Thuốc ung thư: có nhưng không được xài

10/06/2015 - 07:52

PNO - PN - Những ngày qua, nhiều bệnh nhân ung thư (UT) phản ảnh với báo Phụ Nữ tình trạng các bệnh viện (BV) không phát thuốc trị UT. Theo tìm hiểu của chúng tôi, do có sự thay đổi nhà sản xuất thuốc (so với lúc đấu thầu) nên nhiều...

edf40wrjww2tblPage:Content

“Nhịn” thuốc gần một tháng

Ngày 5/2/2015, PGS-TS-BS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM gửi văn bản số 628/SYT-QLD-TCKT thông báo các cơ sở y tế công phải chấm dứt, thanh lý hợp đồng mua bán các loại thuốc đã thay đổi nhà sản xuất, không theo kết quả trúng thầu đã được công bố. Trong danh mục này, có rất nhiều loại thuốc trị UT như: Tarceva 150mg (trị UT phổi), thuốc Taxotere loại 20mg/0,5ml và 80mg/2ml (UT vú, buồng trứng, phổi...), thuốc Eloxatin dạng 50mg/10ml và 100mg/20ml (trị UT ruột già, bao tử...). Các công ty bị thu hồi này phải chịu trách nhiệm và bồi thường theo quy định của hồ sơ mời thầu và hợp đồng.

Đến ngày 5/3/2015, Sở Y tế tiếp tục ra văn bản số 1105/SYT-QLD-TCKT hướng dẫn các BV trực tiếp mua hết số lượng các thuốc bị chấm dứt hợp đồng trong lúc chờ kết quả đấu thầu tập trung mới 2015. Dù một số BV đã trình danh mục thuốc và số lượng thuốc dự trù lên Sở và được Sở phê duyệt, nhưng đến nay vẫn chưa thấy BHYT có văn bản trả lời đồng ý thanh toán các loại thuốc UT này, do đó nhiều BV không dám phát thuốc cho bệnh nhân.

Tại BV Q.Thủ Đức, với số thứ tự 926 trên tay và cố công ngồi chờ nhận thuốc hơn một giờ đồng hồ, ông Tr.Q.H. (75 tuổi, ngụ P.Trường Thọ, Q.Thủ Đức, TP.HCM) vẫn trắng tay ra về vì BV chưa có thuốc. Ông H. bị UT phổi và được bác sĩ kê thuốc Tarceva 100mg, mỗi ngày uống một viên vào buổi sáng.

Ông H. lo lắng: “Một viên thuốc Tarceva 100mg có giá gần 1,4 triệu đồng, nhờ có thẻ BHYT diện hưu trí nên tôi trả gần 700.000đ/viên. Với mức đó, mỗi ngày một viên đã là quá khả năng của tôi, vậy mà tôi phải “nhịn” uống thuốc gần một tháng nay. Tôi không trách BV, chỉ thắc mắc sao BHYT không sớm giải quyết thủ tục để người bệnh có thuốc?”.

Trao đổi vấn đề này, đại diện BV Q.Thủ Đức cho biết: trước đây, BV sử dụng thuốc Tarceva với hai hàm lượng 100mg và 150mg, đều do Công ty F.Hoffmann-La-Roche của Thụy Sĩ sản xuất, trúng thầu tập trung tại Sở Y tế. Thế nhưng sau đó, loại thuốc 150mg thay đổi nhà sản xuất là Công ty Kremers Urban Pharmaceuticals của Mỹ nên bị chấm dứt hợp đồng.

Ngay sau đó, BV đã xin điều chỉnh số lượng thuốc loại 100mg và được BV Phạm Ngọc Thạch cho mượn 300-400 viên, nhưng loại 100mg cũng đã hết cách đây một tháng. Hiện tại, các công ty dược vẫn còn thuốc Tarceva nhưng do của nhà sản xuất Mỹ nên BV chưa dám đặt hàng và phát cho người bệnh.

Nếu BHYT không thanh toán thì BV không kham nổi vì một viên thuốc Tarceva 100mg có giá trúng thầu hơn 1,38 triệu đồng, trong khi bệnh nhân UT phổi mỗi ngày phải uống một viên. BV cũng áp thầu loại thuốc Tarceva của Mỹ mà BV Chợ Rẫy đã trúng thầu và nộp hồ sơ lên BHYT phê duyệt, nhưng vẫn chưa thấy phản hồi.

Thuoc ung thu: co nhung khong duoc xai

Viên thuốc bẻ đôi vì chờ văn bản

Không chỉ BV Q.Thủ Đức, tại BV Đại học Y Dược hiện cũng không còn thuốc Tarceva loại 150mg của Thụy Sĩ nên những bệnh nhân sử dụng loại 150mg buộc phải dùng 1,5 viên loại 100mg bằng cách bẻ đôi thuốc. Hay như BV Phạm Ngọc Thạch hiện chỉ còn 17 hộp Tarceva 150mg của nhà sản xuất Thụy Sĩ, đủ dùng cho bệnh nhân đến hết tháng 6/2015. Hiện BV đang làm thủ tục mua thuốc Tarceva 150 của Ý và cũng đang chờ BHYT phê duyệt.

Ngoài thuốc Tarceva trị UT phổi, một BV đang nóng lòng chờ BHYT “gật đầu” với các loại thuốc Taxotere cho bệnh nhân UT vú, buồng trứng, phổi... hoặc thuốc Eloxatin cho bệnh nhân UT ruột, dạ dày… Trong lúc chờ BHYT phê duyệt, BV đã “liều” mua thuốc này phát cho bệnh nhân và chờ BHYT thanh toán lại. Một dược sĩ của BV giải thích: Các loại thuốc này giá “khủng” như Taxotere (từ 2,8-11,2 triệu đồng/lọ, tùy loại) hay thuốc Eloxatin (4,7-9,15 triệu đồng/lọ, tùy loại), nhưng vì một đợt điều trị cho bệnh nhân chỉ khoảng một-hai lọ nên BV có thể linh động, riêng thuốc Tarceva có giá quá cao nên ngoài khả năng.

Điều khiến nhiều BV bức xúc là tại sao cùng một loại thuốc, có hoạt chất giống nhau và giá không đổi, chỉ khác là do Mỹ sản xuất (thay vì Thụy Sĩ), BHYT cũng đã chấp nhận thanh toán cho các BV Ung Bướu, Nhân dân Gia Định nhưng lại “ngâm” quá lâu với các BV còn lại? Trao đổi với báo Phụ Nữ, DS Nguyễn Thị Ngọc Dung - Trưởng khoa Dược, BV Ung Bướu - cho biết: “Ngay khi đổi nhà thầu, BV đã họp với BHYT để thay thuốc Tarceva của Mỹ để người bệnh kịp có thuốc uống. BHYT đã đồng ý, nhưng cũng chỉ mới bằng biên bản họp, chứ chưa có văn bản chính thức”.

“Thực tế, thuốc Tarceva, Taxotere, Eloxatin hết thì vẫn có loại thuốc khác cùng hoạt chất thay thế, nhưng không được BHYT thanh toán. Riêng thuốc Tarceva là thuốc mới trong điều trị UT phổi với hiệu quả tốt. Hiện tại có loại thuốc cùng nhóm, tuy nhiên cả hai đều là thuốc mới, rất đắt tiền nên việc thanh toán BHYT có phần khó khăn. Còn với thuốc Taxotere và Eloxatin, do khác nhau về hàm lượng, nếu không có đủ thuốc với hàm lượng cần thiết, sẽ gây khó khăn cho việc tính liều và pha thuốc. Với những thuốc mà BV Ung Bướu được phê duyệt, các công ty có hàng dồi dào, đã sẵn sàng giao, nhưng BV phải chờ BHYT. Lỗi ở đây không do BV, cũng chẳng do người bệnh mà vì thủ tục rườm rà” - một dược sĩ ở BV tuyến cuối chia sẻ.

Trước những bất cập vừa nêu, trao đổi với chúng tôi, đại diện BHXH TP.HCM cho biết: theo quy định, nếu một mặt hàng thuốc khi thay đổi nhà sản xuất thì phải có văn bản. Do đó, muốn mua thuốc của nhà sản xuất mới, BV phải được Sở Y tế phê duyệt. Sau khi được duyệt, BV đó mua thuốc đúng quy định và chủ động vì bệnh nhân, chứ không phải chờ BHYT thống nhất mới mua.

Cách lý giải của BHYT cho thấy mọi việc khá dễ dàng, vì trong hồ sơ các BV gửi chờ BHYT duyệt đều đã có văn bản thay đổi nhà sản xuất và có ý kiến phê duyệt của Sở Y tế.

"Vậy nếu BV chủ động mua thuốc thì BHXH sẽ thanh toán?" - "Nếu hợp pháp thì chúng tôi sẽ thanh toán", vị đại diện BHXH trả lời. Tuy nhiên, nhiều BV không đồng tình cách trả lời trên, bởi "làm sao chúng tôi biết hợp pháp hay không khi không có xác tín bằng văn bản của cơ quan BHXH?".

Tình trạng “nhìn nhau” này của BV và BHYT trước hết sẽ gây thiệt thòi và có thể dẫn đến tình huống nguy hiểm đối với bệnh nhân UT. BS Nguyễn Triệu Vũ, Trưởng khoa Ung bướu - Nội tổng quát, BV Quận Thủ Đức cho biết: “Trong quá trình điều trị, việc duy trì một phác đồ với cùng loại thuốc sẽ tốt hơn việc đổi phác đồ hoặc đổi thuốc. Việc gián đoạn điều trị có thể làm khối u đề kháng với thuốc và bệnh bùng phát”.

 Văn Thanh 

"Thuốc Tarceva là sản phẩm điều trị ung thư thiết yếu nên ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là đảm bảo không xảy ra tình trạng gián đoạn thuốc. Để phòng tránh sự cố thiếu thuốc, Roche đã có tới hai nguồn sản xuất. Chúng tôi luôn sẵn sàng hợp tác với các cơ quan chức năng để đưa ra các giải pháp hỗ trợ bệnh nhân trong quá trình chuyển đổi này. Chúng tôi cam kết: thuốc Tarceva từ bất cứ nguồn nào cũng có tiêu chuẩn chất lượng như nhau".

Bà Nguyễn Trình Thùy Trang, bộ phận quan hệ đối ngoại của Văn phòng đại diện Hoffmann - La Roche Ltd tại TP.HCM

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI