Hôm nay, 22/7, chẵn mười ngày kể từ khi Tòa Trọng tài Thường trực PCA đưa ra phán quyết cuối cùng về vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc, tuyệt nhiên vẫn chưa thấy một thông điệp đối thoại Biển Đông dựa trên những cơ sở về pháp lý lẫn ngoại giao của “bị đơn” Trung Quốc. Hầu như chỉ là sự bày biện một “thế trận” tù mù: một mặt Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc đề nghị đàm phán song phương với Philippines, mặt khác lại bác bỏ phán quyết của Tòa Trọng tài PCA; ngoài khu vực Biển Đông, hải quân Trung Quốc tập trận từ ngày 19 đến ngày 21/7 và ngang nhiên ra thông báo cấm toàn bộ tàu thuyền đi vào khu vực tập trận - theo bản tin Truyền hình trung ương Trung Quốc ngày 18/7; trong nước, báo chí Trung Quốc xuyên tạc trắng trợn phát biểu của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, đồng thời mở chiến dịch vận động các ngôi sao giải trí chia sẻ thông tin, hình ảnh nhằm ủng hộ tuyên bố chủ quyền vô giá trị của Trung Quốc trên Biển Đông…
|
Người dân Trung Quốc biểu tình tẩy chay KFC - Nguồn: Shanghaiist |
Cuối tuần qua, một cửa hàng thức ăn nhanh của Mỹ KFC ở tỉnh Hà Bắc, miền Bắc Trung Quốc, đã trở thành nạn nhân của làn sóng chủ nghĩa dân tộc sau khi Tòa Trọng tài Thường trực PCA đưa ra phán quyết bác bỏ yêu sách phi lý của Trung Quốc tại Biển Đông. Đến ngày 18/7, các cuộc biểu tình đã lan rộng ra hàng loạt thành phố khác ở Trung Quốc. Trang mạng tin tức Sohu News cho biết, các cửa hàng KFC - được coi là biểu tượng lợi ích của Hoa Kỳ ở Trung Quốc - ở hơn mười thành phố lớn, trong đó có Hàng Châu tỉnh Chiết Giang, Trường Sa tỉnh Hồ Nam, Dương Châu tỉnh Giang Tô, đã bị người biểu tình bao vây kêu gọi tẩy chay.
Hoặc công ty Công nghệ Bina ở Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang (TQ) đã ban hành một cảnh báo nghiêm khắc (lố bịch) gọi là “Thông cáo ái quốc” gửi đến toàn bộ nhân viên của công ty về những hậu quả họ phải gánh chịu nếu bỏ tiền mua iPhone 7 (chưa ra mắt), đó là họ sẽ bị sa thải! Cũng đã có nhiều người đập vỡ điện thoại iPhone.
Đập vỡ cái điện thoại vì “niềm tin” vào “công lý” mà Trung Quốc ngụy tạo ở Biển Đông, để phản ứng những luật lệ mà thế giới đã và đang xác lập, xây dựng, tuân thủ?
“Tẩy chay Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines, yêu dân tộc Trung Hoa!”, “Hãy để người Philippines chết đói”. Những khẩu hiệu giăng mắc cùng đám đông hiếu kỳ, thậm chí có một người đàn ông đã thuyết phục ba thanh niên trước nhà hàng KFC: “Nếu các bạn dừng lại, các bạn vẫn là những người Trung Quốc chính trực, còn nếu các bạn bước vào bên trong cửa hàng, các bạn sẽ là những kẻ phản bội, nếu như Mỹ và Philippines tiến hành một cuộc chiến tranh chống lại Trung Quốc trong tương lai”.
Lại là đám đông. Đám đông “xô nhào tới như nước thủy triều, người nào người ấy rướn cổ ra như cổ vịt bị một bàn tay vô hình nắm lấy xách lên… Đám đông xô đẩy nhau ào ào, chen bật lão suýt ngã” trong cái buổi sáng sớm lão Hoa Thuyên trên đường ra pháp trường, mua cho được cái bánh bao tẩm máu tử tù Hạ Du (Thuốc - Lỗ Tấn).
Cũng là đám đông, trong cái quán trà của lão Hoa Thuyên, họ kháo nhau, họ mê mẩn tin vào cái bánh bao tẩm máu chiến sĩ cách mạng Hạ Du sẽ là phương thuốc thần kỳ để chữa bách bệnh, như lời bác Cả Khang “bánh bao tẩm máu người như thế, lao gì ăn mà chẳng khỏi”.
Thuốc tiên đâu chẳng thấy, chỉ thấy thuốc độc của sự u mê, ngu dốt, thằng Thuyên ăn “thuốc” mà vẫn chết vì bệnh lao. Thằng Thuyên ăn cái bánh bao tẩm máu Hạ Du. Người ăn máu người. Sức công phá vào thành trì ngu muội của đám đông, qua ngòi bút bậc thầy Lỗ Tấn, là một sự ám ảnh. Ám ảnh về một tập quán u mê, bầy đàn mà Chu Thụ Nhân tiên sinh (tên thật của nhà văn Lỗ Tấn) gọi đấy là “ngủ quên trong một cái nhà hộp bằng sắt không có cửa sổ”.
Cũng đã có một số người chỉ trích cách thể hiện cuồng loạn của đám đông nói trên, họ nói “trước khi nghĩ đến việc kiềm chế hàng Mỹ thì hãy biết kiềm chế những kẻ ngu xuẩn”.
“Kiềm chế những kẻ ngu xuẩn” cũng là cách mà gần cả trăm năm trước Lỗ Tấn muốn kê đơn “thuốc”, bắt bệnh cho dân tộc Trung Hoa khốn khổ của mình. “Thế này là thế nào?”, câu hỏi lẩm nhẩm của bà mẹ Hạ Du khi bắt gặp một vòng hoa đặt trên nấm mộ khum khum của con mình. Hạ Du hy sinh vì chính nghĩa. Hạ Du bị đám đông nguyền rủa, chửi bới “tội phản quốc”. Và vòng hoa cho nấm mồ Hạ Du, của ai đó trong thầm lặng, đủ để phản tỉnh đám đông rằng, lẽ phải muôn đời là lẽ phải; và hy sinh vì lẽ phải xứng đáng được tiếc thương, kính trọng.
Thuốc, với tinh thần cứu nguy dân tộc Trung Hoa của Lỗ Tấn đã cho thấy vì sao khi ông nằm xuống, phủ lên thi hài của nhà văn cách mạng lỗi lạc của Trung Quốc ấy là lá cờ mang ba chữ “dân tộc tính”.
Để cả trăm năm sau, đi qua mùa xuân tràn đầy hy vọng của Lỗ Tấn, giữa trùng trùng vô ảnh của thế giới hôm nay, lại nghe tiếng thốt từ người mẹ bất hạnh “Thế này là thế nào?”. Câu trả lời, phỏng có như tiếng thở dài của Chu Thụ Nhân tiên sinh: “Thay thang mà không đổi thuốc”!
Lê Huyền Ái Mỹ