Thủng ruột, uốn ván vì tăm tre

07/12/2018 - 10:00

PNO - Thói quen sử dụng tăm tre xỉa răng tiềm ẩn nhiều nguy hại cho sức khỏe. Đã có những trường hợp trẻ ngậm tăm rồi vấp té hay nuốt cả tăm.

Nghiêm trọng hơn, có người bị uốn ván do giẫm hoặc xỉa răng bằng tăm đã bị nhiễm vi trùng uốn ván. 

Mới đây, em Trần H.S. (14 tuổi, ở Tây Ninh) đã được bác sĩ Bệnh viện (BV) Đại học Y Dược TP.HCM cứu sống do tai nạn hy hữu: nuốt tăm xỉa răng. S. bị đau bụng âm ỉ và muốn ói. Sau khi được chụp CT-scan ổ bụng, các bác sĩ khoa Ngoại tiêu hóa phát hiện cây tăm dài 6cm nằm trong ruột của S. Cây tăm đã đâm thủng ruột non và tạo khối áp xe trong ổ bụng. S. cho biết, em có thói quen ăn nhanh, nuốt vội và ngậm tăm sau khi ăn. “Có thể trong lần ăn bún thịt nướng cách đây hai tuần, em đã nuốt chiếc tăm này mà không biết” - S. cho hay. 

Thung ruot, uon van vi tam tre
Chiếc tăm tre do em S. bất cẩn nuốt vào, gây thủng ruột và tạo khối áp xe

Ngay lập tức, S. được phẫu thuật nội soi lấy dị vật và cắt bỏ đoạn ruột bị thủng kèm khối áp xe quanh dị vật. Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Hữu Thịnh, Trưởng phòng Khoa học Đào tạo BV Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết: “Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, cây tăm sẽ tiếp tục làm thủng thêm những quai ruột khác, lan rộng tình trạng nhiễm trùng ổ bụng và gây viêm phúc mạc, nhiễm trùng huyết, thậm chí dẫn đến tử vong”.

Những cây tăm thường dùng hằng ngày còn có thể mang đến những nguy hiểm khác như bệnh uốn ván. Trung bình mỗi năm, BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM tiếp nhận hơn 250 ca uốn ván, trong đó có những trường hợp bị uốn ván từ tăm xỉa răng. Như bé gái chín tuổi, ở Q.8, TP.HCM, trong lúc chạy chơi đã giẫm phải cây tăm xỉa răng bằng tre. Một tuần sau, hàm của bé bị cứng, miệng không mở được to, sau đó cổ và lưng cũng bị cứng.

Gia đình đưa bé vào BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM, các bác sĩ làm các xét nghiệm và chẩn đoán bé bị uốn ván. Bác sĩ phát hiện dưới bàn chân trái của bé có một vết thương đang mưng mủ, dấu hiệu nhiễm trùng. Trong quá trình làm sạch vết thương, bác sĩ đã lấy ra một đầu tăm xỉa răng bằng tre. Có thể cây tăm đã mang vi trùng uốn ván. Tương tự, anh Nguyễn V.T. (33 tuổi, ở TP.HCM) cũng bị uốn ván và  “nghi phạm” là cây tăm xỉa răng có thể đã “dính” vi trùng uốn ván từ trước.  

Thung ruot, uon van vi tam tre
Một bệnh nhi bị uốn ván điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM. Ảnh: Phạm An

Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Hữu Thịnh khuyên: nếu lỡ nuốt phải tăm tre, người bệnh cần nhanh chóng đến BV gần nhất kiểm tra và nội soi đường tiêu hóa để lấy dị vật càng sớm càng tốt cũng như phát hiện những biến chứng kịp thời.

Để đề phòng bệnh uốn ván nói chung và uốn ván do nguyên nhân từ tăm xỉa răng, theo các bác sĩ, người dân nên chủ động chích ngừa uốn ván và khi có vết thương, phải nhanh chóng đến cơ sở y tế chích ngừa. Trẻ dưới sáu tuổi đã được tiêm uốn ván trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Còn trẻ trên bảy tuổi chưa tiêm lần nào và người lớn chưa từng tiêm thì vẫn có vắc-xin để tiêm ngừa.

Ngoài ra, hiện nay, trên thị trường có nhiều sản phẩm làm sạch răng như tăm tổng hợp, tự tiêu sau một khoảng thời gian; hoặc các loại tăm chỉ, chỉ nha khoa thay thế, vừa làm sạch được các mảng bám ở răng tốt hơn, vừa an toàn cho người sử dụng và cả người xung quanh. 

Thùy Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI