Thuốc giả hoành hành ở châu Phi

09/08/2024 - 14:03

PNO - Mỗi năm có tới 500.000 ca tử vong ở châu Phi do sử dụng thuốc kém chất lượng và dùng thuốc giả trong quá trình điều trị.

Vấn nạn thuốc giả đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân châu Phi - Ảnh: Getty Images/iStockphoto
Vấn nạn thuốc giả đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân châu Phi - Ảnh: Getty Images/iStockphoto

“1/5 số tân dược đang lưu hành ở châu Phi không đảm bảo tiêu chuẩn hoặc bị làm giả. Vấn nạn này đang làm dấy lên cảnh báo về hậu quả nghiêm trọng dẫn đến vô số trường hợp tử vong của bệnh nhân” - hãng tin The Guardian hôm 9/8 dẫn kết quả của một nghiên cứu mới được công bố.

Các nhà nghiên cứu từ Đại học Bahir Dar ở Ethiopia đã phân tích 7.508 mẫu thuốc và phát hiện có tới 1.639 mẫu "không đạt các tiêu chí qua quá trình kiểm tra chất lượng, và được xác nhận là kém tiêu chuẩn hoặc bị làm giả”.

Tiến sĩ Claudia Martínez - Giám đốc Tổ chức the Access to Medicine Foundation, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Amsterdam (Hà Lan) - nói phát hiện này là “mối quan ngại lớn về sức khỏe cộng đồng”.

“Bệnh nhân dùng thuốc kém chất lượng hoặc thuốc giả có thể khiến quá trình điều trị thất bại, thậm chí tử vong”.

Một thống kê do Liên hiệp quốc công bố năm 2023 cho thấy, mỗi năm ở châu Phi có ít nhất 500.000 ca tử vong liên quan đến việc sử dụng thuốc giả, thuốc kém chất lượng.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thuốc kháng sinh và thuốc chống sốt rét bị làm giả nhiều nhất ở châu Phi, trong đó Malawi được cho là “thiên đường” của thuốc giả.

Thuốc kháng sinh giả hoặc kém chất lượng có thể chứa liều lượng không chính xác hoặc có hoạt chất không đúng dẫn đến việc điều trị không hiệu quả. WHO cho biết, những sản phẩm này có thể thúc đẩy sự gia tăng tình trạng kháng thuốc trên bệnh nhân.

“Chuỗi cung ứng thuốc ở nhiều nước có thu nhập thấp và trung bình thường phức tạp, không hiệu quả và rời rạc. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến người dân không có cơ hội tiếp cận nguồn tân dược đạt tiêu chuẩn” - tiến sĩ Claudia Martínez cho biết.

Một nghiên cứu khác của WHO cho thấy, ước tính một trong 10 sản phẩm y tế ở các nước đang phát triển không đạt tiêu chuẩn hoặc bị làm giả, trong đó khu vực châu Phi chiếm 42%.

Nguyễn Thuận

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI