Thuốc gì trị bệnh nói nhiều của vợ?

22/05/2018 - 18:00

PNO - Tôi thật khổ, không biết có phương pháp nào (mà không có tiếng động, không nói chuyện) để chữa căn bệnh nói chuyện cho vợ mình không?

Chị Hạnh Dung kính mến, 

Tôi rất thích đọc Nhỏ to tâm sự, và thấy tên chuyên mục này cũng là phương pháp mà chị ưa thích nhất: nói chuyện. Hầu như trong mọi vấn đề cần giải quyết, nói chuyện luôn là phương pháp hàng đầu, vợ chồng cần ngồi lại nói chuyện với nhau, con cần nói chuyện với mẹ/cha, vợ cần gặp và nói chuyện với tình địch của chồng…

Thực tế, không phải các cuộc nói chuyện đều có kết quả tốt, giải quyết được vấn đề. Có khi nói mà người ta không nghe, có khi nghe mà không hiểu, có khi hiểu mà không làm, làm mà không làm như mình mong muốn… Chị thường khuyên mọi người nên nói chuyện, thành ra, phụ nữ vốn không có chuyện gì cũng đã nói nhiều, nay thì thêm quá chừng chuyện để nói, đôi khi là “kiếm chuyện” để nói. 

Thuoc gi tri benh noi nhieu cua vo?
 

Như vợ tôi, có chuyện hàng xóm là lôi về nhà nói; bệnh tật đau ốm gì của người quen, người thân là lôi ra nói; bất bình, lương thưởng không công bằng ở chỗ làm, cũng tha về nhà nói. Thậm chí, có thời gian cô ấy đi tập thiền, ai cũng biết thiền là sự im lặng nhưng sau đó cô ấy bùng nổ cơn nói chuyện về… cảm giác khi thiền! Tôi thật khổ, không biết có phương pháp nào (mà không có tiếng động, không nói chuyện) để chữa căn bệnh nói chuyện cho vợ mình không (và chữa cho nhiều chị em khác nữa)?

Tiến Vũ (TP.HCM)

Kính gửi anh Tiến Vũ,

Thư này là một phương pháp im lặng không nói mà giải quyết sự việc đây anh ạ! Nếu không muốn nói chuyện với người ta, anh cứ yên lặng mà viết ra yêu cầu đó, người ta sẽ yên lặng mà đọc, mà làm! Nói vui vậy, chắc anh cũng thấy: mình nên hiểu rõ xem không thích phần “vỏ” của cuộc nói chuyện (âm thanh, giọng điệu, ngôn ngữ cơ thể) hay không thích phần “ruột” của nó (thông tin, cảm xúc, bình phẩm, nhận xét, yêu cầu đề nghị gì đó…). Phần nào không thích mình điều chỉnh phần đó. Còn lại thì, nói chung, con người là một sinh vật xã hội, nói chuyện là trao đổi thông tin, tình cảm, là một trong những nhu cầu cơ bản. Do vậy không nên hạn chế tất cả những cuộc nói chuyện, mà với chuyện gì mình không thích thì nên bớt nói/bớt nghe. Như vậy thì hợp lý hơn phải không anh? 

Với chị nhà, việc chị nói nhiều quá, có khi là lỗi tại anh, vì anh… ít nói quá. Hôm nào đó, anh thử chọn một chủ đề, một câu chuyện chị đang nói, rồi cắt lời vợ, nói một trận rất dài, rất lâu, rất chi tiết. Chừng tới khi thấy vợ hơi ngán, anh dừng lại chút chút, thấy vợ bắt đầu mở miệng nói, anh lại nói tiếp chuyện hồi nãy, thật dài, thật nhiều, liên tục! Cái này binh pháp gọi là “dĩ độc trị độc”, chừng nào vợ anh nhận ra việc trong nhà có một người nói nhiều thì khổ sở thế nào, chị ấy sẽ tự mình bớt nói. Vài lần học bằng trải nghiệm như thế, tình hình sẽ tốt thôi. 

Người ta thích nghe hay nói những chuyện người ta thích. Anh xem lại, có khi không phải là chuyện vợ nói nhiều, mà do giữa anh và chị đã bị đứt dần những mối quan tâm chung, không còn chung sở thích, câu chuyện, chung ngôn ngữ như cái thời hạnh phúc mặn nồng ngày xưa nữa. Cái này mới là nguy to, cần sửa chữa tận gốc.

Có khi nào anh ngồi nghe vợ nói, quan sát xem chị ấy nói chuyện duyên dáng thế nào, câu chuyện sâu sắc thú vị ra sao và nếu vợ mình nói chuyện kiểu này với một người đàn ông nào đó, mình sẽ cảm thấy thế nào… Đó, anh cứ thử phương pháp “im lặng lắng nghe” này đi, đảm bảo sẽ thấy mình có cách để chữa căn bệnh này cho cả anh và chị, để những lần nói chuyện trở thành cuộc trò chuyện gần gũi, thú vị chỉ có giữa chị và anh. Chúc anh thành công nhé! 

Hạnh Dung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI