Thuốc ung thư máu hết hạn: Sở nói không, bệnh viện bảo có

04/05/2017 - 18:12

PNO - Sở Y tế TP.HCM khẳng định Bệnh viện Truyền máu huyết học không gửi văn bản thông báo để 'cầu cứu' Sở việc thuốc ung thư máu hết hạn. Nhưng Sở sẽ rà soát lỗi này có phải do Sở góp phần hay không.

Sau khi Thanh tra TP.HCM kiến nghị UBND TP chỉ đạo giao Sở Y tế kiểm tra, làm rõ trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân có liên quan đến việc chậm trễ lập thủ tục phê duyệt khiến gần 2.000 viên thuốc Tasigna, điều trị ung thư máu hết hạn dùng.

Ngay vài ngày sau, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cũng có văn bản gửi Sở Y tế TPHCM, yêu cầu làm rõ vụ việc gần 20.000 viên thuốc Tasigna phải tiêu hủy vì chậm trễ thủ tục, dẫn tới thuốc hết hạn. Và nhiều đơn vị vẫn chưa rõ trách nhiệm này thuộc về ai?

Thuốc ung thư máu hết hạn, Sở không biết?

Trao đổi với Báo Phụ Nữ TP.HCM vào ngày 4/5, dược sĩ Đỗ Văn Dũng, Trưởng phòng Nghiệp vụ Dược, Sở Y tế TP.HCM, cho biết khi những viên thuốc trị ung thư máu sắp hết hạn sử dụng, Bệnh viện Truyền máu huyết học TP.HCM không hề có văn bản yêu cầu Sở vào cuộc can thiệp.

Thuoc ung thu mau het han: So noi khong, benh vien bao co
 

Sở cũng đang chờ nhận văn bản chính thức của Bệnh viện Truyền máu huyết học TP.HCM về sự việc này. Tuy nhiên, về phía Sở, Sở cũng rà soát lại trách nhiệm của mình trong giai đoạn 2013 đến đầu 2014 để xem thủ tục tiếp nhận thuốc Tasigna này có phải do tắc trách của Sở hay không.

Trong khi đó, bác sĩ Phù Chí Dũng, Giám đốc Bệnh viện Truyền máu huyết học TP.HCM, cho biết Sở Y tế TP nắm rất rõ tình trạng những lô thuốc sắp hết hạn này. Bởi chính Sở đã ra văn bản đề nghị Cục Hải quan TP.HCM cho bệnh viện tiếp nhận lô hàng này sau khi Cục Hải quan TP.HCM không cho nhập cảng lô thuốc vì hạn sử dụng đã dưới 12 tháng.

Thuoc ung thu mau het han: So noi khong, benh vien bao co
 

Theo đối chiếu của phóng viên, kết luận của Thanh tra TP.HCM cũng ghi vào ngày 6/8/2014, Sở Y tế TP.HCM có văn bản đề nghị Hải quan TP.HCM xem xét hỗ trợ cho Bệnh viện Truyền máu huyết học được nhận thuốc Tasigna này.

Do đó, Sở Y tế TP.HCM không thể phủ nhận việc lô thuốc mà Bệnh viện Truyền máu huyết học TP.HCM nhận về đang sắp hết hạn.

Công ty Norvatis vô cảm?

Đây là loại thuốc thế hệ thứ 2 để điều trị bệnh bạch cầu mãn dòng tủy (một loại ung thư máu), giúp cho bệnh nhân bị kháng với thuốc Glivec tiếp tục có cơ hội điều trị.

Thế nhưng, để điều trị thuốc Tasigna, bệnh nhân phải trả khoảng 800 triệu đồng đến 1 tỷ mỗi năm. Cuối cùng sau khi thương lượng, bệnh nhân chỉ trả 42 triệu đồng một năm. Và khi thuốc về Việt Nam thì cũng chỉ còn có 26 người đủ khả năng tài chính để điều trị.

Thậm chí, 26 bệnh nhân này cũng không phải được sử dụng thuốc ngay từ đầu mà do bị ách tắc nhập khẩu nên phải điều trị trễ sau 1,5 tháng.

Thuoc ung thu mau het han: So noi khong, benh vien bao co
 

Theo lý giải của Bệnh viện Truyền máu huyết học TP.HCM, thuốc hết hạn sử dụng còn do quy định đồng chi trả của nhà tài trợ khiến cho số người tham gia chương trình nhận thuốc bị hạn chế.

Cụ thể, người bệnh phải chi trả thêm 42 triệu đồng tương đương 0,5 tháng thuốc, còn Công ty Novartis tài trợ 11,5 tháng tiền thuốc. Theo bác sĩ Phù Chí Dũng, đối với người Việt Nam thì đây là số tiền không nhỏ, nhất là bệnh nhân ở tỉnh, có hoàn cảnh khó khăn.

Và khi gần 2.000 viên thuốc có nguy cơ hết hạn, Bệnh viện Truyền máu huyết học đã đưa ra nhiều giải pháp để tránh lãng phí như đề xuất nhà viện trợ miễn phí luôn 42 triệu đồng cho bệnh nhân, mở rộng chương trình cho các bệnh nhân khác tham gia... nhưng Công ty Novartis không đồng ý.

Khi chúng tôi gọi điện thoại đến Công ty Novartis và giới thiệu là phóng viên tìm hiểu rõ vụ thuốc ung thư Tasigna hết hạn dùng mà công ty này từ chối cho những bệnh nhân ung thư nghèo đang cần thuốc miễn phí, thì ngay lập tức, phía bên đầu dây dập máy điện thoại.

Thuoc ung thu mau het han: So noi khong, benh vien bao co
 

Các chuyên gia về dược cho rằng, khi xảy ra chuyện thuốc ung thư máu hết hạn thì lại đổ lỗi cho quy trình, thủ tục vì đó là điều đã biết trước. Nhà quản lý phải dự liệu trước tình huống để xử lý.

Bệnh viện phải có trách nhiệm cho chuyện lãng phí này vì hơn ai hết, bệnh viện là nơi biết rõ nhất tình hình sử dụng thuốc cũng như số lượng bệnh nhân. Nếu không thể xử lý được số thuốc dư thì phải chủ động tìm phương án giải quyết.

Hiếu Nguyễn

Kết luận của Thanh tra TP.HCM:

Ngày 15/7/2013, Bệnh viện Truyền máu huyết học TP.HCM nhận được thư hiến tặng thuốc Tasigna cho bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện.

Ngày 27/8/2013, Bệnh viện Truyền máu huyết học TP.HCM có văn bản gửi Công ty Novartis Việt Nam về dự trù thuốc dùng trong 6 tháng đầu năm 2014 số lượng 309 hộp (112 viên/hộp).

Ngày 28/11/2013, Bệnh viện có văn bản gửi Cục quản lý Dược xin được tiếp nhận thuốc viện trợ số lượng như trên.

27/12/2013, Cục trưởng Cục quản lý Dược ban hành Giấy phép lưu hành sản phẩm số VN – 17539-13 cho lô hàng thuốc Tasigna 200mg hạn dùng 24 tháng.

30/12/2013, Bệnh viện có văn bản gửi Sở Y tế TP.HCM xin chấp thuận cho bệnh viện thực hiện chương trình thuốc Tasigna.

Ngày 10/3/2014, Sở Y tế TP.HCM có văn bản gửi Ủy ban nhân dân TP và Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP.HCM xin chấp thuận cho Bệnh viện Truyền máu huyết học TP.HCM được tiếp nhận lô hàng thuốc viện trợ.

Ngày 24/6/2014, Ủy ban nhân dân TP.HCM ra Quyết định số 3126 phê duyệt tiếp nhận lô hàng viện trợ gồm 309 hộp thuốc Tasigna 200mg viên nang cứng, hạn dùng đến tháng 5/2015.

Ngày 14/7/2014, Cục quản lý Dược có văn bản đồng ý để Bệnh viện Truyền máu huyết học TP.HCM được tiếp nhận lô thuốc này.

Ngày 27/7/2014, lô hàng về đến Cảng Tân Sơn Nhất nhưng Hải quan TP.HCM không đồng ý cho nhận thuốc vì lúc này hạn dùng đã dưới 12 tháng.

Ngày 1/8/2014, Bệnh viện gửi tờ trình xin Hải quan TP.HCM được lãnh thuốc viện trợ.

Ngày 6/8/2014, Sở Y tế TP.HCM có văn bản đề nghị Hải quan TP.HCM xem xét hỗ trợ cho Bệnh viện Truyền máu huyết học được nhận thuốc.

Ngày 13/8/2014, Bệnh viện Truyền máu huyết học TP.HCM nhập kho lô thuốc trên. Lúc này hạn sử dụng chỉ còn dưới 10 tháng.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI