Tháng 5/2024, phát biểu tại hội trường Quốc hội, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) cho rằng quy định về mức giảm trừ gia cảnh tính thuế thu nhập cá nhân "quá lạc hậu". “Lạc hậu” theo cách nói của bà Thủy là bởi, Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện nay quy định mức giảm trừ gia cảnh của người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng, mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu/tháng. Mức giảm trừ này được cho là quá thấp, không đủ tiền thuê người trông trẻ. “Sẽ có rất nhiều người dân phải thắt lưng buộc bụng thuộc diện phải nộp thuế thu nhập cá nhân" - bà Thủy nói.
Đã đến lúc sửa luật
Tại nhiều kỳ họp Quốc hội cũng như một số diễn đàn, rất nhiều đại biểu, chuyên gia đều cho rằng quy định về thuế thu nhập cá nhân đã không còn phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội. Bất cập là vậy, thế nhưng theo chương trình xây dựng pháp luật thì phải đến năm 2026, Luật Thuế thu nhập cá nhân thay thế mới dự kiến được xem xét thông qua. Tức là, người dân sẽ phải tiếp tục chờ đợi.
Mới đây, Bộ Tài chính công bố dự thảo tờ trình Chính phủ đề nghị xây dựng dự án luật thuế thu nhập cá nhân (thay thế). Cơ quan này cho rằng đã đến lúc sửa đổi quy định về mức giảm trừ gia cảnh. Tuy chưa nêu chi tiết về phương án điều chỉnh, nhưng cơ quan soạn thảo định hướng rằng “mức giảm trừ gia cảnh cần được nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng, đảm bảo phù hợp với sự biến động của giá cả cũng như sự gia tăng mức sống dân cư trong giai đoạn vừa qua, cũng như dự báo cho thời gian tới đây, đồng thời không làm giảm vai trò của chính sách thuế thu nhập cá nhân trong hệ thống thuế".
Cơ quan soạn thảo cũng nhận định biểu thuế hiện hành chưa hợp lý, quá nhiều bậc, giãn cách giữa các bậc quá hẹp dễ dẫn đến nhảy bậc thuế khi tổng hợp thu nhập vào cuối năm làm tăng số thuế phải nộp, số lượng phải quyết toán thuế tăng một cách không cần thiết trong khi số thuế phải nộp thêm không nhiều. Do đó, bộ này đề xuất cắt giảm từ 7 bậc (hiện nay là 5%, 10%, 15%, 20%, 25%, 30% và 35%) xuống mức phù hợp. Đồng thời xem xét nới rộng khoảng cách thu nhập trong các bậc thuế, đảm bảo điều tiết ở mức cao hơn vào những người có thu nhập ở bậc thuế cao.
Việc đề xuất sửa quy định về thuế thu nhập cá nhân đến nay mới được tiến hành, nhưng phần nào giải quyết được sự mong mỏi của người dân. Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Quản Minh Cường cho biết, hoàn toàn ủng hộ đề xuất của Bộ Tài chính. Theo ông, một sắc thuế có hợp lý hay không phụ thuộc vào công ăn việc làm, thu nhập của người dân, cũng như tương quan với GDP của cả nước. Khi điều kiện kinh tế - xã hội đã cải thiện, mức sống và thu nhập bình quân của người dân tăng, việc giảm thuế thu nhập cá nhân là điều cần thiết, thậm chí có thể kỳ vọng đến một giai đoạn nào đó không cần thu thuế thu nhập cá nhân nữa. Riêng về các bậc thuế, ông nhận định càng cụ thể thì càng thuận lợi cho quá trình triển khai, nhưng cũng có mặt trái là nếu thực tiễn thay đổi mà luật không kịp thời điều chỉnh thì sẽ phát sinh bất cập. Vì thế, ông cho rằng việc sửa đổi quy định cả về giảm trừ gia cảnh và bậc thuế thu nhập cá nhân cần có sự nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng.
Sửa thế nào để không còn “lạc hậu”?
Sửa luật về thuế thu nhập cá nhân không chỉ là mong mỏi chính đáng của người dân, mà còn là đòi hỏi không thể không thực hiện từ thực tiễn. Thế nhưng, sửa như thế nào để hài hòa giữa lợi ích của người nộp thuế, mục đích của sắc thuế này cũng như vai trò quản lý của Nhà nước? Sửa thế nào để không rơi vào tình cảnh luật vừa ban hành đã trở lên lạc hậu so với sự vận động không ngừng của đời sống?
Luật sư Hà Công Tâm (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng mức giảm trừ gia cảnh 11 triệu đồng như hiện hành là quá thấp. Nếu tính toán ở các thành phố lớn như Hà Nội hoặc TPHCM, mức thu nhập như vậy mới đảm bảo cuộc sống ở mức căn bản của một cá nhân, trong khi đòi hỏi về mức sống ngày càng cao. Ông đề xuất nâng cao mức giảm trừ hơn nữa, riêng ở các thành phố lớn như đã nêu nên ở khoảng 15 - 18 triệu đồng trở lên, đồng thời có thể nghiên cứu tăng mức giảm trừ đối với cả người phụ thuộc.
Đáng chú ý, ông đề cập tới quy định tại luật hiện hành, rằng trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cho phù hợp với biến động của giá cả. Thực tế cho thấy, nếu điều chỉnh theo chỉ số CPI thì sẽ rất lâu, không theo kịp sự thay đổi của kinh tế - xã hội cũng như nhu cầu cuộc sống.
|
Cán bộ Chi cục Thuế quận 6, TPHCM tư vấn thủ tục thuế cho người dân - Ảnh: Hoa Lài |
Ông Tâm đề xuất, thay vì căn cứ vào chỉ số này, có thể dựa vào mức lương tối thiểu vùng. Ví dụ, mức giảm trừ gia cảnh bằng 4 lần lương tối thiểu vùng, mỗi người phụ thuộc bằng 2 lần lương tối thiểu vùng. Mỗi lần lương tối thiểu vùng tăng, mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế cũng như người phụ thuộc sẽ tăng theo tỉ lệ tương ứng. Điều này vừa đảm bảo linh động, kịp thời điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn, vừa giúp việc điều chỉnh đơn giản hơn, không cần sửa đổi hoặc bổ sung bằng một dự án luật mới.
Đồng quan điểm, chuyên gia thuế Nguyễn Ngọc Tú cho rằng, điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh theo lương tối thiểu vùng thay vì chỉ số CPI sẽ là giải pháp phù hợp hơn. Lương tối thiểu vùng có sự khác biệt giữa các vùng, đồng thời điều chỉnh theo mốc thời gian nhất định, điều này giúp phân hóa thu nhập giữa các địa phương khác nhau, đồng thời tự động điều chỉnh theo cơ chế “nước lên thuyền lên”, “không cần xin ai, cũng không cần trình".
Vẫn theo ông Tú, biểu thuế thu nhập cá nhân hiện tại có 7 bậc, như vậy là quá dày, sẽ làm tăng gánh nặng với người nộp thuế. Bậc thuế dày đồng nghĩa với việc chuyển bậc rất nhanh, thu nhập chỉ cần tăng thêm một phần là sẽ bị chuyển lên bậc cao hơn, số thuế phải nộp vì thế cũng nhiều hơn. Ông đề xuất giảm số bậc thuế từ 7 xuống còn 5, mức thuế suất cao nhất là 35% hạ xuống tối đa 25%, các bậc còn lại sắp xếp cách nhau tỉ lệ cố định là 5%.
Chi Mai