Thuốc lắc vào học đường

14/07/2016 - 15:01

PNO - Theo số liệu thống kê mới nhất do Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hiệp Quốc (UNODC) công bố tháng Sáu vừa qua, mỗi ngày trên thế giới có 552 người chết vì ma túy và các chất kích thích cấm.

Cuối tuần trước, một nam sinh ở Anh phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch sau khi uống loại thuốc lắc có in hình mặt cười. Viên thuốc lắc tên gọi “Magic Ecstasy”, ngoài hình dạng mặt cười còn có hình bàn tay, rất bắt mắt đối với học sinh (HS). Đây là vụ việc thứ ba mà thuốc lắc gây ảnh hưởng đến trẻ em dưới 13 tuổi trong vòng ba tuần qua ở Great Manchester (Tây Bắc nước Anh). Điều khiến nhà chức trách lo ngại là việc đưa những chất cấm trá hình vào môi trường học đường ngày càng dễ dàng.

Tháng Tư vừa qua, giới chức California (Mỹ) cảnh báo về trường hợp hai HS ở trường Ione thuộc bang này tàng trữ và sử dụng chất cấm. Hai em bị phát hiện có hành động kỳ lạ ngay trong lớp học khi cố ngồi thụp xuống hít một vật có hình dáng như những thanh kẹo bình thường. Không ngờ, đây là một loại ma túy đá, được các tay buôn hàng cấm chế ra để tuồn vào tay HS. Hiệu trưởng William Murray rất sốc khi biết vụ việc và yêu cầu cơ quan chức năng cùng các trường khác thắt chặt kiểm tra những món bánh kẹo, vật dụng HS mang vào trường.

Thuoc lac vao hoc duong
Những viên thuốc lắc có hình mặt cười, rất bắt mắt với giới trẻ - Ảnh: GUARDIAN

Mùa lễ hội Halloween năm ngoái, các phụ huynh Mỹ phải đề phòng kỹ lưỡng khi trên mạng xã hội và phương tiện truyền thông liên tục đưa ra cảnh báo: “Nếu con bạn cầm trên tay những loại kẹo lạ, màu sắc sặc sỡ thì tốt nhất hãy vứt hết. Đó có thể là thuốc lắc Ecstasy trá hình”. Cảnh sát một số bang, trong đó có Mississippi cũng đăng thông báo này trên trang facebook. Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) cũng thông báo về thực trạng này, cảnh cáo trẻ em không nên ăn ngay kẹo trong trò chơi truyền thống mùa lễ Halloween là Trick-or-treat (cho kẹo hay bị ghẹo) mà phải đưa phụ huynh kiểm tra.

Ở Trung Quốc, thực trạng HS phê thuốc lắc, ma túy vẫn xuất hiện trên các trang thông tin. Trong đó, thủ phạm đứng sau chính là những trò chơi trên máy tính bảng tưởng chừng vô hại nhưng lại “cài cắm” vào đó hình ảnh các nhân vật đắm chìm trong chất kích thích. Trung Quốc phải áp dụng hàng loạt chiến dịch nâng cao nhận thức của HS trước những cám dỗ muôn màu muôn vẻ của ma túy. Đối với Nga, từ đầu năm 2013, Hạ viện Nga lần đầu thông qua dự luật xét nghiệm ma túy đối với HS phổ thông trung học, trường dạy nghề, đại học. Mục đích nhằm phát hiện sớm, hỗ trợ các em cai nghiện và cũng là lời răn đe các bạn trẻ không tò mò tiếp cận những thứ nguy hiểm ấy.

Theo số liệu thống kê mới nhất do Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hiệp Quốc (UNODC) công bố tháng Sáu vừa qua, mỗi ngày trên thế giới có 552 người chết vì ma túy và các chất kích thích cấm. Số liệu này càng đặt các nhà quản lý trước trách nhiệm phải kiểm soát chặt chẽ thị trường, đặc biệt là thị trường dành cho trẻ em, rất dễ bị trà trộn vì đánh vào tâm lý thích những gì mới lạ, đặc sắc.

Anh Thông (Theo CBS, Guardian, RT)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI