Thung lũng hoang vắng: Ở một vùng núi hoang vu nhưng ấm áp

19/11/2023 - 12:46

PNO - Bộ phim năm 2001 của nữ đạo diễn Phạm Nhuệ Giang và nhà văn, nhà biên kịch Nguyễn Quang Lập đưa ra một góc nhìn táo bạo, cảm thông và đầy tính nhân văn với những nhà giáo trẻ và học trò của họ ở một vùng núi hẻo lánh, khắc nghiệt.

Qua cú máy dài tinh tế của Nghệ sĩ nhân dân Lý Thái Dũng, Thung lũng hoang vắng mời người xem bước vào nhịp sống của vùng núi Sa Pa, cùng quan sát và suy ngẫm, đối thoại với thầy cô, học trò vùng núi và cả những người dân hồn hậu của xã Tả Giàng Phình, Lào Cai. Ở đó, chúng ta có dịp cùng thở, cùng vui, cùng ngậm ngùi trước muôn vàn câu chuyện của những người đến và ở lại vùng núi hoang vu lạnh giá nhưng luôn ấm áp tình người.

Nhân vật thầy giáo Tành của cố nghệ sĩ Nguyễn Hậu gây xúc động mạnh với người xem Nguồn ảnh: Youtube
Nhân vật thầy giáo Tành của cố nghệ sĩ Nguyễn Hậu gây xúc động mạnh với người xem Nguồn ảnh: Youtube

Dẫu cô đơn cũng không bỏ cuộc

Mở đầu phim, khán giả theo chân thầy hiệu trưởng Tành (Nguyễn Hậu) bắt đầu ngày mới. Trong chiếc áo thun màu cam, ông nhẹ nhàng kéo lá cờ Tổ quốc lên đỉnh cột cờ, để rồi vài phút sau, thầy Tành đã tươm tất hơn trong chiếc áo sơ mi tay dài màu xanh lam cùng quần kaki. Nhưng không phải để dự lễ chào cờ đầu tuần, ông đi đến từng lớp quan sát học trò, hốt hoảng khi lớp vắng 2 học trò, bèn chạy cuống lên tìm kiếm từng em, làm thay cả việc bán củi, cõng em mà cha mẹ học trò giao cho chúng.

Trong công cuộc đuổi bắt tìm kiếm của thầy Tành, phim phô bày không gian rộng lớn, xanh mướt của vùng núi Tây Bắc. Trong không gian đó, hình ảnh người thầy trở nên nhỏ bé vô cùng. Thầy Tành qua diễn xuất của cố nghệ sĩ Nguyễn Hậu hiện lên chân chất, lam lũ, tần tảo. Mọi sự dí dỏm, trăn trở của người làm phim về nghề giáo như được chất lên nhân vật hiệu trưởng có phần ngây thơ này. Ông trò chuyện với đồng nghiệp vô cùng thành thật: “Mình không biết dạy thì mình làm hiệu trưởng”, cười khà khà trước những khó khăn, bao dung trước bao sự bướng bỉnh, cô đơn của những cô giáo trẻ. Những cuộc trò chuyện, khuyên nhủ lũ trẻ miền núi đến trường của ông cũng giống như những người bạn cùng san sẻ khó khăn. 

Ông là thầy nhưng trên màn ảnh, ông giống như một người “thợ đụng”: bán củi giúp học trò, ngồi xuống làm vài cút rượu với cha của chúng để hiểu hoàn cảnh, lo chuyện đi chợ, cơm nước cho đồng nghiệp. Ông thầm yêu cô Giao (Hồng Ánh) nhưng không được đáp lại, bèn dùng rượu để giải tỏa vào những đêm ông biết người mình yêu đi tìm gặp người khác, để mặc cho cô giáo Minh (Tuyết Hạnh) quan sát, khóc thầm. Chỉ có 1 lần duy nhất ông quyết định từ bỏ sự hồn nhiên của mình. Đó là khi ông nhìn thấy cảnh cô Giao âu yếm Hùng...

Nhân vật Mị do diễn viên Thu Trang  (khi ấy mới 13 tuổi) thể hiện cho thấy sự  bướng bỉnh, nổi loạn của một cô bé tuổi mới lớn Nguồn ảnh: YouTube
Nhân vật Mị do diễn viên Thu Trang (khi ấy mới 13 tuổi) thể hiện cho thấy sự bướng bỉnh, nổi loạn của một cô bé tuổi mới lớn Nguồn ảnh: YouTube

Với những thước phim tài liệu, phóng sự về trường học, thầy cô giáo vùng núi trên truyền hình, người xem dễ nắm bắt được qua lời tự thuật rành mạch của nhân vật về tên tuổi, hoàn cảnh sống, khó khăn trong công việc. Thung lũng hoang vắng cho thấy ưu thế của một bộ phim điện ảnh khi để nhiều không gian cho khán giả tự quan sát, suy ngẫm và hy vọng về nhân vật. Chúng ta không rõ thầy Tành, cô Giao, cô Minh bao nhiêu tuổi; họ đến từ đâu; tại sao họ lại chọn gắn bó với môi trường khó khăn này... nhưng qua những buổi đi chợ, những bữa cơm của họ, những cuộc trò chuyện bị bỏ lửng giữa 2 cô giáo, những giọt nước mắt sau buổi rượu…, khán giả có thể nhanh chóng thấu cảm trước nỗi lo cơm áo gạo tiền, cảm phục trước việc họ cố gắng vui vẻ, hồn nhiên trao đi con chữ với đồng bào dân tộc thiểu số.  

Không như những bộ phim về nghề giáo khác, rất ít khung cảnh lớp học đồng thanh xuất hiện, mà những hình ảnh trong lớp học là những khó khăn và những câu chuyện đằng sau bục giảng. Thầy Tành, cô Minh và cô Giao vừa hồn nhiên như đứa trẻ được quà trước món cá khô, ngay sau đó lại tiu nghỉu, thở dài vì chưa được đãi ngộ xứng đáng. Nhiều chi tiết, phân cảnh được cài cắm khéo léo, khơi gợi cảm xúc của khán giả, như cảnh thầy Tành thưởng những muỗng đường cho lũ trẻ khi chúng học ngoan.

Giữa vùng đất hẻo lánh, heo hút, tình người với nhau được thể hiện kín đáo qua từng câu nói và cử chỉ. 3 nhà giáo, “nền móng” của ngôi trường, dành tình cảm cho nhau một cách lặng lẽ. Nỗi khao khát yêu thương là thứ giúp họ trụ vững trong cuộc sống mà hằng ngày không có nổi miếng ăn. Trong cuộc sống đó, cha mẹ lũ trẻ vẫn ngày ngày khuyên con bỏ học vì sợ chúng “khôn quá không còn là con người nữa”. Những lúc ấy, người thầy phải dùng sự hồn nhiên, xởi lởi, không vị lợi của mình để cầu mong các bậc cha mẹ hiểu rằng phải học để mở mang trước thế giới, để cuộc sống tốt hơn.

Góc nhìn tinh tế, táo bạo về tình yêu của người phụ nữ

Giữa chốn thiên nhiên rừng núi vừa thơ mộng vừa dữ dội, con người dường như không thoát khỏi sự nổi loạn của riêng mình. Bằng sự nhạy cảm, tinh tế của một phụ nữ, đạo diễn Phạm Nhuệ Giang đã khai thác một cách sâu sắc, mới mẻ hình ảnh một cô gái mới lớn và một phụ nữ trẻ. Đó là câu chuyện của Mị (Thu Trang) và cô giáo Giao.

Ở cái tuổi đang lớn, Mị chớm có những rung động khi nhìn thấy Hùng - một thanh niên đến vùng đất này để làm địa chất. Cô ngây người trước hình bóng anh đang tắm suối, đôi má đỏ hây đến ngây dại nhưng vài ngày sau, chính cô vỡ mộng khi nhìn thấy cô giáo Giao của mình yêu đương với Hùng ngay dòng suối. Sự ngây thơ của Mị bỗng chốc biến mất. Thay vào đó, cô cảm thấy tâm hồn bị vấy bẩn vì cảnh ái ân xa lạ trước mắt. Kèm với sự tức giận của đứa trẻ con, cô quyết vạch mặt cô giáo mình, khiến những đứa trẻ trong bản quay lưng lại với hành trình đi học của chúng.

Tình cảm thầm lặng và bao dung của thầy Tành dành cho cô Giao là điểm nhấn trong phim Nguồn ảnh: Saostar
Tình cảm thầm lặng và bao dung của thầy Tành dành cho cô Giao là điểm nhấn trong phim Nguồn ảnh: Saostar

Cách khai thác không lên gân, không đổ lỗi khiến khán giả khó lòng mà trách 2 cô trò. Mị không chọn nói với gia đình, chỉ lẳng lặng để lũ trẻ hùa theo. Mị cũng cho thấy rằng cô cũng có sự “khôn lanh”. Cô giáo Giao và Minh, dù có thể ngày ngày hết mình với bục giảng vẫn luôn đau đáu trước một cuộc sống tốt hơn. Làm sao có thể vui vẻ khi bụng còn chưa no? Họ cũng khao khát được yêu thương khi bị kìm kẹp trước những tiêu chuẩn truyền thống về phụ nữ. Cô giáo Giao, trước sự hấp dẫn nơi cậu sinh viên địa chất tên Hùng, lẳng lặng chọn sự yêu thương trong đêm tối, tại dòng suối. 

Còn cô Minh thầm yêu sự tần tảo, hiền hậu của thầy giáo Tành mà trót làm chuyện táo bạo giữa đêm khuya. Những phân cảnh này khi đưa lên màn ảnh đã vấp phải sự phản đối của một bộ phận bảo thủ. Nhưng suy cho cùng, chúng cho thấy đó là tình người, là đang giải bớt cái gông về sự “cao quý” mà cả xã hội đang áp lên những người làm nghề gõ đầu trẻ. Một cái kết có hậu khi những đứa trẻ đi học lại, hóa giải mọi uất ức.

Thung lũng hoang vắng là bộ phim duy nhất trong sự nghiệp diễn xuất mà cố nghệ sĩ Nguyễn Hậu đóng vai chính. Phim đoạt giải Bông sen bạc tại Liên hoan phim Quốc gia lần thứ XIII và giải Fipresci cho đạo diễn trẻ châu Á của Liên đoàn các Nhà phê bình phim quốc tế tại Liên hoan phim quốc tế Melbourne lần thứ 51 (năm 2002).

Tác phẩm cũng cho thấy sự lăn xả của dàn diễn viên, mở ra mối duyên điện ảnh giữa đạo diễn Phạm Nhuệ Giang và diễn viên Hồng Ánh sau này, với hình tượng nhân vật phụ nữ dịu dàng, hết lòng nhưng vô cùng nổi loạn, táo bạo trong tình yêu đôi lứa. Bên cạnh khung cảnh sắc nét của vùng núi Sa Pa, phim chinh phục khán giả nhờ tiếng kèn lá, tiếng nhạc cụ dân gian xuyên suốt phim. Phim cũng là bước ngoặt đổi đời của Thào A Dê - trong vai một cậu bé bỏ học để về nhà. Sau này, anh trở thành người đầu tiên của xã Tả Giàng Phình đậu đại học. 

Vĩnh Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI