Hiện nay, việc mua, bán loại thuốc cấm này diễn ra chỉ với một vài thao tác click chuột...
“Ngửi ba giây là ngủ li bì”
Ngày 24/2, Công an Q.Bình Thạnh cho biết, đang tạm giữ Phạm Thị Trúc Tiên - sinh năm 1965, ngụ tại H.Hóc Môn, TP.HCM - để điều tra về hành vi dùng thuốc gây mê cướp tài sản tại bến xe Miền Đông.
Theo hồ sơ ban đầu, chiều 22/2, nghi can Tiên giả làm hành khách, đến bến xe Miền Đông để tìm “con mồi” nhằm cướp tài sản. Lúc này, bà H.T.T.M. - 54 tuổi - vừa mua vé để về quê ở tỉnh Phú Yên, ngồi đợi xe ở khu vực nhà chờ trong bến xe. Tiên liền tiếp cận, làm quen, mời ăn hộp cơm và uống chai nước do Tiên mang theo.
Sau khi ăn cơm, bà M. rơi vào trạng thái mệt mỏi và ngủ li bì. Tiên liền lục lọi tài sản của bà M. Qua theo dõi từ hệ thống camera, lực lượng bảo vệ của bến xe Miền Đông phát hiện đối tượng nghi vấn nên đã tạm giữ và báo cáo vụ việc cho cơ quan công an. Ngay sau đó, bà M. được đưa vào bệnh viện điều trị. Các bác sĩ chẩn đoán, bà M. dùng thuốc ngủ quá liều.
|
Phạm Thị Trúc Tiên bị bắt sau khi gây mê để cướp tài sản ở bến xe Miền Đông |
Trước đó, Tiên đã tiếp cận bà M.T.H. cũng với chiêu thức mời ăn cơm, uống nước. Sau khi bà H. dùng xong thì nằm ngủ tại ghế ở bến xe, Tiên lục lọi lấy hai chiếc điện thoại di động, túi xách chứa gần 2 triệu đồng. Hiện Công an Q.Bình Thạnh kêu gọi các nạn nhân từng bị Tiên chuốc thuốc mê, cướp tài sản hãy đến trình báo để phục vụ quá trình điều tra.
Theo cơ quan công an, gần đây, lực lượng chức năng đã triệt phá không ít vụ án hình sự có liên quan đến thuốc mê. Đơn cử, hồi cuối năm 2018, Công an TP.Hà Nội đã bắt giữ đối tượng Nguyễn Văn Tâm (27 tuổi, ở H.Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa) về hành vi dùng thuốc gây mê để thực hiện hành vi hiếp dâm chị họ của vợ mình.
Trước đó, giữa tháng 6/2018, Công an Q.7, TP.HCM cũng đã bắt giữ Nguyễn Thị Tú Uyên - sinh năm 1982, thường trú tại tỉnh Đồng Nai, tạm trú tại Q.7 - về hành vi đánh thuốc mê cướp tài sản của người nước ngoài. Theo đó, qua mạng xã hội, Uyên có quen với ông V.J.M. - sinh năm 1956, quốc tịch Pháp, tạm trú tại Q.7 - rồi hẹn gặp tại nhà ông M. trong khu dân cư Him Lam, P.Tân Phong, Q.7, cùng nhau uống bia.
Lợi dụng lúc ông M. sơ hở, Uyên bỏ thuốc mê vào ly của ông M. Sau đó, ông M. uống rồi lăn ra ngủ mê man; Uyên đã lấy nhiều tài trị giá hơn 250 triệu đồng rồi tẩu thoát.
Thuốc gây mê là loại thuốc chỉ được sử dụng trong ngành y tế và bị cấm bán ngoài thị trường, nhưng trên thực tế, bất kỳ ai cũng có thể mua được loại thuốc này chỉ với vài cái click chuột. Trên trang mạng xxxgayme.com, có bán đầy đủ các loại thuốc gây mê, từ dạng viên cho đến dạng thuốc xịt với giá từ 800.000 - 2,5 triệu đồng/sản phẩm. Bên bán cho biết, người mua chỉ cần đặt hàng qua điện thoại, sẽ được giao hàng tận nơi và cam kết đây là hàng chính hãng, có hiệu quả tức thì ngay khi sử dụng.
Tương tự, trang thuocxxxxvip.com cũng rao bán đầy đủ các loại thuốc gây mê với mức giá từ 650.000 - 1,5 triệu đồng/sản phẩm với lời cam kết chắc nịch “chỉ ngửi ba giây là ngủ li bì”. Không chỉ các “web lậu” mà nhiều trang thương mại điện tử lớn cũng có bán các loại thuốc có khả năng gây mê rất nhanh.
Chỉ cần gõ cụm từ “mua thuốc gây mê” trên Google là có thể thu được khoảng 19.000 kết quả chỉ trong vòng 0,27 giây. Trong đó, thuốc gây mê được bán phổ biến ở dạng xịt và dạng viên. Hầu hết các loại thuốc này đều được quảng cáo là ngoại nhập, gây mê cực mạnh.
Gây án từ sự chủ quan của nạn nhân
Một cán bộ đang công tác tại Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP.HCM cho biết, tội phạm thực hiện được vụ chiếm đoạt tài sản bằng thuốc gây mê chủ yếu là do sự chủ quan của nạn nhân.
Việc chủ quan thường do hai bên có sự quen biết từ trước nên nạn nhân mất cảnh giác, hoặc tội phạm làm quen với nạn nhân bất chợt rồi lợi dụng sự mất cảnh giác của nạn nhân để gây án.
Phó giáo sư - tiến sĩ Đỗ Cảnh Thìn - Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và điều tra tội phạm, Viện Khoa học cảnh sát, Học viện Cảnh sát nhân dân - cho biết, tội phạm dùng các loại thuốc gây mê, gây tê thực chất là làm nạn nhân bị tê liệt ý chí, mất khả năng bảo vệ tài sản để cướp tài sản.
“Theo tôi, người dân nên cảnh giác trong việc bảo vệ tài sản của mình bằng cách: không mang quá nhiều trang sức, tài sản khi đến các nơi đông người, không quá tin tưởng người lạ và đặc biệt là không nên ăn thức ăn, đồ uống mà họ đưa cho mình. Khi bị mất tài sản, nên tường trình sự thật với cơ quan chức năng để họ có biện pháp giúp đỡ mình tìm lại tài sản đã mất” - phó giáo sư - tiến sĩ Đỗ Cảnh Thìn khuyến cáo.
Phó giáo sư tiến sĩt dược sĩ Nguyễn Hữu Đức - Trường đại học Y Dược TP.HCM: Dùng quá liều, dễ gây tử vong
Bọn tội phạm thường sử dụng thuốc an thần gây ngủ loại mạnh hoặc thuốc gây mê dạng khí bay hơi để ức chế hệ thần kinh trung ương, làm nạn nhân đi vào giấc ngủ hoặc đi vào hôn mê, mất hoàn toàn ý thức, phản xạ, khiến nạn nhân bất động rồi ra tay cướp tài sản. Nếu nạn nhân bị chuốc thuốc an thần gây ngủ hoặc thuốc mê liều lượng vừa phải thì không việc gì, nếu quá liều (kẻ gian thường dùng thuốc bất kể liều lượng), nạn nhân có thể ngưng thở do suy hô hấp và có thể tử vong.
Chỉ có các bác sĩ chuyên khoa gây mê hồi sức mới được phép chỉ định dùng thuốc an thần gây ngủ hoặc thuốc gây mê một cách an toàn. Việc bọn tội phạm tự ý sử dụng thuốc gây mê để cướp tài sản là rất nguy hiểm đối với tính mạng nạn nhân bởi về nguyên tắc, tất cả thuốc gây mê đều có nguy cơ gây sốc phản vệ, vấn đề là tỷ lệ nhiều hay ít mà thôi.
Chẳng may người bị chuốc thuốc mê đang mắc các bệnh lý như loạn dưỡng cơ, tổn thương tủy sống, đái tháo đường, tim mạch, tăng huyết áp… thì nguy cơ chịu tác dụng phụ có hại của thuốc gây mê càng cao. Thuốc an thần gây ngủ cũng thế, nếu dùng liều cao là rất nguy hiểm cho nạn nhân, có thể gây suy hô hấp, giảm huyết áp, suy chức năng tuần hoàn não, một số thuốc có thể gây suy gan, suy thận nếu dùng không đúng cách, đúng liều.
Thanh Hoa (ghi)
|