edf40wrjww2tblPage:Content
Ảnh: Huỳnh Mỹ Thuận
Giá thuốc trúng thầu thấp đến... khó hiểu
Đại diện một công ty dược lớn ở TP.HCM bức xúc: “Kết quả trúng thầu năm 2013 của chúng tôi tại một tỉnh ở miền Trung thua thê thảm so với các công ty ít tên tuổi. Nhiều mặt hàng thuốc khi chưa có kết quả trúng thầu đã biết rớt ở… vòng gửi xe. Cụ thể như thuốc có hoạt chất ibuprofen 400mg (dạng viên nén bao phim, hộp 20 viên); chúng tôi tham gia cạnh tranh thầu là 540đ/viên, nhưng một nhà sản xuất ít tên tuổi lại trúng giá 250đ/viên, thấp hơn cả giá thành chúng tôi sản xuất là 311đ/viên. Hay như thuốc có hoạt chất ciprofloxacin 500mg (dạng viên nén) cũng “rớt”, khi giá chúng tôi sản xuất đã là 698đ/viên, trong khi một công ty lại trúng thầu giá 574đ/viên...".
Đợt đấu thầu vừa qua tại một tỉnh ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, một công ty dược có tiếng cũng thua đậm trên sân nhà. Đại diện công ty này cho biết: “Hàng của chúng tôi không cạnh tranh nổi với hàng giá rẻ ở các nước châu Á. Đơn cử, thuốc có hoạt chất cetirizin 100mg (dạng viên bao phim), chúng tôi sản xuất giá gốc 164đ/viên và chỉ dám chào giá 165đ/viên nhưng vẫn “rớt”, vì hãng trúng thầu đưa giá "khó hiểu", 80đ/viên. Thuốc Omperazol dạng viên 20mg, sản xuất giá 427đ/viên, nhưng có nơi chỉ đấu với giá 275đ/viên"...
Tương tự, nhiều công ty có uy tín cũng kêu than dù đã chuẩn bị kỹ lưỡng nhưng vẫn “thua trắng”. Các doanh nghiệp dược có uy tín trong nước tiếp tục phập phồng, lo ngại sẽ “rớt đài” khi kết quả trúng thầu tại TP.HCM dự kiến sẽ công bố vào cuối tháng Ba này.
Quy định kỳ lạ
Vậy có hay không các công ty trúng thầu cạnh tranh bằng cách phá giá? Đại diện một công ty dược liên doanh với nước ngoài khẳng định: Trong đấu thầu thuốc, không có công ty nào đủ năng lực để phá giá, đặc biệt các công ty ít tên tuổi lại không thể chơi kiểu “châu chấu đá xe”. Vì nếu bỏ thầu giá thấp thì những lần đấu thầu tiếp theo, nhà sản xuất đó phải chào thầu với giá bằng hoặc thấp hơn lần đấu thầu trước đó. Liệu nhà sản xuất có dám bỏ thầu thấp để gom rủi ro về mình?
Thực tế, giá thuốc của các công ty Ấn Độ thấp hơn nhiều so với thuốc được sản xuất trong nước, vì sao? Thông tư 01 (số 01/2012/TTLT-BYT-BTC) về hướng dẫn đấu thầu mua thuốc trong các cơ sở y tế có quy định: “Hồ sơ mời thầu không được yêu cầu hoặc bắt buộc nhà thầu phải nộp giấy chứng nhận nguồn gốc nguyên liệu, tiêu chuẩn nguyên liệu, bản công chứng giấy phép lưu hành sản phẩm tại Việt Nam, tiêu chuẩn chất lượng và phương pháp kiểm nghiệm thành phẩm của thuốc...”. Đây quả là điều kỳ lạ vì trước đây, dù mỗi bệnh viện tự tổ chức đấu thầu cũng đều có đưa nguồn gốc nguyên liệu vào hồ sơ đấu thầu. Một chuyên gia về dược cho rằng, chính vì không có quy định điều kiện về nguồn gốc nguyên liệu nên các công ty uy tín của Việt Nam thua đậm trên sân nhà. Trong khi họ nhập nguyên liệu chủ yếu từ châu Âu, có giá gấp ba lần so với nguyên liệu ở châu Á. Theo chuyên gia này, nguyên liệu châu Âu được kiểm soát nghiêm ngặt, thuốc ít khi bị ảnh hưởng trong quá trình bảo quản.
PGS-TS-BS Trần Văn Bình, nguyên trưởng Khoa Huyết - Sinh học, Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TP.HCM cho biết: “Chất lượng của thuốc phụ thuộc vào nguyên liệu và phương pháp bào chế. Nếu nguyên liệu không kiểm soát được sẽ không thể biết thuốc đạt hiệu quả điều trị hay không. Khi điều trị cho người bệnh, bác sĩ chỉ kê đơn thuốc đã trúng thầu theo danh mục. Nếu sử dụng thuốc không đủ hàm lượng hoặc thuốc không đạt hiệu quả điều trị sẽ rất nguy hiểm".
Do ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh, mặt hàng thuốc phải được "siết chặt" chất lượng
Kiểm soát “phần ngọn”
Trước bức xúc của các hãng dược, Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư 37 (số 37/2013/TT-BYT) nhằm bổ sung, sửa đổi Thông tư 01, trong đó có bổ sung nguồn gốc nguyên liệu trong đấu thầu. Đại diện Sở Y tế TP.HCM băn khoăn: “Văn bản này ra đời vào ngày 11/11/2013, đến đầu năm 2014 mới có hiệu lực thi hành. Sở Y tế TP.HCM đã nhận hồ sơ mời thầu và có kết quả trúng thầu trước khi văn bản này ban hành nên danh mục thuốc đấu thầu cũng không cần ghi nguồn gốc nguyên liệu. Như vậy, sẽ thiệt thòi cho các nhà sản xuất nhập khẩu nguồn nguyên liệu từ châu Âu”.
Dù Thông tư 37 có đưa tiêu chí nguồn gốc nguyên liệu vào nhưng văn bản này cũng mới dừng lại ở các quy chế, quy định chung chung... và đang tiếp tục làm các nhà sản xuất trong nước đứng ngồi không yên. Lẽ ra, Bộ Y tế nên đưa ra các tiêu chí khắt khe để chọn ra được mặt hàng thuốc trúng thầu thuyết phục.
Thực tế, thuốc Việt Nam muốn xuất khẩu sang các nước thì đối tác đó sẽ đến tận nơi sản xuất xem xét: quy mô sản xuất, quy trình sản xuất... Trong khi thuốc ở nước ngoài muốn nhập vào Việt Nam chỉ cần trình Bộ Y tế giấy chứng nhận nhà thuốc đó đạt chuẩn tại nước sở tại. Rõ ràng, Bộ Y tế hiện mới chặn được các thuốc nhập từ nước ngoài không đạt chuẩn ở “phần ngọn”, tức là khi kiểm nghiệm phát hiện lô thuốc nhập khẩu đang lưu hành không đạt chuẩn thì lúc đó mới...xem xét.
Từ năm 2011-2013, trong 66 công ty nước ngoài có thuốc vi phạm chất lượng được phát hiện, thì có đến 45 công ty Ấn Độ. Nếu đấu thầu mà cứ nhắm vào giá, không siết chặt chất lượng thuốc, thì không chỉ khiến nhà sản xuất trong nước hạn chế năng lực cạnh tranh, mà còn ảnh hưởng xấu đến chất lượng điều trị cho bệnh nhân.
Văn Thanh