Thuốc gốc giá trên trời, bệnh nhân ung thư phổi tìm mua thuốc nhái

15/01/2020 - 12:00

PNO - Bệnh nhân ung thư phổi có đột biến gen nếu bị kháng với thuốc điều trị thế hệ cũ buộc phải chuyển sang thuốc mới, với giá 130 triệu đồng/tháng và kéo dài nhiều tháng.

Vì vậy, nhiều bệnh nhân phải chuyển sang dùng thuốc nhái, giá rẻ hơn nhưng chất lượng đang bỏ ngỏ.

Tốn gần 130 triệu đồng tiền thuốc mỗi tháng 

Bệnh nhân ung thư ngày càng tăng nhanh. Trong ảnh: người bệnh chen chúc khám ở Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM
Bệnh nhân ung thư ngày càng tăng nhanh. Trong ảnh: Người bệnh chen chúc khám ở Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM

Chiều cuối tuần, trước phòng khám ở Khoa Ung bướu Bệnh viện (BV) Quận Thủ Đức (TP.HCM) có cụ ông khoảng 70 tuổi đi qua lại, vẻ mặt thất thần.

Khi bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ, Trưởng khoa Ung bướu khám xong cho bệnh nhân, ông vội xin những bệnh nhân khác nhường để gặp bác sĩ một phút. Trên tay ông cầm toa thuốc ung thư phổi do BV khác kê, ghi rõ: “Mỗi ngày uống 1 viên Tagrisso với hoạt chất Osimertinib 80mg”. Đây là loại thuốc gốc nhắm trúng đích trong điều trị ung thư phổi của Công ty dược phẩm Astrazeneca.

 

Bác sĩ Nguyễn Tuấn Khôi
Bác sĩ Nguyễn Tuấn Khôi, Trưởng khoa Nội 1, Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM

Nhiều phụ nữ cũng bị ung thư phổi
Các bác sĩ cho rằng 80% bệnh nhân ung thư phổi đến BV giai đoạn trễ. Nguy hiểm của bệnh là khi khối bướu nhỏ thường không có biểu hiện. Do đó, khi người bệnh có dấu hiệu ho dai dẳng kéo dài, đau tức ngực thì nên đi khám ngay. Khi khám, bệnh nhân sẽ được chụp X-quang, CT để xác định bệnh. 
Hiện nay, có nhiều nguyên nhân gây ung thư phổi như: hút thuốc lá, ngửi khói thuốc lá, nhiễm chất phóng xạ từ trong lòng đất lên, khói thải nhà máy. Không chỉ đàn ông mà nhiều phụ nữ cũng bị ung thư phổi. 

Vấn đề ông cần tư vấn là: với toa thuốc trên, tiệm thuốc báo giá thuốc gốc gần 130 triệu đồng/hộp 30 viên/tháng. Tính ra, mỗi ngày ông phải uống 1 viên hết 4,2 triệu đồng mà phải uống nhiều tháng. Nếu giá thuốc không đổi, ước tính ông phải bỏ ra vài tỷ đồng cho cả đợt điều trị. Trong khi lương hưu của ông chỉ 3 triệu đồng/tháng nên phải mua thuốc nhái, sản xuất từ Bangladesh với giá 4 triệu đồng/hộp 30 viên/tháng.

Ông hỏi bác sĩ Vũ: “Thuốc nhái liệu có hiệu quả không?”. Nghe ông hỏi bác sĩ, một số bệnh nhân khác đang chờ tái khám xầm xì, vì họ cũng đang uống thuốc nhái từ Bangladesh, Pakistan, Ấn Độ… sau khi túi tiền kiệt quệ với thuốc gốc. 

Chia sẻ về xu hướng điều trị cho bệnh nhân ung thư phổi di căn, bác sĩ Nguyễn Tuấn Khôi, Trưởng khoa Nội 1, Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM, cho biết: trước hết, nhóm ung thư phổi thông thường sẽ được thực hiện hóa trị (nhóm 1). Nhóm ung thư phổi có đột biến gen EGFR thì dùng thuốc nhắm trúng đích (nhóm 2). Và nhóm bệnh nhân ung thư phổi có kết quả xét nghiệm dương tính với dấu ấn sinh học PDL1 ≥ 50% thì phải dùng thuốc miễn dịch (nhóm 3).

Tuy nhiên, khả năng tài chính của bệnh nhân quyết định rất nhiều đến phương án điều trị phù hợp. Nếu như ở nhóm 1, bệnh nhân có bảo hiểm y tế thì chỉ trả 1-2 triệu đồng cho mỗi đợt hóa trị; thậm chí có những phác đồ hóa trị chỉ cần trả vài trăm ngàn đồng hoặc được bảo hiểm y tế chi trả 100%. Bệnh nhân sẽ được hóa trị khoảng 4-6 đợt cách nhau mỗi ba tuần. 

Bệnh nhân ở nhóm 2 có thể điều trị bằng thuốc nhắm trúng đích thế hệ cũ với giá từ 12 - 13 triệu đồng/tháng sau khi bảo hiểm y tế chi trả. Nhưng nếu bệnh nhân muốn kết quả điều trị tốt hơn hoặc rơi vào tình thế kháng thuốc… phải dùng thuốc nhắm trúng đích thế hệ mới. Tuy nhiên, vì chưa được bảo hiểm y tế chi trả, nên người bệnh muốn uống thuốc thì mỗi tháng phải chi hơn 120 triệu đồng. Vì lý do này nên trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại thuốc nhái theo thuốc gốc có giá từ 4-9 triệu đồng/hộp. Ở bệnh nhân nhóm 3 dùng thuốc miễn dịch cũng bỏ ra khoảng 126 triệu đồng để truyền thuốc miễn dịch mỗi ba tuần kéo dài cho đến khi bệnh lờn thuốc hoặc cho đến hai năm. Số lượng bệnh nhân có khả năng chi trả để uống thuốc gốc rất ít.

Nếu bệnh nhân ở nhóm 2 và 3 nhưng không có khả năng dùng các thuốc đắt tiền thì cũng có thể hóa trị, tất nhiên hiệu quả điều trị thấp hơn. 

Có nên duy trì thuốc nhái?

Theo bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ, “hiện có rất nhiều loại thuốc nhái theo phiên bản của thuốc gốc (còn đang trong thời gian được bảo hộ độc quyền). Tôi không dám nói thuốc nhái là dỏm vì thấy nhiều bệnh nhân điều trị vẫn hiệu quả. Tôi cũng không bài xích thuốc nhái vì bệnh nhân nghèo không đủ khả năng mua thuốc gốc giá cao. Dù vậy, thuốc nhái giá chỉ bằng 1/10-1/20 thuốc gốc thì chất lượng khó bằng được. Biết rằng chi phí nghiên cứu của công ty dược tốn kém nhưng với các nước thu nhập của người dân chưa cao thì nên có giá phù hợp và bảo hiểm y tế nên chi trả”. 

Tuy nhiên, hiện nay có không ít bác sĩ đang lạm dụng chỉ định thuốc nhái cho người bệnh. Theo một bác sĩ, điều này là không phù hợp. Cụ thể, khi thấy bệnh nhân bị ung thư có đột biến gen, các bác sĩ chỉ định ngay thuốc nhái. Điều này đúng theo nghiên cứu là dùng thuốc thế hệ mới ngay từ đầu sẽ tốt hơn thế hệ cũ nhưng đó là khi sử dụng thuốc gốc, còn chất lượng thuốc nhái đang bỏ ngỏ nên sẽ đánh cược mạng sống của người bệnh. 

Nếu chẳng may bị ung thư phổi có đột biến gen, người bệnh phải chi trả một số tiền quá lớn để uống thuốc gốc
Nếu chẳng may bị ung thư phổi có đột biến gen, người bệnh phải chi trả một số tiền quá lớn để uống thuốc gốc

Thạc sĩ Đỗ Văn Dũng, Trưởng phòng Nghiệp vụ dược, Sở Y tế TP.HCM, cho rằng, theo quy định của luật pháp quốc tế thì thuốc gốc được sở hữu phát minh độc quyền 15-20 năm. Trong thời gian đó, các hãng dược phẩm khác không được sản xuất thuốc nhái theo thuốc gốc. Những thuốc độc quyền này thường bán ra rất đắt để bù lại chi phí nghiên cứu sản xuất, quá trình phát triển để tạo ra thuốc mới. 

Tuy nhiên, một số công ty dược ở Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh… không theo thông lệ quốc tế mà sản xuất thuốc nhái để phục vụ cho dân số quá đông, thu nhập lại thấp. Các thuốc nhái dù được lưu thông hợp pháp tại Ấn Độ, Pakistan… thì Bộ Y tế cũng không được cấp phép đăng ký lưu hành tại Việt Nam. Do đó, các thuốc điều trị ung thư phổi nhái từ thuốc gốc được đưa vào Việt Nam qua đường xách tay, là những thuốc lưu thông bất hợp pháp, chưa được cấp giấy phép nhập khẩu hoặc số đăng ký, nguy cơ mua phải thuốc kém chất lượng, thuốc giả rất cao.

Cũng theo ông Dũng, để thuốc gốc có giá phù hợp với người Việt Nam thì Cục Quản lý dược Bộ Y tế sớm đàm phán giá thuốc gốc với hãng Astrazeneca. Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam sẵn sàng chuẩn bị máy móc, công nghệ, nguyên liệu… để khi thuốc gốc hết thời hạn độc quyền thì sớm xin số đăng ký sản xuất cung ứng cho thị trường Việt Nam. 

Thuốc nhái trị ung thư phổi cũng rao bán trên mạng

Hiện nay, người bệnh dễ dàng mua thuốc nhái mà không theo đơn bác sĩ. Chúng tôi thử gọi vào số điện thoại 0978 006 xxx từ một bệnh nhân cho, để hỏi mua loại thuốc nhắm trúng đích trị ung thư phổi có hoạt chất osimertinib, một người bán ở Hà Nội báo giá thuốc Osimert 80mg của Bangladesh sản xuất, chỉ có 4 triệu đồng/hộp 30 viên. 

Chúng tôi gọi vào số điện thoại 0906 297 xxx của tiệm thuốc trên đường Lê Đại Hành, Q.11, TP.HCM thì người bán tư vấn dùng hộp thuốc Tagrix 80mg nhái theo tên thuốc gốc là Tagrisso, giá 9 triệu đồng/hộp.

Người bán nói thẳng: “Thuốc này của Ấn Độ mới chỉ được sử dụng theo đường xách tay tại Việt Nam nên có giá thấp hơn”. Theo người bán, thuốc này thường được chỉ định cho bệnh nhân ung thư phổi đã kháng thuốc đích thế hệ cũ. Người bán còn tự tin khi giới thiệu thuốc nhái Tagrix thay đổi bao bì mới an toàn hơn với hệ thống xác minh bằng mã QR. Khách hàng có thể quét mã QR bằng điện thoại thông minh để xác minh 
sản phẩm.

Trước đó, cuối tháng 12/2019, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM kiểm tra đột xuất hoạt động kinh doanh của nhà thuốc Võ Lan Phương (47 đường 19, P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức; website: https:/volanphuong.com/) và nhà thuốc Lan Phương (47B đường 19, P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức; website: https:/nhathuoclanphuong.net/). Qua kiểm tra, thanh tra sở phát hiện tại hai địa chỉ này không tồn tại các nhà thuốc trên.

Hai loại thuốc Osimert 80mg và Tagrix 80mg trị ung thư phổi cũng chưa được cấp phép lưu hành tại Việt Nam. Thanh tra sở khuyến cáo người dân không mua và không sử dụng các loại thuốc kể trên, cũng như các thuốc chữa bệnh không được lưu hành tại Việt Nam, thuốc không rõ nguồn gốc được quảng cáo và bán qua mạng.

Văn Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI