Tiền xe đò mắc hơn cả tiền thuốc
Phản ảnh đến báo Phụ Nữ, bà N.T.R. (57 tuổi, quê Bến Tre) cho biết, cách đây 3 năm, bà mổ ung thư tuyến giáp và từ đó đến nay, mỗi ngày bà phải uống thuốc bổ sung nội tiết tố tuyến giáp có tên Levothyrox 100mcg (hoạt chất Levothyroxin) do Đức sản xuất.
|
Với bệnh nhân thiếu thuốc chứa hoạt chất Levothyroxin sẽ mệt mỏi, nhão cơ tim về sau |
Sau một thời gian theo dõi bệnh, các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM nhận thấy sức khỏe bà ổn định và chỉ định tái khám mỗi năm một lần. Thế nhưng cách đây 2 tháng, thuốc Levothyrox đứt hàng, một số tiệm thuốc hét giá lên 12.000 đồng/viên, nhưng cũng không còn thuốc để mua. Bà R. lại lọ mọ bắt xe đò lên TP.HCM tìm mua thuốc.
Bởi theo quy định của bảo hiểm y tế, người bệnh chỉ được nhận một tháng thuốc sau mỗi lần tái khám, do đó bà R. nhận 30 viên thuốc Levothyrox. Trước đây, vì giá thuốc Levothyrox khá rẻ, mỗi viên Levothyrox của Đức (thuốc biệt dược gốc, hiểu nôm na là thuốc đầu tiên được phát minh trên thế giới) chỉ 1.000 đồng/viên nên bà chấp nhận.
Do đó, 11 tháng còn lại trong năm, bà R. chấp nhận tự bỏ tiền túi mua thuốc. Vì nếu bắt xe đò lên tái khám thì chi phí thuốc chỉ có 30.000 đồng/tháng; trong khi tiền xe đò của bà gấp 10 lần tiền thuốc. Chưa kể, mỗi lần tái khám phải dậy từ sáng sớm, bốc số và chỉ để nhận thuốc ra về; trong khi bác sĩ chỉ định 6-12 tháng mới tái khám.
Tương tự, bà Đ.T.C.L. (61 tuổi, ở Thủ Đức) cũng cho biết, bà bị cắt tuyến giáp do viêm tuyến giáp, tuyến giáp có nhiều khối u do đó ngày nào cũng phải uống nội tiết tố bổ sung Levothyrox của Đức.
Bà L. mua thẻ bảo hiểm y tế ban đầu tại Bệnh viện Quận Thủ Đức nhưng từ 2 tháng nay, tháng nào bà cũng vào bệnh viện tái khám, dù trước đó bác sĩ dặn sau 6 tháng mới quay lại tái khám, bởi bà tìm thuốc bên ngoài rất khó khăn.
Tuyến giáp có chức năng gì? Bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ, Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Quận Thủ Đức TP.HCM giải thích: Tuyến giáp có nhiệm vụ quan trọng là sản xuất nội tiết tố cho cơ thể. Với bệnh nhân bị cắt tuyến giáp thì cơ thể không sản xuất nội tiết tố ở tuyến giáp được nữa. |
Do đó những bệnh nhân bị cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp do ung thư tuyến giáp, nhiều khối u ở tuyến giáp, hoặc do uống đồng vị phóng xạ điều trị cường giáp... buộc phải uống bổ sung thuốc nội tiết tố này suốt đời.
Tùy cân nặng, bệnh nhân uống 1-2 viên/ngày, thường là uống 1 viên 100mcg. Nếu người bệnh không có thuốc uống sẽ uể oải, mệt mỏi. Về lâu dài, cơ thể sẽ phù thủng, nhão cơ tim; thậm chí tử vong.
Tiệm thuốc bên ngoài được phép "hét giá"
Bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ băn khoăn: Thuốc chứa hoạt chất levothyroxin hiện trong nước cũng sản xuất được, tuy nhiên thuốc biệt dược gốc của Đức cũng chỉ có 1.000 đồng/viên nên bệnh nhân thường được bác sĩ kê thuốc gốc. Nhưng khoảng 2 tháng nay, nhiều bệnh nhân được hẹn tái khám 6-12 tháng sau, bỗng quay trở lại bệnh viện xin tái khám sớm để nhận thuốc, vì ngoài thị trường không còn thuốc.
|
Thuốc Levothyrox bỗng dưng đứt hàng ở thị trường bên ngoài bệnh viện |
"Nhiều bệnh nhân đáng thương, tiền thuốc họ nhận thực tế chỉ có 350 đồng/viên (đối với thuốc generic) và 1.000 đồng/viên (với thuốc biệt dược gốc), tính ra mỗi tháng chỉ tốn chừng 10.000 – 30.000 đồng/tháng nhưng họ phải bỏ tiền xe đến vài trăm ngàn để lên Sài Gòn nhận thuốc. Nhiều bệnh nhân phải thức khuya, dậy sớm, lên bốc số rồi nằm, ngồi chờ vật vạ, ngủ gục rất đáng thương" - bác sĩ Vũ chia sẻ.
Một dược sĩ ở bệnh viện tuyến cuối bật mí: "Thông thường nhà cung ứng thuốc chỉ lo nhập về Việt Nam đủ số thuốc đảm bảo cho các bệnh viện đã trúng thầu, tránh bị “tuýt còi” cho lần đấu thầu sau, còn thị trường thiếu thuốc họ cũng không có trách nhiệm, vì đối với họ lợi nhuận phải lên trên, trong khi giá thuốc này quá rẻ để họ bận tâm".
Đại diện Công ty cổ phần dược liệu Trung ương 2 (đơn vị nhập khẩu và cung ứng thuốc Levothyrox của Đức) cho biết thuốc Levothyrox đang "đứt hàng" và chưa biết khi nào có lại.
|
Các bệnh viện vẫn còn thuốc Levothyrox với giá chỉ 1.000 đồng/viên |
Trong khi các bệnh viện vẫn còn thuốc Levothyrox và giá ổn định ở mức 1.000 đồng/viên thì “chợ đen” loạn giá. Khi phóng viên hỏi mua thuốc Levothyrox của Đức, tiệm thuốc L.N. (đường Nguyễn Văn Đậu, Quận Bình Thạnh) cho biết chỉ còn vài hộp loại 1 viên/50mcg.
Chủ tiệm chia sẻ: “Hầu hết người bệnh thường được bác sĩ kê loại 100mcg/viên nhưng loại này hết hàng từ lâu. Em có thể mua về uống 2 viên 50mcg cũng thành 100mcg. Nếu không mua, ít bữa tìm loại 50mcg cũng không có”. Theo chủ tiệm thuốc, loại Levothyrox 50mcg trước đây có giá 700 đồng nay vọt lên 1.400 đồng.
Tương tự, chúng tôi đến loạt nhà thuốc trước cổng các bệnh viện chuyên điều trị bệnh tuyến giáp như: Bệnh viện Ung Bướu, Bệnh viện Chợ Rẫy hay dãy nhà thuốc chuyên bán thuốc khó tìm ở đường Hai Bà Trưng, Quận 1 TP.HCM; các cơ sở này đều khẳng định thuốc Levothyrox của Đức đã đứt hàng và đồng loạt tăng lên 2.800 đồng/viên, còn trước đây chỉ 1.100 đồng/viên.
Tại tiệm thuốc số XX. đối diện Bệnh viện Ung Bướu, khi biết tôi tìm thuốc Levothyrox 100mcg; chủ quầy thuốc nói ngay: “Thuốc này đang đứt hàng, nếu muốn mua thật sự thì để tôi qua chỗ quen mượn bán cho anh”.
|
Giá thuốc Levothyrox 100mcg được bán ở một tiệm thuốc đường Hai Bà Trưng, Quận 1 là 2.800 đồng/viên |
Sau 5 phút đi mượn thuốc từ các tiệm gần đó, chủ tiệm báo giá: “Hộp 3 vỉ, mỗi vỉ 10 viên, giá 84.000 đồng/hộp; còn mua lẻ 3.000 đồng/viên”. Khi chúng tôi thắc mắc giá thuốc cách đây 2 tháng chỉ có 1.400 đồng/viên; chủ tiệm giựt ngay hộp thuốc tôi đang cầm rồi lớn tiếng: “Đó là giá của tháng trước, giờ đã đứt hàng. Nếu muốn mua rẻ thì dùng hàng Việt Nam, Hàn Quốc... nhưng các loại thuốc này trước đây chỉ vài trăm đồng viên giờ cũng gần 2.000 đồng/viên”.
Dược sĩ Đỗ Văn Dũng, Trưởng phòng Nghiệp vụ Dược, Sở Y tế TP.HCM cho biết, hiện ngành y tế chỉ quy định giá thuốc mua vào – bán ra ở các bệnh viện. Tùy theo giá trị thuốc mua vào mà giá bán ra được phép lãi từ 2% đến 15%.
Nếu viên thuốc mua vào dưới 1.000 đồng thì được phép lãi 15% khi bán ra, nhưng mua trên 1 triệu đồng thì chỉ được lời 2%. Nếu cơ sở nào không tuân thủ sẽ bị phạt từ 10 – 15 triệu đồng.
Tuy nhiên, ngành y tế lại không áp dụng quy định này đối với nhà thuốc bên ngoài. Giá thuốc ở thị trường sẽ do các nhà thuốc tự quy định nhưng phải niêm yết giá rõ ràng.
|
Các bác sĩ cho rằng, bảo hiểm y tế cũng nên linh hoạt với những mặt hàng thuốc có giá trị nhỏ như thuốc Levothyrox. Nếu người bệnh chỉ nhận thuốc và thời gian hẹn tái khám sau 6-12 tháng, bảo hiểm y tế nên cho bệnh nhân nhận luôn 6-12 tháng, để người bệnh không phải mệt mỏi, mất thời gian chờ đợi chỉ để nhận thuốc ra về.
Hồ Ca