Thủng màng nhĩ do sơ sẩy

18/07/2016 - 07:09

PNO - “Thủng màng nhĩ trong tai nạn sinh hoạt có thể gây hậu quả khôn lường. Mỗi tháng, chúng tôi tiếp nhận khoảng 20 ca bị thủng màng nhĩ vì lý do như trên (chưa kể số ca thủng màng nhĩ do bệnh lý).

Nếu không kịp thời phát hiện và điều trị, bệnh sẽ biến chứng nghiêm trọng, nguy hiểm tới sức khỏe”, ThSBS Võ Quang Phúc, Phó giám đốc Bệnh viện Tai - Mũi - Họng TP.HCM cảnh báo.

Thợ hớt tóc chọc thủng tai khách

Tại phòng nội soi khoa Tai của BV Tai - Mũi - Họng ngày nào cũng có vài trường hợp bị thủng màng nhĩ. Đặc biệt, hơn 50% bệnh nhân thủng màng nhĩ do tai nạn trong sinh hoạt. Đối tượng bị thủng màng nhĩ chủ yếu là đàn ông.

Theo BS Phúc, tai được chia làm ba phần: ống tai ngoài, tai giữa và tai trong. Màng nhĩ và xương con nằm ở tai giữa. Ống tai ngoài có chức năng định hướng âm thanh, màng nhĩ trông như mặt trống sẽ rung động khi có âm thanh đi vào và khuếch đại âm thanh lên để chúng ta nghe rõ hơn. Trong sinh hoạt, màng nhĩ hay bị rách, thủng do các nguyên nhân sau: lấy ráy tai, bị tát tai, chấn động âm thanh lớn, yếu tố nghề nghiệp (thợ lặn dễ bị vì áp lực nước thay đổi). Tuy nhiên, theo ghi nhận của các bác sĩ, bệnh nhân tới điều trị thủng màng nhĩ vì nguyên nhân lấy ráy tai là nhiều nhất.

Mới đây, BV Tai - Mũi - Họng cấp cứu một nam giới bị tai nạn hy hữu. “Bệnh nhân tên là Q.H.V., SN 1982, ngụ tại Q.1, TP.HCM được chở tới bệnh viện trong tình trạng còn nguyên dụng cụ lấy ráy ghim sâu trong tai. Bệnh nhân chảy máu, đau đớn tới mức choáng lịm”, BS Khưu Minh Thái, người trực tiếp mổ cho anh V. kể.

Thung mang nhi do so say
Bác sĩ Phúc đang soi tai cho một bệnh nhân bị thủng màng nhĩ

Sau khi kiểm tra, các bác sĩ phát hiện nguyên nhân do thợ lấy ráy tai không hiểu về cấu trúc giải phẫu tai, thấy cục xương con ở tai giữa lại ngỡ là ráy bẩn, cố gắng moi móc làm phần xương bị lật ra ngoài, đầu móc của cây lấy ráy găm luôn vào đó. Anh V. giật mình kêu thét nên anh thợ phải ngưng lại và đưa nạn nhân đi cấp cứu.

Màng nhĩ của bệnh nhân tại thời điểm kiểm tra đã thủng (có lẽ vì thế người thợ hớt tóc mới móc sâu được vào tận phần xương con phía trong). Bệnh nhân lập tức được gây mê, giải phẫu lấy dị vật ra, vá lại màng nhĩ và phải nằm viện ba ngày. Dù đã hết lòng cứu chữa nhưng bác sĩ Thái nhận định về sau thính lực của anh V. vẫn bị ảnh hưởng, không thể nghe rõ như cũ.

Ù tai, nghe kém - Phải đi khám ngay

Các triệu chứng khi bị thủng màng nhĩ rất dễ nhận biết. Sau tai nạn bệnh nhân sẽ đau, nghe kém, ù tai (có tiếng vo ve như côn trùng kêu), nặng hơn nữa thì chảy máu tai, chóng mặt. Để chẩn đoán thủng màng nhĩ do chấn thương, về mặt lâm sàng các bác sĩ nhìn thấy màng nhĩ có lỗ rách, xung quanh bị sung huyết.

Màng nhĩ thủng nhỏ có thể tự lành sau một-hai tháng. Tuy nhiên trong thời gian này bệnh nhân cần được cho thuốc nhỏ, kháng sinh chống viêm nhiễm, không được đi bơi, lúc tắm phải nút tai lại nhằm giữ cho tai khô sạch.

Kể từ khi bị thủng màng nhĩ, một tháng sau mọi người nên đi khám, nội soi tai, đo thính lực để đánh giá lại khả năng nghe. Trong trường hợp màng nhĩ rách quá lớn, không thể tự lành, sau hai tháng bệnh nhân phải được vá màng nhĩ. Có hai cách vá màng nhĩ. Đối với lỗ thủng từ 2-3mm bác sĩ sẽ vá bằng loại giấy chuyên dụng (một số nơi dùng vỏ tỏi) nhằm tạo nền thúc đẩy màng nhĩ tự lành mau hơn.

Nếu lỗ thủng lớn hơn nữa thì sẽ vá bằng mảnh cân cơ thái dương ở vùng đầu của chính bệnh nhân. Mỗi ca vá màng nhĩ mất từ 15 phút - một tiếng tùy mức độ nặng nhẹ. Nhiều trường hợp thủng màng nhĩ, bệnh nhân chủ quan không đi khám, bị biến chứng viêm tai giữa nên chảy mủ tai làm lỗ thủng rộng thêm, dẫn tới nghe kém, điều trị gặp nhiều khó khăn.

Để phòng tránh thủng màng nhĩ trong sinh hoạt, BS Võ Quang Phúc cảnh báo tuyệt đối không tự ngoáy tai bằng dụng cụ cứng nhọn. Đặc biệt đừng đi lấy ráy tai ở tiệm hớt tóc, bởi thợ lấy ráy tai không qua đào tạo, thiếu am hiểu về cấu trúc của tai. Chưa kể dụng cụ lấy ráy tai kém vệ sinh, sử dụng chung đụng, làm lây nhiễm nấm tai và các bệnh nhiễm trùng nguy hiểm.

“Ở nước ngoài, thợ làm móng tay hay lấy ráy tai đều phải được đào tạo và có chứng chỉ. Thế nhưng dịch vụ lấy ráy tai ở nước ta toàn hoạt động tự phát, nghề dạy nghề. Tôi nghĩ, cần mở một lớp để tập huấn và cấp chứng chỉ lấy ráy tai, từ đó tránh các tổn thương đáng tiếc cho khách hàng”, bác sĩ Phúc nói.

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI