Tôi là đứa trẻ sinh ra từ làng, một vùng quê khắc nghiệt ở miền Trung, nghèo đến nỗi chỉ biết đội gạo đổi lấy con chữ.
Lũ chúng tôi là thế hệ đời đầu 8X, thời điểm giao thoa giữa cũ và mới. Hồi ấy, cả làng tôi chẳng ai được đi học mẫu giáo hay mầm non. Chúng tôi 5 - 6 tuổi là đã có thể thay cha mẹ trông nhà, chăm em, thổi cơm hay thậm chí là chăn vịt, nuôi lợn.
Cả làng tôi những năm tháng xưa cũ ấy, chỉ có mỗi một cô giáo dạy chữ. Người ta vẫn gọi là Cô Què - người phụ nữ tầm ngoài 30 tuổi, không chồng, không con và bị tật ở chân.
Thực ra, cô có một cái tên rất đẹp, Tôn Nữ Hoài Nhơn. Tôi vẫn nhớ như in cái ngày cha tôi dắt tay tôi đến nhà cô xin học chữ. Cô có nụ cười rất đẹp, dịu dàng đến lạ. Là đứa bé nhất, chưa đầy 5 tuổi, tôi rụt rè nắm chặt tay cha nhưng mắt sáng rỡ nhìn mấy gốc ổi với đào ngoài cửa sổ lớp học.
Những buổi học đầu tiên, cô dạy chúng tôi cách ngồi học sao cho đúng tư thế, dạy chúng tôi biết quý trọng sách vở, bút thước. Cô dạy chúng tôi đánh vần, học chữ bằng những câu đồng dao ngộ nghĩnh: “O tròn như quả trứng gà; ô thì đội nón: ơ thì thêm râu; huyền ngang, sắc dọc, nặng tròn; hỏi lom khom đứng, ngã thời nằm ngang”.
|
Hình ảnh cô giáo ngày xưa mãi không phai mờ trong tôi - Ảnh: Internet |
Tôi nhanh chóng trở thành học trò cưng của cô vì trí nhớ tốt, chăm học và học rất nhanh. Chỉ mới vỏn vẹn hơn 3 tháng, tôi đã thuộc hết mặt chữ cái, ghép vần và đọc được những câu thơ ngắn. Cô vui lắm, lại thưởng cho tôi mấy quả ổi chín, mấy quả đào.
Thế nhưng, điều tôi thích nhất là được theo cô dọn tủ sách. Cô có nhiều sách lắm. Những quyển sách được sắp xếp theo từng ô, gọn gàng ngăn nắp. Cô bảo với tôi rằng, sách là nguồn tri thức quý báu của con người. Sách giúp ta biết được những điều hay lẽ phải, hiểu thêm nhiều chuyện lạ, trau dồi cho tâm hồn chúng ta. Niềm yêu thích đọc sách của tôi được hình thành từ đó.
Khi bắt đầu có thể đọc được những dòng chữ dài, tôi xin phép cô cho mượn sách để đọc. Những quyển truyện đầu tiên mà tôi đọc là Hoàng tử bé, Nghìn lẻ một đêm, Truyện cổ Grim...
Sau này lớn lên, đi học trường chuyên của tỉnh, rồi tiếp xúc với những bạn học thành phố, tôi bắt đầu biết đến việc tặng quà cho thầy cô ngày Nhà giáo hay tết Nguyên đán. Tôi hồ hởi tự tay làm thiệp, rồi gói bánh chưng tặng cô. Tôi chỉ biết cô thích ăn bánh chưng xanh, nên ngày tết, tôi đã tặng cô ấy 5 chiếc bánh chưng và tự hào khoe là tôi tự làm.
Cô mỉm cười xoa đầu tôi: “Ngốc thật đấy, một mình cô làm sao ăn hết ngần ấy bánh chưng. Con vất vả rồi. Nhớ hồi bé, con lũn tũn đội mủng gạo lên đầu, thế mà bây giờ đã thành thiếu nữ rồi đây. Con ráng học cho giỏi. Mà tủ sách của cô đấy, nhiều sách văn học lắm. Con có thời gian thì ghé qua mang về nhà mà đọc”.
Những năm tháng cấp III của tôi đắm chìm trong những kiệt tác văn học kinh điển như Hội chợ Phù Hoa, Thằng gù nhà thờ Đức Bà, Tiếng chim hót trong bụi mận gai, Cuốn theo chiều gió… Ngày tôi biết tin mình đậu đại học, tôi nhảy cẫng ôm cô. Ngày tôi đi Sài Gòn học, cô dấm dúi cho tôi chiếc phong bì, tỉ mỉ dặn dò đứa trò nhỏ ráng giữ thân mình, đừng để chốn phồn hoa đô thị làm mờ mắt.
Đã hơn 20 năm trôi qua, những ký ức về người thầy đầu tiên ấy vẫn nguyên vẹn trong tim. Cám ơn cô, cám ơn cuộc đời đã cho tôi một thiên sứ ngập tràn yêu thương và ánh sáng.
Thạch Hà