|
Các bạn trẻ hút thuốc lá điện tử phía trước một cổng trường thuộc phố Hai Bà Trưng (Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội) - Ảnh: Bảo Khang |
Nữ sinh hôn mê sau khi hút thuốc lá điện tử
Do chưa từng biết về thuốc lá điện tử nên khi được bạn bè mời mọc, rủ rê, T.M. (14 tuổi, tỉnh Lạng Sơn) đã dùng thử vì nghĩ rằng, sản phẩm này vô hại, không giống như thuốc lá thông thường.
Tuy nhiên, ngay sau khi hút, T.M. lập tức co giật, mất ý thức. Nữ sinh được đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn trong tình trạng hôn mê, kích thích nhiều, tím tái, đồng tử giãn. Bệnh nhân có nguy cơ suy hô hấp và tử vong cao nên các bác sĩ đã phải xử trí cấp cứu, truyền dịch, thở ô-xy và may mắn thoát cửa tử. Đáng nói, theo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn, trong hơn một tháng qua, bệnh viện này đã tiếp nhận ít nhất năm học sinh ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử.
Trước đó, hồi tháng 8/2022, bảy học sinh tại Trường THPT Yên Hưng (tỉnh Quảng Ninh) cũng đã phải đi kiểm tra, theo dõi sức khỏe sau khi “trải nghiệm” thuốc lá điện tử, do một nữ sinh lớp 11 mang đến trường. Sau khi hút, các học sinh đều có biểu hiện chóng mặt, nôn mửa ngay tại lớp. Trong một clip được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội, hai nam sinh ở Hà Tĩnh sau khi hút thuốc lá điện tử đã liên tục lên cơn co giật, la hét, ảo giác như bị… ngáo đá.
Theo tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) - từ năm 2019 tới nay, đơn vị này đã tiếp nhận nhiều học sinh, sinh viên ngộ độc các hợp chất có trong thuốc lá điện tử. Nhiều bệnh nhân trẻ nhập viện trong tình trạng mất kiểm soát, kích thích vật vã, loạn thần giống như ngộ độc ma túy.
Đáng lưu ý, theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, thuốc lá điện tử có bộ phận chứa chất lỏng, dung dịch làm nguyên liệu đốt. Nguyên liệu này có thể thay thế tùy thích theo nhu cầu sử dụng. Do đó, ngoài chất nicotin trong thuốc lá thông thường, rất nhiều trường hợp đã phối trộn thêm các loại dung dịch lạ, chất kích thích, ma túy thế hệ mới khiến người hút ngộ độc nặng nề hơn, nguy hiểm tới tính mạng.
“Thực tế, nhiều bệnh nhân bị ngộ độc thuốc lá điện tử sau khi vào trung tâm cấp cứu, chúng tôi đã lấy mẫu đi xét nghiệm và phát hiện có thành phần ma túy trong đó. Có những loại ma túy có thể “chỉ mặt, đặt tên”, song cũng có nhiều loại do quá mới nên các phòng xét nghiệm lớn của Hà Nội cũng không thể xác định được đó là chất gì” - bác sĩ Đỗ Trung Nguyên nói.
Hệ lụy của thuốc lá điện tử, không chỉ gây ra các nguy cơ mắc các bệnh ung thư như thuốc lá thông thường, mà theo các chuyên gia, do sự phối trộn của các chất ma túy, kích thích có thể gây ngộ độc thần kinh, tổn thương gan, não, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng nếu không được cấp cứu, điều trị kịp thời.
Cần giúp con hiểu rõ tác hại
Trong khi tác động của thuốc lá điện tử vô cùng nghiêm trọng, thống kê của Bộ Y tế, đối tượng sử dụng sản phẩm này ngày càng trẻ hóa. Một nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới cho thấy, lứa tuổi sử dụng thuốc lá điện tử tập trung cao ở nhóm từ 15-24.
Trong khi đó, dù chưa được cấp phép song thuốc lá điện tử đang được bày bán tràn lan trên các trang mạng, dễ dàng tiếp cận với mọi đối tượng. Các học sinh, sinh viên thì chưa nhận thức đầy đủ về tác hại của thuốc lá điện tử. Thêm vào đó, các sản phẩm có hình dạng bắt mắt, thu hút, càng dễ dàng kích thích trí tò mò, khiến các bạn trẻ càng muốn trải nghiệm.
Chị Lan Thương (Q.Hà Đông, TP.Hà Nội) bày tỏ sự lo lắng khi vài ngày trước đây, lớp học của cậu con trai 13 tuổi trở nên xôn xao khi có sự xuất hiện của thiết bị thuốc lá điện tử: “Một học sinh của lớp nhặt được thuốc lá điện tử và hầu hết các bạn ở lớp đều không biết đó là thứ gì. Chỉ một vài bạn biết về sản phẩm này và ngay sau đó đã phổ biến cho cả lớp, thậm chí còn hướng dẫn cách dùng khiến các học sinh, trong đó có con trai tôi rất tò mò” - vị phụ huynh lo lắng nói.
Tháng 6/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quyết định số 1751/QĐ-BGDĐT phê duyệt Tài liệu hướng dẫn truyền thông về phòng ngừa thuốc lá mới cho học sinh phổ thông. Tài liệu nêu rõ thông tin về các loại thuốc lá mới đã xuất hiện trên thị trường như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha… Cùng với việc nhấn mạnh vai trò truyền thông về phòng ngừa tác hại của thuốc lá mới trong trường học. Những nội dung này sẽ được lồng ghép trong nội dung chương trình môn học, hoạt động ngoại khóa.
Trao đổi với Báo Phụ Nữ TPHCM, Bí thư Đoàn trường Tô Thị Nhạn - Trường THPT Đặng Tiến Đông (H.Chương Mỹ, Hà Nội) - cho biết: Nhận thức tác động của thuốc lá với lứa tuổi học sinh, tháng Chín vừa qua, trường đã phối hợp với Trung tâm Y tế H.Chương Mỹ tổ chức các buổi truyền thông về tác hại của thuốc lá. Học sinh được cán bộ y tế tuyên truyền về các loại thuốc lá mới, tác hại của thuốc lá, thuốc lá điện tử…
Hà My - học sinh lớp Chín của trường - chia sẻ: “Chúng em cũng được biết thêm về các bệnh tật liên quan đến hút thuốc lá, thuốc lá điện tử, hút shisha như: ảnh hưởng của thuốc lá đến chức năng phổi, hút thuốc lá là nguyên nhân của 90% các ca ung thư phổi. Người hút thuốc lá có tỷ lệ ung thư miệng cao gấp 27 lần và ung thư thanh quản cao gấp 12 lần so với người không hút thuốc lá…”.
Theo các chuyên gia, do quá lo lắng với việc con có thể tiếp cận sớm với thuốc lá điện tử nên nhiều phụ huynh luôn muốn con tránh xa, thậm chí giấu giếm, không cho con biết tới thuốc lá điện tử. Tuy nhiên, chính việc thiếu thông tin, kiến thức này đã dẫn tới thực tế là trẻ dễ bị kích thích, muốn khám phá khi được tiếp cận. Trẻ hoàn toàn mơ hồ về các tác hại, các nguy cơ mà thuốc lá điện tử có thể mang đến. Do đó, phụ huynh và nhà trường không nên lo sợ “vẽ đường cho hươu chạy” mà nên tuyên truyền, giúp con hiểu rõ về tác hại, nguy cơ khi sử dụng, để trẻ chủ động phòng tránh.
H.Anh - Uông Ngọc