Thuốc 'hiếm' vì sao hiếm?

26/07/2017 - 09:00

PNO - Thuốc 'hiếm', nếu thiếu là do yếu tố thị trường quyết định, bên cạnh cơ chế duyệt dự trù nhỏ giọt, chậm chạp cũng như thiếu các chính sách vĩ mô trong điều hành của Bộ Y tế.

Xung quanh vấn đề “nóng” thiếu thuốc hiếm khiến người dân phải “đỏ mắt” tìm mà một tờ báo nêu ra gần đây, chúng tôi đã trao đổi với các nhà chuyên môn để bạn đọc có cái nhìn tương đối chính xác hơn.

Ba nguyên nhân khiến thuốc trở nên... hiếm

Rõ ràng chuyện thuốc hiếm không phải mới đây, do nghị định mới mà thành hiếm, nó đã tồn tại “xưa nay”. Trước tiên, cần hỏi tại sao hiếm?

Thuoc 'hiem' vi sao hiem?
 

Theo dược sĩ Nguyễn Văn Vĩnh - Phó giám đốc Bệnh viện (BV) Ung Bướu TP.HCM, phải hiểu thuốc hiếm là thuốc thuộc danh mục thuốc hiếm theo yêu cầu điều trị đã được Bộ Y tế ban hành bằng Quyết định 37 từ năm 2008. Các tiêu chí để xem là thuốc hiếm như không sẵn có ở Việt Nam, chưa có thuốc tương tự đăng ký lưu hành hoặc đã có số đăng ký nhưng các doanh nghiệp không cung ứng hoặc cung ứng không đủ theo yêu cầu điều trị, thuốc được chỉ định cho một số lượng hạn chế bệnh nhân…

Còn theo dược sĩ Đỗ Văn Dũng - Trưởng phòng Nghiệp vụ dược, Sở Y tế TP.HCM, trước hết phải nói thuốc hiếm là một loại thuốc rất cần và trong một số trường hợp cấp cứu là tối cần cho bệnh nhân (BN).

“Có ba nguyên nhân khiến thuốc trở nên hiếm. Một là bệnh lý đặc biệt có nhu cầu dùng thuốc này ít lắm. Thứ hai, hiếm vì đa số các thuốc này rẻ tiền, giá trị kinh tế không cao, ít công ty quan tâm sản xuất, phân phối, kinh doanh. Thứ ba là hạn dùng của thuốc hiếm thường ngắn.

Nguy cơ nhập về mà chỉ giải quyết cho nhu cầu một hai khách hàng đã đặt hàng thì lượng thuốc còn lại vốn dĩ đã phải nhập cho đủ một đơn hàng sẽ tồn kho cho đến lúc hết hạn dùng, doanh nghiệp phải chịu lỗ”, ông Dũng phân tích.

Từ đó dẫn đến thực tế, đa số thuốc hiếm không có số đăng ký (VISA), bởi nhà sản xuất luôn cân nhắc khi xin VISA lưu hành 5 năm ở Việt Nam, vì phải chọn sản phẩm có thị phần lớn, để đủ… “sở hụi”.

Do các “đặc thù” như thế, theo dược sĩ Vĩnh, để giải quyết nhu cầu của người bệnh, từ lâu ngành y tế đã có hướng giải quyết bằng cách cho nhập khẩu quota chuyến theo nhu cầu cụ thể của từng BV. Các thuốc này chỉ được sử dụng tại đúng BV đã đề xuất mà thôi.

Thiếu chính sách phân công trách nhiệm cộng đồng

Tuy nhiên, một chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực dược cho biết, trong trách nhiệm của mình, sở Y tế các tỉnh thành chỉ có thể yêu cầu các BV phải có dự trữ, không để thiếu thuốc hiếm. Kế đến, xây dựng nhu cầu, gửi về sở tổng hợp để báo cáo cho các công ty nhập khẩu và Cục Quản lý dược.

Đồng thời, sở có văn bản “nhờ” Bộ Y tế duyệt dự trù nhằm bảo đảm nhu cầu thuốc hiếm cho địa phương. Phần còn lại, việc duyệt dự trù, tiến hành nhập khẩu, phân phối… nằm ngoài tầm của sở.

Thuoc 'hiem' vi sao hiem?
 

Sở Y tế địa phương lệ thuộc hoàn toàn trong bối cảnh doanh nghiệp “tính toán” lời lỗ, còn cấp trên thì quản lý theo kiểu duyệt quota hạn chế (?). “Chỉ nên cân nhắc đối với những thuốc hiếm tương đối đặc biệt, chứ còn những thuốc “hiếm phổ biến”, ai cũng biết nó “hiếm” từ xưa đến giờ, biết về chuyên môn, kỹ thuật, tác dụng, dược động học… hết rồi, mà chả hiểu sao Cục Quản lý dược lại duyệt rất chậm và theo kiểu nhỏ giọt. Ví dụ nhu cầu 100.000 viên thì duyệt 20.000 viên”, vị này nêu.

Ngoài ra, để giải bài toán số lượng nhập khẩu ít, khiến doanh nghiệp e dè, riêng Sở Y tế TP.HCM đã nhiều lần gửi kiến nghị Bộ Y tế cho tổng hợp nhu cầu thuốc hiếm cả nước, nhưng đến nay vẫn chưa có.

Chuyên gia này cũng cho rằng, để giải quyết vấn đề các công ty không mặn mà trong cung cấp thuốc hiếm, mấu chốt chính là cơ quan quản lý cấp cao (Bộ Y tế) chưa có sự phân công các doanh nghiệp có chức năng nhập khẩu phải thực hiện nghĩa vụ này đối với ngành y tế.

Tất nhiên, bù lại, phải có những chính sách hỗ trợ, ưu tiên cho những doanh nghiệp đã thực thi trách nhiệm với cộng đồng. “Họ hoạt động theo cơ chế thị trường, tồn tại theo Luật Doanh nghiệp, hàng nào bán có lợi nhuận mới làm. Do đó, buộc phải có chính sách trợ giá thuốc hiếm như miễn thuế, bù lỗ.

Chấp nhận nhập về đủ số lượng một lô hàng, nếu xài không hết thì nhà nước sẽ bù lại bằng cách hoàn thuế chẳng hạn. Giải pháp này đã được nhiều nước ASEAN áp dụng nhằm bảo đảm thuốc điều trị cho BN”, chuyên gia này đề xuất. 

Dược sĩ Đỗ Văn Dũng: Đừng đổ thừa chuyện thiếu thuốc hiếm cho nghị định. Nghị định 54 hoàn toàn mang tính chất lý thuyết nhằm hướng dẫn chung thực hiện Luật Dược 2016, để quản lý thuốc chặt chẽ hơn.

Cái mới của Nghị định 54 là không đơn thuần là một nghị định khung thường thấy, có một số nội dung chi tiết hoá. Tuy nhiên, vẫn cần thông tư hướng dẫn cụ thể. Hiện tại, ngay cả Cục Quản lý dược cũng chưa hề vin vào Nghị định 54 để duyệt đơn hàng nhập khẩu

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI