Thuốc diệt chuột cực độc đang được bán tràn lan

28/05/2021 - 06:49

PNO - Tại TPHCM, thuốc diệt chuột không nhãn mác, chứa nhiều thành phần độc hại đang được bán tràn lan, gây nguy hại cho môi trường và sức khỏe người dùng.

 

Thuốc diệt chuột được bày dưới đất để người dùng dễ dàng lựa chọn
Thuốc diệt chuột được bày dưới đất để người dùng dễ dàng lựa chọn

Không nguồn gốc càng bán chạy

Khi hỏi mua các thuốc diệt chuột, chúng tôi được chủ các cửa hàng khuyên mua các loại thuốc độc nhất hoặc cực độc để diệt chuột cho nhanh. Tại cửa hàng bán hóa chất diệt côn trùng trên đường Cách Mạng Tháng Tám, quận 10, thuốc diệt chuột được bày la liệt dưới đất. Khi chúng tôi đang định chọn thuốc diệt chuột thương hiệu Storm của Đức (giá 20.000 đồng/gói), chủ cửa hàng này nói: “Loại này chuột ăn xong đến bảy ngày sau mới chết, ít người mua lắm. Nên mua loại chuột ăn xong chết ngay tại chỗ”. 

Nói xong, ông ta mở nắp một hũ nhựa, lôi ra một bịch ni-lông màu trắng không nhãn mác, bên trên có dán miếng giấy với các thông tin: “Rất độc, bảo quản xa trẻ em. Diệt chuột sau một lần ăn mồi, rất dễ tìm thấy xác chuột ở nơi có ánh sáng hoặc gần vũng nước. Thành phần: zinc phosphide 20%”. Sản phẩm được bán với giá 95.000 đồng/gói. Bên trong bịch ni-lông là một ít mì tôm vụn, vài viên thức ăn cùng một ống nhựa chứa loại nước màu hồng. Khi nghe hỏi về công ty sản xuất, chủ cửa hàng nói: “Quan tâm chi nhà sản xuất, miễn chuột chết là được. Đây là thuốc đỉnh của đỉnh, không loại nào độc bằng. Thuốc Storm chỉ là hàng bán chơi nên mới bày la liệt dưới đất, còn gói này là hàng “độc” nên mới được đựng trong hũ nhựa”.

Tại một cửa hàng hóa chất diệt côn trùng khác trên đường Lạc Long Quân, quận 11, khi nghe hỏi về thuốc diệt chuột hiệu quả nhất, nhân viên lấy ra một ống nhựa, bên trong chứa dung dịch màu đỏ cam, không có nhãn mác, giá 50.000 đồng/ống. Khi được hỏi về thành phần thuốc, nhà sản xuất, nhân viên phải suy nghĩ một hồi mới nói sản phẩm có chứa tetramine, nhưng sợ dán nhãn có chữ tetramine sẽ bị phạt nên không dán. “Có tetramine thì chuột ăn vào mới chết ngay được, dùng các dòng khác thì chuột ít chết hoặc lâu chết. Khách quen đều hỏi mua dòng này” - nhân viên cửa hàng này nói. Trong khi đó, tetramine là chất cực độc, bị cấm sử dụng ở các nước cách đây 20 năm, kể cả Trung Quốc. 

Dọc các tuyến đường, có nhiều xe đẩy bán đủ loại thuốc diệt chuột với giá 10.000-25.000 đồng/sản phẩm, tùy loại. Đó là những hũ nhựa không nhãn mác, có khi chứa dung dịch màu vàng, có khi chứa bột trắng, không rõ thành phần. Khi hỏi nguồn gốc, nhiều người nói thẳng là hàng Trung Quốc. “Bán thực phẩm ăn uống mà nói hàng Trung Quốc thì người ta sợ, chứ thuốc diệt chuột mà nghe của Trung Quốc, nhiều người lại chuộng vì thuốc làm chuột chết ngay sau khi ăn, giá lại rẻ hơn các loại có thương hiệu” - một người bán hàng trên đường Cộng Hòa, quận Tân Bình, nói. 

Nhiều sản phẩm thuốc diệt chuột được quảng cáo là hàng ngoại nhập nhưng không có nhãn phụ. Cửa hàng mỹ phẩm trên đường số 9, quận Gò Vấp bán thuốc diệt chuột Dethmor của Nhật, nhưng do không có nhãn phụ nên không rõ thành phần. Tương tự, thuốc diệt chuột của Thái Lan cũng không có nhãn phụ, chỉ được gọi với tên “Ars Rat Killer”, giá 55.000 đồng/sản phẩm, trên bao bì sản phẩm lại ghi “Chemical Co.ltd China”. Cả hai loại thuốc diệt chuột này đều không nằm trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam theo Thông tư 10/2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, phần lớn sản phẩm thuốc diệt chuột đang có mặt trên thị trường đều có xuất xứ từ Trung Quốc, do một số doanh nghiệp Việt Nam nhập về rồi đóng gói, phân phối ra thị trường, như Forwarat, Killrat, Antimice 0,006 GB… Các sản phẩm này có hình dạng giống như kẹo, cốm với đủ màu sắc, dễ khiến trẻ nhầm là kẹo nếu cha mẹ không bảo quản kỹ. 

Năm 2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ký quyết định số 3435, loại bỏ thuốc bảo vệ thực vật có chứa bốn hoạt chất acephate, diazinon, malathion, zinc phosphide ra khỏi danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam.

Thuốc diệt chuột không nhãn mác có chứa chất cấm zinc phosphide
Thuốc diệt chuột không nhãn mác có chứa chất cấm zinc phosphide

Thiếu hướng dẫn xử lý bao bì, thuốc thừa, chuột chết

Theo quy định, thuốc bảo vệ thực vật trong nước, xuất khẩu, nhập khẩu phải ghi nhãn phù hợp với quy định về nhãn hàng hóa. Theo Tổ chức CropLife, việc ghi nhãn thuốc bảo vệ thực vật đúng theo quy định sẽ tránh được các nguy cơ, rủi ro của thuốc đối với môi trường, sức khỏe con người. 

Theo Thông tư 21/2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, có nội dung cần ghi trên nhãn thuốc bảo vệ thực vật (có cả thuốc diệt chuột), gồm tên, thành phần, hàm lượng hoạt chất, định lượng, số đăng ký, ngày sản xuất, số lô sản xuất, hạn sử dụng, xuất xứ, thông tin về tổ chức, cá nhân đăng ký, phân phối, hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản, thông tin về mối nguy, hướng dẫn các biện pháp sử dụng thuốc an toàn… 

Nhưng theo ghi nhận của chúng tôi, bên cạnh các sản phẩm không nhãn mác, các sản phẩm có nhãn mác cũng không có thông tin hướng dẫn thu gom, xử lý thuốc diệt chuột, không có bao gói đựng thuốc. Trên bao bì sản phẩm Forwarat 0,005 chỉ có các thông tin hướng dẫn cách đặt thuốc diệt chuột, vài dòng hướng dẫn cách bảo quản, kèm hướng dẫn “thuốc gây ngộ độc nếu nuốt phải, khi nuốt phải nên đưa đến cơ sở y tế”. Trên bao bì sản phẩm Antimice 0,006 GB, hướng dẫn “đeo găng tay, không ăn uống khi sử dụng thuốc; thu gom bả thừa đem chôn sau 3-4 ngày đặt bả; đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất cùng với nhãn thuốc gây ngộ độc” nhưng không hướng dẫn cách xử lý bao bì sản phẩm, cũng không có cảnh báo sản phẩm gây ngộ độc ra sao. 

Theo một kiểm nghiệm mới đây của Viện Pasteur TPHCM từ các mẫu chế phẩm diệt côn trùng của Trung Quốc, các hoạt chất trong các chế phẩm này đều tồn lâu trong môi trường, gây nhiễm độc đường hô hấp, có thể gây ung thư nếu tiếp xúc nhiều lần.  

Tiến sĩ - bác sĩ Lê Văn Nhân - nguyên Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM - cho biết thuốc diệt chuột nói riêng, thuốc diệt côn trùng hay động vật gây hại nói chung do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp phép nhập khẩu. Các quy định về sử dụng, thu gom thuốc không còn sử dụng, xử lý bao bì, xác chuột… là do ngành nông nghiệp hướng dẫn thực hiện. Ngành y tế chỉ tham gia khi có tình huống liên quan đến dịch bệnh.

“Ví dụ như đang có đợt dịch hạch, cần phải diệt chuột trên diện rộng thì ngành y tế sẽ thực hiện. Khi đó, ngành y tế sẽ hướng dẫn quy trình diệt chuột, cách thu gom, xử lý xác chuột. Tại TPHCM, khi nào ngành y tế tổ chức diệt chuột trên diện rộng thì xác chuột mới được thu gom, đưa đi tiêu hủy” - bác sĩ Nhân giải thích. Như vậy, trong trường hợp người dân tự diệt chuột tại nhà thì xác chuột sẽ không được xử lý đúng. 

Bà Lê Thị Nghiêm - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TPHCM - cho biết Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) quản lý việc cấp phép cho doanh nghiệp nhập khẩu, sản xuất thuốc diệt chuột. Chi cục chỉ quản lý các điểm kinh doanh về việc tuân thủ quy định, bao gồm giấy phép kinh doanh, điều kiện kinh doanh, sản phẩm đang kinh doanh. Bà thừa nhận, rất khó quản lý trường hợp bán hàng rong. 

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI