, và vì thế, đâu cũng đều là đất quê hương. Tôi chỉ mong anh linh thiêng tìm về Đền Bến Dược ( huyện Củ Chi, TPHCM, nơi đang thờ liệt sĩ Lê Quang Dĩnh) để được đoàn tụ, sinh hoạt với các liệt sĩ đồng đội".                  

                                                                                                                                                                                  Bùi Thị Hoàn

(Giám đốc Bảo tàng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI