Nắm “người có tóc”
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của người chịu thuế thu nhập cá nhân (TNCN) theo hướng, người nộp thuế TNCN sẽ được tăng mức giảm trừ gia cảnh từ 9 triệu lên 11 triệu đồng và người phụ thuộc tăng từ 3,6 triệu lên 4,4 triệu đồng. Căn cứ để tăng là do chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cuối tháng 12/2019 so với thời điểm 1/7/2013 đã tăng lên 23,2% (vượt mức 20% so với quy định).
Nhiều người cho rằng, mức nâng giảm trừ gia cảnh còn rất thấp khiến người dân phải nộp thuế nhiều hơn. Theo ông Nguyễn Thái Sơn - nguyên Trưởng phòng Thuế TNCN, Cục Thuế TP.HCM - mức lương của người Việt Nam ngày một tăng, số tiền nộp thuế cũng tăng; lẽ ra ngưỡng nộp thuế cũng phải tăng lên nhiều, đằng này ngưỡng nộp chỉ tăng lên có 2 triệu đồng khiến người dân phải nộp thuế nhiều hơn.
Năm 2019, GDP bình quân đầu người nước ta đạt khoảng 3.000 USD (tương đương 70 triệu đồng). Mức này tăng khoảng 90% so với năm 2013 là 1.960 USD (41,1 triệu đồng). Ngoài ra, chỉ số CPI tăng quá 20% theo quy định thì lương cơ sở trong những năm qua cũng đã tăng rất nhiều, kể từ năm 2013 là 1,15 triệu đồng/tháng, năm 2019 tăng lên 1,49 triệu đồng/tháng và đến 1/7/2020 tăng lên 1,6 triệu đồng/tháng.
|
Hầu hết các ý kiến cho rằng, với cách tính thuế thu nhập cá nhân mới dễ “tận thu” người bán hàng rong, người buôn bán nhỏ... trong khi bỏ lọt nhiều đối tượng có thu nhập cao |
Từ các phân tích trên, lẽ ra Bộ Tài chính nên lấy tốc độ tăng trưởng GDP để điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh chứ không nên đánh tráo khái niệm “dựa vào tốc độ tăng CPI”. Theo đó, mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế phải tăng gấp đôi so với hiện nay, tức một người có thu nhập bình quân khoảng 20 triệu đồng/tháng phải nuôi thêm một người phụ thuộc thì không phải đóng thuế TNCN, thay vì 11 triệu đồng đã phải đóng thuế như hiện nay.
Tương tự, trong năm 2013, thuế TNCN đã tăng từ 1,6 triệu đồng lên 3,6 triệu đồng/tháng cho người phụ thuộc (tương ứng tăng 125% cho người nộp thuế) thì nay cũng phải tăng ở mức này, tức con số tăng lên phải cao hơn 7 triệu đồng/tháng so với mức 4,4 triệu đồng/tháng mà Bộ Tài chính mới đề ra.
“Mức giảm trừ gia cảnh được đề xuất cào bằng giữa sinh viên mới ra trường và người lao động lâu năm, giữa vùng nông thôn và thành thị. Giá cả hàng hóa mỗi năm đều tăng, trong khi mức giảm trừ gia cảnh tới năm hoặc bảy năm mới điều chỉnh một lần, nhưng mỗi lần chỉ tăng lên 20% là không hợp lý” - chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển nhận định.
Cách tính thuế trên không chỉ tận thu với người làm công ăn lương mà còn tận thu với cả những người lao động tự do. Theo quy định hiện hành, cá nhân kinh doanh có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm sẽ phải nộp thuế giá trị gia tăng, thuế TNCN, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế tài nguyên (nếu có), thuế bảo vệ môi trường (nếu có), phí bảo vệ môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản (nếu có).
Ngoài ra, tùy thuộc doanh thu từ 100-500 triệu đồng/năm, cá nhân phải đóng thuế môn bài từ 300.000 - 1 triệu đồng/năm. Bà bán bánh mì, người chạy xe ôm cũng được xem là “cá nhân kinh doanh”, nếu thu nhập 100 triệu đồng trở lên/năm sẽ phải nộp thuế trên toàn bộ doanh thu với mức thuế 4,5% (trong đó 3% là thuế giá trị gia tăng và 1,5% là thuế TNCN). Đáng nói, chỉ cần doanh thu trên 100 triệu đồng, người kinh doanh phải nộp thuế trên toàn bộ doanh thu thay vì chỉ tính phần vượt mức trên.
Các chuyên gia tài chính cho rằng, ngưỡng chịu thuế 100 triệu đồng/năm là quá thấp. Với ngưỡng này, một người kinh doanh vỉa hè đạt doanh thu hơn 237.000 đồng/ngày - tương đương bán được 20 ổ bánh mì với giá 15.000 đồng/ổ - là phải nộp đủ loại thuế. Càng bất cập hơn khi người kinh doanh không được khấu trừ tiền mua nguyên liệu là bánh mì, thịt, rau hay trả công người phụ bán. Còn tài xế công nghệ thì không bao gồm giảm miễn trừ gia cảnh, không trừ chi phí xăng, khấu hao xe, đó là chưa kể mức thu nhập thực tế luôn thấp hơn mức ghi trên ứng dụng (do phải nộp về công ty 20%).
Ngưỡng chịu thuế 100 triệu đồng/năm đã áp dụng từ năm 2015 đến nay, vừa không công bằng, vừa bất hợp lý suốt thời gian dài khiến nhiều người dân bức xúc. Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài thương mại, Hội Luật gia Việt Nam - mức giảm trừ gia cảnh đã được nâng lên (mặc dù rất thấp) mà không thay đổi ngưỡng chịu thuế của cá nhân kinh doanh là bất cập. Cần phải sửa đổi ngưỡng chịu thuế này lên từ 150-200 triệu đồng/năm để phù hợp với mức tăng giá cả hiện nay.
Không thu được thuế từ giới có thu nhập “khủng”
Theo các chuyên gia, ngành thuế chỉ chăm chăm tận thu đối với người làm công, người lao động theo hợp đồng, nhưng lại bỏ ngỏ giới văn nghệ sĩ, người có thu nhập “khủng” từ mạng xã hội.
Chẳng hạn, theo báo cáo của năm ngân hàng, từ năm 2014-2017, có đến 18.903 tổ chức nhận thu nhập từ Google, Facebook, YouTube với số tiền 1.092 tỷ đồng và 17,8 triệu USD. Thế nhưng, Cục Thuế TP.HCM chỉ truy thu được khoảng 14 tỷ đồng từ 89 tổ chức, cá nhân có thu nhập “khủng” từ mạng xã hội, còn Cục Thuế TP.Hà Nội đến nay chỉ thu được khoảng 15 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Nam Bình - Phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM - lý giải, việc kiểm tra thuế TNCN của văn nghệ sĩ rất khó khăn, mất thời gian, cục thuế không đủ bằng chứng để chứng minh văn nghệ sĩ có kê khai đầy đủ thu nhập hay không. Đặc biệt, đối với văn nghệ sĩ chưa được cấp mã số thuế thì việc kiểm tra còn khó khăn hơn nhiều dù biết họ có thu nhập “khủng”. Nguyên nhân là do Luật Thuế TNCN và các văn bản quy phạm pháp luật không quy định cá nhân phải kê khai nghề nghiệp trong tờ khai nộp thuế hoặc thu thuế.
|
Luật thuế thu nhập cá nhân bộc lộ quá nhiều bất cập, đã đến lúc phải rà lại. Ảnh: Internet |
Ngày 1/7/2020 tới, Luật Thuế TNCN sửa đổi, bổ sung có hiệu lực thi hành. Khi đó, Cục Thuế TP.HCM mới có thể phối hợp với ngân hàng rà soát hóa đơn gửi/rút để nắm được những cá nhân có giao dịch “khủng”. Đồng thời các ngân hàng phải cung cấp số tài khoản theo mã số thuế của người nộp cho cơ quan quản lý thuế, có trách nhiệm phong tỏa tài khoản của người nộp thuế bị cưỡng chế…
Bên cạnh đó, còn một số cách thức xác minh các đầu mối để truy ra doanh thu gồm: đơn vị nào đứng ra mời quảng cáo sản phẩm, mức giá quảng cáo bao nhiêu; đăng tải bao nhiêu clip lên YouTube, những clip này có bao nhiêu lượt xem, được đơn vị nào quảng cáo và chi trả quảng cáo… Sau khi lên danh sách các chủ tài khoản, Cục Thuế TP.HCM sẽ chuyển cho các chi cục thuế giải quyết. Nhiệm vụ của các chi cục thuế là xác minh địa chỉ và mời những người có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm lên nộp thuế.
Ông Nguyễn Thiện Giang - Giám đốc VietABank chi nhánh TP.HCM - cho rằng, sở dĩ nhiều người “né” đóng thuế là do mức thuế họ phải đóng quá cao. Mức thu thuế nên được chia theo từng lĩnh vực, ngành nghề. Ví dụ, với hộ cá nhân buôn bán nhỏ thì nên nâng ngưỡng đóng thuế lên và hạ mức thuế phải đóng xuống; lĩnh vực sản xuất có lợi nhuận thấp có thể thu thấp, lĩnh vực thương mại có lợi nhuận cao hơn thì có thể thu cao. “Thời gian qua, các loại chi phí giáo dục, y tế, xăng, điện, nước, giá cả hàng hóa liên tục leo thang trong khi tiền lương thấp, mức đóng thuế mỗi năm lại tăng. Điều này đang vắt kiệt sức của người dân” - ông Giang nói.
Theo Tổng cục Thuế, số tiền nộp thuế TNCN của người làm công ăn lương liên tục tăng: năm 2016 là 49.152 tỷ đồng, năm 2017 là 59.264 tỷ đồng, năm 2018 là 73.500 tỷ đồng và năm 2019 là khoảng 79.000 tỷ đồng. Thuế TNCN đối với người làm công ăn lương tại Việt Nam gồm bảy bậc, từ 5-35% tùy theo thu nhập, trong khi Singapore có 10 bậc, mức đóng từ 0-22%.
Thanh Hoa