Thuế thu nhập cá nhân ngày càng nhiều bất cập

07/09/2022 - 11:36

PNO - Thu nhập của người dân có xu hướng giảm, giá cả sinh hoạt tăng cao nhưng tổng thu thuế thu nhập cá nhân của ngành thuế lại rất lớn. Nhiều ý kiến cho rằng cần đẩy nhanh việc cải cách quy định về thuế thu nhập cá nhân hơn nữa.

Theo thông tin từ Tổng cục Thuế, trong năm 2022, cơ quan thuế dự kiến thu 118.075 tỷ đồng (tăng 4,1% so với năm 2021) thuế thu nhập cá nhân (TNCN) nhưng chỉ mới bảy tháng đầu năm, kết quả thu đã đạt 106.527 tỷ đồng (90,1% mức dự kiến). 

Nhiều ý kiến cho rằng, thuế TNCN thu được trong 7 tháng 2022 tăng kỷ lục bộc lộ rõ bất cập trong cách tính thuế này
Nhiều ý kiến cho rằng, thuế TNCN thu được trong 7 tháng 2022 tăng kỷ lục bộc lộ rõ bất cập trong cách tính thuế này

Theo kết quả khảo sát mức sống dân cư năm 2021 của Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân đầu người hiện giảm so với năm 2020 do tác động của đại dịch COVID-19. Thu nhập bình quân chung hiện nay là 4,205 triệu đồng/người/tháng, giảm 1,1% so với năm 2020; thu nhập bình quân ở khu vực thành thị là 5,388 triệu đồng/người/tháng, giảm 3,6% so với năm 2020. Trong bối cảnh đó, dù kết quả thu thuế TNCN cho ngân sách là tốt nhưng người làm công ăn lương, đang nộp thuế TNCN không thể không cảm thấy chạnh lòng.

Ông Nguyễn Thái Sơn - nguyên Trưởng phòng Thuế TNCN, Cục Thuế TPHCM - cho rằng đang có rất nhiều bất cập về thuế TNCN. Ví dụ cuối năm 2020, có hơn 31 triệu người lao động bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, phần lớn bị giảm thu nhập, giảm giờ làm, nghỉ luân phiên hoặc nghỉ việc hẳn. Nhưng, khi nhận trợ cấp thôi việc, họ vẫn phải đóng 10% thuế TNCN. Khấu trừ thuế TNCN trong điều kiện bình thường là hợp lý nhưng trong điều kiện dịch bệnh là bất hợp lý. 
Một bất cập lớn là mức giảm trừ gia cảnh. Sau 15 năm, mức giảm trừ gia cảnh chỉ được điều chỉnh hai lần. Năm 2013, mức giảm trừ gia cảnh tăng từ 4 lên 9 triệu đồng đối với người nộp thuế, từ 1,6 lên 3,6 triệu đồng đối với người phụ thuộc. Đến năm 2020, mức giảm trừ gia cảnh tiếp tục tăng lên 11 triệu đồng đối với người nộp thuế và 4,4 triệu đồng đối với người phụ thuộc. 

Với quy định này, một người có thu nhập 11 triệu đồng/tháng phải nộp thuế, còn nếu có một người phụ thuộc thì thu nhập trên 15,4 triệu đồng/tháng mới phải nộp thuế với thuế suất 15%. Mức thuế này được áp dụng từ năm 2020, khi vật giá chưa leo thang. Nhưng đến năm 2022, khi giá hàng hóa tăng từ 20 - 30% mà mức thuế này vẫn chưa được sửa đổi. 

“Người làm công ăn lương sẽ thấy bất bình khi tiền lương không tăng, vật giá tăng mà thuế TNCN vẫn bị thu đúng, thu đủ. Trong khi đó, một người bán hàng online với mức thu nhập bằng hoặc thậm chí gấp chục lần người làm công ăn lương vẫn không bị mất đồng thuế nào. Một số hộ kinh doanh có đông người lao động, doanh thu cao nhưng họ đăng ký là hộ kinh doanh cá thể, báo doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm thì chỉ đóng thuế khoán, không phải đóng thuế TNCN, dẫn đến khoản thất thu thuế không nhỏ. Tất cả đều do chính sách. Các quy định về thuế còn nhiều bất cập và chưa công bằng” - ông Nguyễn Thái Sơn nói.

Năm 2017, Bộ Tài chính từng thừa nhận rằng, một số quy định trong Luật Thuế TNCN không còn phù hợp, biểu thuế lũy tiến bảy bậc là quá nhiều, khoảng cách giữa các bậc là quá dày, làm tăng số thuế phải nộp. Nhưng đến nay, không rõ lý do gì, các quy định này vẫn y nguyên. 

Đầu tháng 3/2022, Bộ Tài chính lại lấy ý kiến góp ý sửa đổi Luật Thuế TNCN, tập trung vào đối tượng nộp thuế, mức thu nhập chịu thuế, mức thu nhập được miễn thuế, cơ sở tính thuế và cách xác định số thuế phải nộp, thuế suất, mức giảm trừ gia cảnh… Thế nhưng, đến nay, các ý kiến này vẫn chưa được trình Chính phủ để Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, sửa đổi. 

Hoa Lài

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI