Thuế quan mới của Mỹ khiến các doanh nghiệp ở châu Á lao đao

06/04/2025 - 15:40

PNO - Trên khắp châu Á, các nhà sản xuất mang tâm trạng u ám sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố mức thuế quan mới vào ngày 2/4.

Công nhân tại nhà máy đồ chơi Qinfeng ở Sán Đầu, Trung Quốc - Ảnh: CECE WONG
Công nhân tại nhà máy đồ chơi Qinfeng ở Sán Đầu, Trung Quốc - Ảnh: CECE WONG

Đồ chơi Trung Quốc bớt hấp dẫn

Những hộp đồ chơi nhiều màu sắc vốn dành cho nhóm trẻ mới biết đi ở Mỹ vẫn nằm trong kho của cô Cece Wong ở Quảng Đông.

Cuộc chiến thuế quan leo thang nhanh chóng khiến một số nhà nhập khẩu từ Mỹ phải tạm dừng mua hàng từ Trung Quốc, đẩy những nhà xuất khẩu như cô Wong rơi vào tình trạng bấp bênh.

Cô Wong cho biết khi Mỹ tăng thuế đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc lên 10% vào tháng Hai và sau đó tăng gấp đôi vào tháng Ba, người mua từ Mỹ đã hoãn việc vận chuyển đồ chơi với hy vọng rằng "có thể thuế quan sẽ giảm".

Nhưng ngược lại, mức giá càng tăng vọt với mức thuế quan tăng thêm 34% kể từ ngày 9/4. "Các nhà nhập khẩu chắc chắn không có cách nào chấp nhận điều này" - giám đốc bán hàng 35 tuổi tại Qinfeng Toys nói với tờ The Straits Times.

Cô Wong cho biết tình trạng lấp lửng do thuế quan gây áp lực lên kho lưu trữ và tài chính của công ty.

Nhà máy của Qinfeng sản xuất một loạt đồ chơi, từ thảm hình gấu đến đồ chơi bồn tắm cho trẻ em, tại thủ phủ sản xuất đồ chơi Quảng Đông của Trung Quốc.

Qinfeng là một trong hơn 50.000 công ty đồ chơi có trụ sở tại quận Chenghai thuộc thành phố Sán Đầu. Ngành công nghiệp này sử dụng khoảng 1/3 dân số địa phương.

Ngũ cốc của Malaysia khó duy trì tại thị trường Mỹ

Công ty thực phẩm Malaysia NIMS Adeliciousz chỉ mới được thành lập vào năm 2019 nhưng đã thâm nhập được vào thị trường Mỹ vào năm 2023.

Theo giám đốc điều hành Tengku Norhanim Tengku Othman, đây là một bước đột phá lớn đối với công ty trẻ này vì Mỹ là "thị trường có tiềm năng tăng trưởng cao" đối với đồ ăn nhẹ ngũ cốc Chocotub của công ty.

Tuy nhiên, hiện tại công ty phải vật lộn với câu hỏi mà tất cả các nhà xuất khẩu sang Mỹ đang phải đối mặt - liệu có nên chịu thêm chi phí hay chuyển gánh nặng này cho người tiêu dùng sau đợt áp thuế mới nhất.

Chính quyền của Tổng thống Trump đã áp thuế 24% đối với tất cả hàng nhập khẩu của Malaysia – ngoại trừ một số chất bán dẫn nhất định – có hiệu lực từ ngày 9 tháng 4.

“Nếu chúng tôi chịu thêm chi phí, biên lợi nhuận của chúng tôi sẽ giảm, hạn chế khả năng đầu tư vào tiếp thị và mở rộng kinh doanh của chúng tôi” - cô Norhanim (34 tuổi) chia sẻ.

Cô nói thêm: “Trong ngắn hạn, chúng tôi dự đoán doanh số bán hàng tại Mỹ sẽ giảm nhẹ nếu chúng tôi điều chỉnh giá để ứng phó với việc tăng thuế. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn tin tưởng vào tiềm năng tăng trưởng dài hạn của thị trường Mỹ, vì chúng tôi tiếp tục xây dựng thương hiệu mạnh và tối ưu hóa chi phí”.

Trong khi các doanh nghiệp nhỏ của Malaysia có thể lo lắng, một công ty lớn như Top Glove – nhà sản xuất găng tay lớn nhất thế giới với công suất hàng năm là 50 tỷ đôi - tin rằng họ có thể tăng thị phần của mình tại Mỹ, nơi hiện chiếm 1/4 lượng xuất khẩu toàn cầu của họ.

Công ty đang phải đối mặt với mức thuế quan thấp hơn so với các đối thủ sản xuất găng tay tại các quốc gia như Việt Nam (46%), Thái Lan (36%), Trung Quốc (54%) và Indonesia (32%).

Tuy nhiên, Hiệp hội các nhà sản xuất găng tay cao su Malaysia vẫn lo lắng về khả năng vượt qua tác động của thuế quan cho toàn ngành nói chung và đưa ra lời kêu gọi các biện pháp hỗ trợ khẩn cấp từ chính phủ.

Giám đốc điều hành của NIMS Adeliciousz Tengku Norhanim Tengku Othman tại một hội chợ thương mại ở New York vào tháng 7/2024 - Ảnh: NIMS ADELICIOUSZ
Giám đốc điều hành của NIMS Adeliciousz Tengku Norhanim Tengku Othman tại một hội chợ thương mại ở New York vào tháng 7/2024 - Ảnh: NIMS ADELICIOUSZ

Xuất khẩu tôm từ Ấn Độ bị ảnh hưởng

Bối rối và lo lắng - đây là 2 cảm xúc chính mà ông G. Pawan Kumar đã trải qua vào ngày 3/4.

Một cơn bão thuế quan đã tấn công người đàn ông 52 tuổi này từ tận Nhà Trắng ở Mỹ, đe dọa làm đảo lộn hoạt động kinh doanh xuất khẩu tôm của ông có trụ sở cách đó hơn 13.000 km tại thành phố Visakhapatnam, thuộc tiểu bang ven biển Andhra Pradesh của Ấn Độ.

Cộng thêm thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp hiện hành khoảng 9% đối với tôm Ấn Độ, xuất khẩu của ông Kumar sang Mỹ đột nhiên phải chịu mức thuế quan cao khoảng 35%, mức thuế mà ông "chưa từng thấy" trong suốt sự nghiệp kéo dài khoảng 25 năm trong ngành thủy sản.

Ông Kumar - giám đốc điều hành của Sprint Exports Private Limited - cho biết: "Không có doanh nghiệp nào hoạt động với biên độ lợi nhuận 35%".

"Còn quá sớm để nói về tác động từ thuế quan của Mỹ, nhưng tất cả những gì tôi có thể nói là nó sẽ ảnh hưởng rất xấu đến chúng tôi" – ông nói thêm.

Thuế quan không chỉ ảnh hưởng đến Sprint mà còn ảnh hưởng đến toàn bộ ngành xuất khẩu tôm Ấn Độ. Khoảng 40% lượng tôm đông lạnh xuất khẩu của Ấn Độ được chuyển đến Mỹ, nước mua lớn nhất. Trong năm tài chính 2024, 2,34 tỷ USD tôm đông lạnh đã được vận chuyển đến Mỹ, chiếm hơn 90% lượng hải sản xuất khẩu của Ấn Độ là 297.571 tấn sang nước này.

Có những lo ngại rằng người tiêu dùng Mỹ có thể chuyển từ tôm Ấn Độ sang các lựa chọn rẻ hơn, chẳng hạn như tôm nhập khẩu từ Ecuador, một đối thủ cạnh tranh chính đã trở nên may mắn hơn với mức thuế quan 10%.

Việc đa dạng hóa sang các thị trường toàn cầu khác sẽ không dễ dàng đối với công ty Sprint hoặc ngành xuất khẩu tôm Ấn Độ nói chung vì họ phụ thuộc rất nhiều vào thị trường Mỹ.

Ông Kumar giải thích: "Việc tìm kiếm một thị trường khác cho 40% sản lượng không phải là điều dễ dàng... bạn không thể thay thế thị trường trong một sớm một chiều".

Hiện tại, các lựa chọn có vẻ khá hạn chế. Các nhà xuất khẩu Ấn Độ như ông Kumar sẽ phải chuyển chi phí cho người tiêu dùng tại Mỹ. Ông nói thêm: "Là một nhà xuất khẩu, tôi không thể chịu được mức thuế bất ngờ như vậy".

FnB Tech  - công ty xuất khẩu cà phê hàng đầu của Indonesia - đang đứng trước bài toán khó về thuế quan tại thị trường Mỹ - Ảnh: FnB Tech
FnB Tech - công ty xuất khẩu cà phê hàng đầu của Indonesia - đang đứng trước bài toán khó về thuế quan tại thị trường Mỹ - Ảnh: FnB Tech

Cà phê Indonesia hướng đến thị trường EU và Nhật Bản

Nhà xuất khẩu cà phê kỳ cựu Irfan Anwar không cần caffeine để giữ cho mình tỉnh táo, vì ông đã trải qua nhiều đêm mất ngủ khi phải suy ngẫm về hậu quả từ các mức thuế quan gần đây đối với hàng nhập khẩu của Indonesia vào Mỹ.

Công ty FnB Tech của Irfan Anwar có một lô hàng đến Mỹ sau khi mức thuế quan mới nhất có hiệu lực từ ngày 9/4.

“Chúng tôi hiện đang đàm phán với các đối tác của mình để xác định bên nào sẽ chịu thêm chi phí - người mua hay nhà xuất khẩu. Tôi dự đoán sẽ mất khoảng 2 tháng để giải quyết các vấn đề liên quan đến thuế quan đối với các nhà xuất khẩu cà phê Indonesia” – ông nhận xét

Việc xuất khẩu cà phê của Indonesia sang Mỹ sẽ bị ảnh hưởng bởi mức thuế nhập khẩu cao 32%. Điều này dễ dẫn đến nhiều bất ổn về giá cà phê, làm giảm nhu cầu khi người tiêu dùng uống ít cà phê hơn.

Ông Irfan, cũng là chủ tịch của Hiệp hội các nhà xuất khẩu và công nghiệp cà phê Indonesia, lưu ý rằng giá cổ phiếu của Starbucks đã bị ảnh hưởng sau khi chính quyền Tổng thống Trump áp dụng thuế quan đối ứng.

Cổ phiếu của Starbucks, công ty có trụ sở tại thành phố Seattle, sở hữu chuỗi quán cà phê lớn nhất thế giới, đã giảm 7% vào ngày 4/4 và giảm 11% trong năm 2025.

Theo trang web của Công ty Starbucks, họ lấy nguồn hạt cà phê từ Sumatra và Sulawesi Toraja cùng nhiều nơi khác.

Là một nhà xuất khẩu cà phê lớn tại Indonesia, FnB Tech cho biết Mỹ là thị trường lớn nhất của họ - chiếm gần 10% tổng kim ngạch xuất khẩu - tiếp theo là các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản.

Theo cơ quan thống kê của Indonesia, nước này đã xuất khẩu cà phê trị giá 1,62 tỷ USD vào năm 2024, trong đó 307,4 triệu USD (19%) thuộc về thị trường Mỹ.

Trong tương lai, FnB Tech sẽ tập trung nỗ lực vào việc xuất khẩu nhiều hơn sang các thị trường chính hiện có ở EU và Nhật Bản, đồng thời khai thác các thị trường mới ở các quốc gia khác.

Linh La (theo Straits Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI