Thuốc “lạ” trúng thầu: Bác sĩ rối, người bệnh khổ

01/08/2013 - 07:31

PNO - PN - Để thắng thầu, thậm chí là trúng thầu giá cao, nhiều loại thuốc được nhà sản xuất “chế tác” với hàm lượng khác thường. Các chuyên gia lo lắng, vì sao cơ quan quản lý dược cấp phép cho những loại thuốc có thể ảnh...

Thuoc “la” trung thau: Bac si roi, nguoi benh kho 

Tràn lan thuốc “lạ”

Loại thuốc Fluidasa 600mg dạng gói bột cốm do Công ty Laboratorios Farmindustria S.A của Pê-ru sản xuất và được Công ty TNHH TM Dược Thuận Gia trúng thầu ở tỉnh Đồng Tháp năm 2013 với 15.000 gói, giá mỗi gói 6.300đ. Loại thuốc này có hoạt chất N-acetyl cystein dùng chữa bệnh long đàm. So với thuốc gốc thì hoạt chất N-acetyl cystein chỉ có hai dạng 100mg và 200mg. Dược sĩ Thượng Công Huy, Phó khoa Dược, Bệnh viện Q.2, TP.HCM cho biết, ở trẻ từ hai-năm tuổi chỉ dùng cao nhất một ngày là 400mg. Còn nếu dành cho người bệnh trên sáu tuổi thì dùng ngày ba lần, mỗi lần 200mg và liều đạt được là 600mg. Như vậy, người bệnh rất khó dùng Fluidasa 600mg. Nếu người bệnh uống quá liều có thể gây sốc phản vệ, tụt huyết áp, suy hô hấp, đông máu rải rác trong nội mạch, suy thận...

Công ty Cổ phần hóa - dược Mekophar trúng thầu tại tỉnh Đồng Tháp mặt hàng kháng sinh Augbactam 312,5 (dạng phối hợp 250mg amoxicilin + 62,5mg axit clavulanic). Trong khi loại thuốc này dành cho trẻ em theo thuốc gốc chỉ có hai dạng: 562,5mg (500mg amoxicilin + 62,5mg axit clavulanic) và 281,25mg (250mg amoxicilin + 31,25mg axit clavulanic). Nếu so sánh giữa hai thuốc gốc thì mỗi thành phần amoxicilin và axit clavulanic có liều lượng gấp đôi hoặc giảm một nửa so với thuốc còn lại. Trong khi loại thuốc Augbactam 312,5 vẫn giữ nguyên 250mg amoxicilin nhưng lại giảm tiếp một nửa axit clavulanic còn 62,5mg. Lô thuốc này trúng 287.500 gói với tổng giá trị hơn 760 triệu đồng. Về cơ chế tác động, axit clavulanic ức chế men beta lactamase của vi khuẩn, giúp cho amoxicilin thẩm thấu vào cơ thể. Nếu hàm lượng giữa hai hoạt chất này không phù hợp thì sẽ giảm đi hiệu quả của thuốc.

Hay kết quả trúng thầu của tỉnh Quảng Ngãi cho thấy, chế phẩm có sự phối hợp thiếu khoa học giữa paracetamol + vitamin C. Theo đó, Công ty Mekophar đã sản xuất loại Paracold Kids dạng gói 150mg/75mg, giá 930đ/gói với tổng giá trị trúng thầu gần 600 triệu đồng. Bác sĩ (BS) Lê Thanh Toàn, Bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM phân tích: “Ở trẻ em khi bị sốt chỉ có uống thuốc hạ sốt, còn để bổ sung vitamin chúng tôi khuyên cho bé uống nước trái cây. Từ trước tới nay, chỉ có bệnh nhân lớn tuổi mới dùng thuốc hạ sốt phối hợp với vitamin C. Lần đầu tiên tôi thấy có dạng thuốc phối hợp này và không phù hợp với phác đồ điều trị. Cụ thể, hoạt chất paracetamol chỉ sử dụng cho trẻ khi sốt trên 380C và mỗi ngày từ ba-bốn lần, trung bình mỗi lần 150mg (dựa trên cân nặng). Nếu trẻ uống Paracold Kids này sẽ sử dụng 450-600mg paracetamol và đồng thời đưa vào cơ thể từ 225-300mg vitamin C. Trong khi, liều lượng vitamin C bổ sung cho trẻ nhỏ chỉ khoảng 150mg/ngày là an toàn. Hơn nữa, ở trẻ nhỏ, nếu uống nhiều vitamin C sẽ gây ra các phản ứng phụ như: kích ứng dạ dày, rối loạn tiêu hóa, sỏi thận. Bệnh nhi uống viên này vào buổi tối sẽ khó ngủ vì có vitamin C".

Nhiều loại kháng sinh nhờ có hàm lượng “lạ” mà giá trúng thầu rất cao? Đơn cử, Công ty cổ phần tập đoàn Merap - Việt Nam sản xuất hai loại kháng sinh có hoạt chất cefalexin với tên thương mại là Meceta 350mg và Meceta 700mg. Thuốc gốc chỉ có loại 250mg và 500mg. Phải chăng nhờ “chiến lược” này mà các công ty đã trúng thầu ở các tỉnh Bình Dương, Đồng Tháp với giá 1.350đ/viên Meceta 350mg và 2.600đ/viên Meceta 700mg. Trong khi nhiều công ty sản xuất đúng chuẩn cefalexin 250mg chỉ trúng 470đ/viên và loại 500mg chỉ trúng 725đ/viên. Như vậy, loại chuẩn 500mg và loại Meceta 350mg của Merap có hàm lượng ít hơn thì giá chênh nhau là 625đ. Chỉ tính riêng ở tỉnh Đồng Tháp, Công ty cổ phần dược Pha Nam trúng thầu 60.500 gói Meceta 350mg thì phí chênh lệch so với thuốc chuẩn 500mg lên tới 37,8 triệu đồng. Và chi phí đội lên này người bệnh phải trả.

Thuoc “la” trung thau: Bac si roi, nguoi benh kho

Trung bình một người Việt Nam bỏ ra 20 USD mua thuốc mỗi năm

Cần quản lý chặt

BS Lê Thanh Toàn cho rằng, phải quản lý chặt các thuốc có hàm lượng “lạ” trước khi tham gia đấu thầu để BS không bị rối với phác đồ điều trị. Còn nếu thuốc “lạ” đã trúng thầu thì dù muốn hay không, BS cũng phải kê toa theo đúng danh sách thuốc trúng thầu mà bảo hiểm y tế chi trả. Lúc đó sẽ rối cho BS và người bệnh.

Một BS cho biết, thuốc có hàm lượng không như thuốc gốc được sản xuất chủ yếu ở các nước có nền công nghiệp dược kém phát triển hoặc ở các công ty sản xuất nhỏ lẻ và các nhà phân phối tham gia đấu thầu cũng chưa có tên tuổi.

Bà Lưu Thị Thanh Huyền, Phó giám đốc Bảo hiểm Xã hội TP.HCM cho biết: “Sắp tới, TP.HCM sẽ thực hiện hình thức đấu thầu tập trung cho các bệnh viện đóng trên địa bàn TP. Do đó, BHXH và Sở Y tế TP.HCM đã thống nhất quy định là trước khi đấu thầu phải phân biệt rõ thuốc nào là thuốc mới lạ và thuốc nào được sản xuất theo phiên bản của thuốc gốc. Còn với thuốc có hàm lượng khác thuốc gốc khi tham gia đấu thầu phải chứng minh được hiệu quả của thuốc. Để quản lý chất lượng thuốc mới, thuốc có hàm lượng khác biệt, TP.HCM sẽ đề nghị các cơ sở cung cấp thông tin cụ thể về dạng bào chế, nồng độ điều trị, thời gian phóng thích của mỗi loại thuốc... Nếu thuyết phục, loại thuốc mới đó vẫn có quyền được dự thầu”.

 Văn Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI