Thuế Thu nhập cá nhân: Cần công bằng giữa người trong nước và người nước ngoài

24/05/2022 - 06:17

PNO - Các chuyên gia thuế cho rằng, trong lần sửa đổi Luật thuế Thu nhập cá nhân - đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến - này, cần khắc phục một số điểm chưa hợp lý trong việc tính thuế giữa người lao động trong nước và người lao động nước ngoài.

Anh Trần Đình Kiên - giáo viên tại một trường Anh ngữ ở quận 3, TPHCM - cho biết: Tổng thu nhập của hai vợ chồng khoảng 50 triệu đồng/tháng, sau khi trừ khoản giảm trừ gia cảnh, giảm trừ cho người phụ thuộc 30,8 triệu đồng, thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân (TNCN) của vợ chồng anh Kiên là 20,2 triệu đồng, số thuế phải nộp khoảng 4 triệu đồng/tháng.  

Còn chị Vân có chồng là người Hàn Quốc đang làm việc tại Việt Nam. Vợ chồng chị hằng tháng đều đóng thuế TNCN như vợ chồng anh Kiên. Tuy nhiên, điểm khác là do chồng chị Vân là người nước ngoài nên các khoản chi phí như học phí cho con, tiền khám chữa bệnh, tiền mua vé máy bay khứ hồi về Hàn Quốc không tính vào thu nhập chịu thuế TNCN.  

Một số điều của Luật Thuế TNCN chưa công bằng và hợp lý giữa lao động nước ngoài và trong nước. Ảnh chụp tại một Chi cục Thuế trên địa bàn TPHCM
Một số điều của Luật Thuế TNCN chưa công bằng và hợp lý giữa lao động nước ngoài và trong nước. Ảnh chụp tại một Chi cục Thuế trên địa bàn TPHCM

Luật sư Trần Xoa - chuyên gia thuế - nhận xét: Quy định này là không công bằng giữa người lao động trong nước và nước ngoài. Ông phân tích: Người lao động nước ngoài sang Việt Nam làm việc, có con theo học các trường tại Việt Nam, các khoản tiền học phí theo bậc học từ mầm non đến trung học phổ thông được doanh nghiệp nơi họ làm việc chi trả nhưng khoản này được phép không tính vào thu nhập chịu thuế TNCN của người đó. Hay hằng năm họ về nước nghỉ phép, tiền mua vé máy bay khứ hồi do doanh nghiệp chi trả nhưng khoản này cũng không đưa vào thu nhập chịu thuế TNCN. 

Trong khi đó, với người lao động trong nước, tiền đóng học phí cho con không được khấu trừ khi tính thuế TNCN. Quy định bất hợp lý và không công bằng này cần được sửa đổi vì hằng năm, tiền học cho con là một khoản không nhỏ, trong khi thu nhập của người lao động trong nước thấp hơn nhiều so với lao động nước ngoài. “Nên sửa theo hướng các khoản học phí đều phải được trừ khi tính thuế TNCN. Ví dụ, người lao động có con đang học bậc mầm non, tiểu học thì quy định mức học phí được khấu trừ là 1 triệu đồng/tháng/con; bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông thì 1,5 triệu đồng/tháng/con, đại học là 2 triệu đồng/tháng/con”, luật sư Trần Xoa đề xuất.

Luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty Luật ANVI - cho rằng thuế TNCN là nguồn đóng góp vào ngân sách lớn chỉ sau thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và thuế giá trị gia tăng. Trong khi thuế TNDN được điều chỉnh giảm 25% năm 2010 xuống còn 20% vào năm 2020 thì chính sách thuế TNCN đã 10 năm vẫn chưa điều chỉnh. Ông cho rằng cần phải tiếp cận sửa đổi luật theo hướng hợp lý, có tính đến điều kiện sống hiện nay của người lao động, chi phí thực tế, tránh cào bằng. Cần cho phép người lao động được khấu trừ các chi phí hợp lý, có hóa đơn như tiền thuê nhà, khám chữa bệnh, đóng học phí… cho con. Một chính sách thuế TNCN công bằng, hợp lý sẽ hạn chế được tình trạng trốn thuế, khuyến khích người dân.

Một số chuyên gia cho rằng Bộ Tài chính nên tham khảo một số quy định về khấu trừ chi phí khi tính thuế TNCN của các nước khác. Chẳng hạn Malaysia cho phép người nộp thuế được hưởng hơn 20 khoản giảm trừ khác, từ chi phí chăm sóc cha mẹ, tiền mua thiết bị hỗ trợ người thân khuyết tật, học phí cho bản thân đến chi phí y tế, vắc-xin...

Ở Thái Lan, người nộp thuế sẽ được trừ thu nhập từ tiền tác quyền, cho thuê nhà đất, tự doanh, tiền lãi vay mua nhà trả góp, tiền bảo hiểm nhân thọ, học phí cho con, làm từ thiện... trước khi tính thuế TNCN. 

Thanh Hoa

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI