PNO - "Tôi xin khẳng định, chưa có một căn cứ khoa học nào chứng minh thịt người có thể bổ dưỡng hay có tác dụng trị bệnh nan y" - Phó giáo sư - tiến sĩ Phạm Khánh Phong Lan.
LTS: Cũng hệt như các chế phẩm từ nhau thai tử hà sa (Đông y) hay Filatov (Tây y), bên cạnh nỗi lo về nguy cơ lây nhiễm mầm bệnh và vi phạm luân lý - “thuốc thịt người” theo cách gọi của báo chí - vẫn còn đó những hồ nghi khá lớn về hiệu quả thực sự của nó đối với sức khỏe con người.
Nếu theo quan điểm của một số chuyên gia Đông y cho rằng, các bài thuốc lấy từ cuống rốn và nhau thai xưa kia chính là tiền thân của phương pháp tế bào gốc ngày nay, lại càng tỏ tường hơn về tính hiệu quả của “thuốc thịt người”. Bởi điều căn bản của liệu pháp tế bào gốc, chỉ có thể chữa trị trên tự thân bệnh nhân đó hoặc trên những người có tương đồng về di truyền.
Tương tự cho đến nay, ngay cả tế bào gốc cũng vẫn còn bị đặt vấn đề hiệu quả và an toàn trong điều trị, đồng thời, cũng gặp phải tranh cãi gay gắt về vấn đề đạo đức lẫn y đức, bất chấp đó là nghiên cứu tế bào gốc phôi thai hay tế bào gốc trưởng thành.
Vừa qua, ngày 7/11, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã có công văn số 21204/QLD-TTra gửi sở y tế các tỉnh, thành phố nêu ý kiến liên quan vấn đề gần đây, truyền thông loan tin Nigeria báo động về việc hàng trăm ngàn viên “thuốc Trung Quốc làm từ thịt người” lưu hành tại nước này.
Trước sự hoang mang của công chúng, phó giáo sư - tiến sĩ Phạm Khánh Phong Lan - Đại biểu Quốc hội, Phó chủ tịch Hội Dược học Việt Nam, Chủ tịch Hội Dược học TP.HCM, Phó chủ tịch Hội Đông y TP.HCM - đã dành cho Báo Phụ Nữ TP.HCM cuộc trao đổi, tập trung vào vai trò quản lý nhà nước liên quan sự kiện trên.
Phó giáo sư - tiến sĩ Phạm Khánh Phong Lan: Tổ chức tiêu chuẩn Nigeria đã xác nhận có dược phẩm của Trung Quốc chứa thành phần “thịt người” lưu hành trên thị trường nước này và Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã có công văn gửi 63 tỉnh, thành khẳng định không cho phép đăng ký, sản xuất, nhập khẩu và lưu hành tại Việt Nam loại “thuốc Trung Quốc làm từ thịt người” đó.
Đây là ý kiến chính thức của cơ quan quản lý nhà nước Trung ương, làm căn cứ để các sở y tế và lực lượng chức năng các tỉnh, thành tăng cường kiểm soát, phòng ngừa xử lý vi phạm và nhất là tăng cường cảnh báo cho người dân không sử dụng thuốc này. Hay nói rộng hơn là người dân không nên mua thuốc trôi nổi, không nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng.
Phóng viên: Tuy nhiên, công văn về “thuốc thịt người” từ Trung Quốc rất chung chung, cứ như ra văn bản là hoàn thành trách nhiệm. Trong khi người dân và ngay cả một số cơ quan chức năng ở địa phương cũng không biết việc tuyên truyền không sử dụng các loại thuốc này là vì nguy cơ độc hại, mầm bệnh hay là vi phạm đạo đức…?
Phó giáo sư - tiến sĩ Phạm Khánh Phong Lan: Vâng, đúng là chúng ta còn thiếu rất nhiều thông tin. Ví dụ công văn về “thuốc thịt người” của Cục Quản lý dược chỉ nêu ngắn gọn “các thuốc này ở dạng viên con nhộng được quảng cáo có tác dụng hỗ trợ tăng sức đề kháng, điều trị ung thư, tiểu đường và một số bệnh ở giai đoạn cuối”. Vỏn vẹn có mỗi hình thù thuốc, chứ cũng không hề biết tên thương mại, thành phần, có được Cục Quản lý dược Trung Quốc cấp phép sản xuất và lưu hành không? Có được phía Nigeria cấp phép nhập khẩu không hay tất cả đều là bất hợp pháp và “vừa mới” được phát hiện?
Hơn nữa, tại sao chúng ta cũng không nghe ý kiến gì từ phía Trung Quốc là nơi sản xuất thuốc, bởi câu chuyện về “thuốc thịt người” của họ đã rộ lên từ nhiều năm trước chứ không phải bây giờ mới có. Thế nhưng, từ trước và cho đến nay, hầu như đều chưa có thông tin cụ thể, rõ ràng, ngọn ngành từ cơ quan quản lý nhà nước cao nhất.
* Với tư cách một chuyên gia dược, bà có cho rằng “thuốc thịt người” là khả thi để đạt tới ”uống gì bổ nấy” không? Từ xưa, Đông y đã có vị Tử hà sa làm từ nhau thai. “Thuốc thịt người” liệu có bổ dưỡng hay hữu hiệu thực sự như người ta truyền tai?
- Tôi xin khẳng định, chưa có một căn cứ khoa học nào chứng minh thịt người có thể bổ dưỡng hay có tác dụng trị bệnh nan y. Trong quá khứ, người ta đã dùng nhau thai cho vị thuốc cổ truyền Tử hà sa hoặc thuốc Filatov, nhưng hiện nay phải ngưng sử dụng vì lo sợ nguy cơ “đâu chỉ có nhau thai” và nhất là nguy cơ lây nhiễm các mầm bệnh rất lớn. Hơn nữa, nếu chỉ để bổ khỏe, chúng ta còn có rất nhiều dưỡng chất khác hiệu quả, an toàn và nhân văn hơn.
* Dù Cục Quản lý dược không đề cập cụ thể, rõ ràng, ngọn ngành nhưng hiện đã có dư luận cho rằng chuyện “thuốc thịt người” gần đây là do báo lá cải quốc tế “nhai” lại từ năm 2011 ở Nigeria và năm 2015 ở Hàn Quốc là có động cơ nào đó. Cơ quan chức năng, truyền thông và cộng đồng Việt Nam nên cẩn trọng, phải không thưa bà?
- (Cười) Đúng rồi! Cho nên tôi đã nói là hoàn toàn chưa đủ thông tin. Mà theo tôi, “thịt người” chỉ là một cách nói của báo chí mang ý nghĩa các thành phần làm thuốc thuộc bộ phận lấy từ cơ thể người, như nhau thai trước đây chẳng hạn.
Trước các thông tin mà tôi cho là còn thiếu, thậm chí là những đồn thổi, rất cần Cục Quản lý dược làm rõ. Tuy nhiên, các đồng nghiệp và tôi rất thống nhất quan điểm không cho phép đăng ký, sản xuất, nhập khẩu, lưu hành “thuốc thịt người” tại Việt Nam, không những hiện tại mà cả trong tương lai.
Tôi phân vân rằng nhân loại sẽ đi về đâu, nếu không tôn trọng con người và nếu con người chấp nhận ăn thịt đồng loại để mưu cầu sức khỏe cho riêng mình, mà thật ra, đấy chỉ là ảo tưởng. Bởi nó làm gì có tác dụng, chưa kể nguy cơ mầm bệnh.
Có quá nhiều chuyện khủng khiếp trên thế giới này, với hàng triệu triệu sinh linh bị tước quyền sống khi vừa mới chỉ được tượng hình trong bụng mẹ, với việc mua bán, tước đoạt phủ tạng con người, với thân xác người nghiền bột để thành thuốc...
* Xin cảm ơn bà.
Công văn số 21204/QLD-TTra ngày 7/11/2018 do Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) gửi sở y tế các tỉnh, thành phố nêu: Cục Quản lý dược khẳng định không cho phép đăng ký, sản xuất, nhập khẩu và lưu hành các “thuốc Trung Quốc làm từ thịt người” tại Việt Nam.
Để đảm bảo an toàn cho người dân, Cục Quản lý dược đề nghị các sở y tế:
- Tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo người dân không mua, bán, sử dụng các sản phẩm thuốc không có nguồn gốc rõ ràng; nếu phát hiện các sản phẩm thuốc không rõ nguồn gốc cần báo ngay cho các cơ quan chức năng để kịp thời có biện pháp xử lý.
- Phối hợp với các cơ quan chức năng như hải quan, quản lý thị trường, công an, Ban chỉ đạo 389 địa phương tăng cường kiểm tra, phát hiện các sản phẩm nêu trên, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định hiện hành.
- Báo cáo kết quả thực hiện về Cục Quản lý Dược trước ngày 15/12/2018.
Ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập tại khu rừng Trần Hưng Đạo, tỉnh Cao Bằng.