Thuốc, sản phẩm phòng dịch COVID-19 giả, kém chất lượng trên thị trường gia tăng

20/03/2022 - 16:59

PNO - Lực lượng chức năng phát hiện một điểm chứa trữ, kinh doanh 555 hộp thuốc hiệu Molnupiravir, Favipiravir do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn, chứng từ...

Trong quý I/2022, lực lượng QLTT TPHCM đã kiểm tra, xử lý 52 vụ vi phạm kinh doanh hàng hóa nhập lậu, thu giữ hàng hóa vi phạm, gồm: 243.369 đơn vị sản phẩm trang thiết bị y tế, tân dược, mỹ phẩm... với tổng trị giá hàng hóa vi phạm là 5.266.291.000 đồng.

Lực lượng QLTT TPHCM cũng đã kiểm tra, xử lý 38 vụ vi phạm về kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa.

Nhiều sản phẩm thực phẩm chức năng trôi nổi bị lực lượng quản lý thị trường TP.HCM thu giữ.
Nhiều sản phẩm thực phẩm chức năng trôi nổi bị lực lượng QLTT TPHCM thu giữ

Đáng lưu ý một số vụ việc vận chuyển, kinh doanh dược phẩm, thực phẩm chức năng trôi nổi bị phát hiện trong quý I/2022. Như, điểm chứa trữ, kinh doanh tại địa chỉ số 1942/91 Huỳnh Tấn Phát, khu phố 6, thị trấn Nhà Bè, huyện Nhà Bè kinh doanh 555 hộp thuốc hiệu Molnupiravir, Favipiravir do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn, chứng từ, không số đăng ký lưu hành.

Công ty TNHH ĐT TM DV Li Do (địa chỉ số 7/50A đường 182, phường Tăng Nhơn Phú A, TP. Thủ Đức) buôn bán 1.123 hộp thực phẩm bảo vệ sức khỏe đã hết hạn sử dụng. Nhà thuốc y học cổ truyền Gia Hưng (địa chỉ số 103 Phù Đổng Thiên Vương, phường 11, quận 5) kinh doanh 21.200 viên thuốc đông y các loại không có hóa đơn chứng từ…

Bên cạnh đó, Cục QLTT TPHCM đánh giá tình hình kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử, các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo... hoạt động trên nền tảng di động trong tình hình hiện nay rất phức tạp, việc tạo lập tài khoản, sử dụng thông tin giả để bán hàng rất khó để xác định được đối tượng vi phạm và nơi chứa trữ hàng hóa vi phạm để kiểm tra, xử lý. Việc giao nhận hàng hóa qua dịch vụ giao nhận hàng hóa, phương tiện sử dụng bằng xe gắn máy, với số lượng ít nên rất cơ động và khó phát hiện.

Dự báo tình hình vận chuyển, chứa trữ, buôn bán hàng cấm, hàng hóa nhập lậu và sản xuất kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, hàng kém chất lượng, không đảm bảo an toàn thực phẩm... cùng các mặt hàng có liên quan đến công tác phòng chống dịch COVID-19 có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp, Cục QLTT TPHCM tiếp tục chỉ đạo các đội QLTT đẩy mạnh thực hiện kế hoạch kiểm tra định kỳ năm 2022 và triển khai các kế hoạch về tăng cường công tác quản lý địa bàn; đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; hậu kiểm về an toàn thực phẩm...

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI