Thuế quan mới của Mỹ có thể khởi đầu chuỗi suy thoái kinh tế

03/04/2025 - 17:28

PNO - Nhiều quốc gia trên thế giới và bản thân nước Mỹ có khả năng phải đối mặt với suy thoái kinh tế sau khi Tổng thống Donald Trump áp thuế nhập khẩu mới.

Tổng thống Trump tuyên bố thuế quan qua lại trong một sự kiện tại khu vườn hồng của Nhà Trắng vào ngày 2/4 - Ảnh: Brendan Smialowski/AFP qua Getty Images
Tổng thống Trump tuyên bố "thuế quan qua lại" trong một sự kiện tại khu vườn hồng của Nhà Trắng vào ngày 2/4 - Ảnh: Brendan Smialowski/AFP qua Getty Images

Áp lực toàn cầu

Olu Sonola - người đứng đầu bộ phận nghiên cứu kinh tế Mỹ tại tổ chức đánh giá tín dụng Fitch Ratings – nhận xét: "Đây là một bước ngoặt, không chỉ đối với nền kinh tế Mỹ mà còn đối với nền kinh tế toàn cầu. Nhiều quốc gia có khả năng sẽ rơi vào suy thoái".

Đánh giá của Sonolo được đưa ra sau khi ông Trump công bố mức thuế từ 10% đến 49% đối với hàng nhập khẩu từ tất cả các quốc gia duy trì mức thuế suất khác đối với hàng hóa từ Mỹ.

Sắc lệnh mới đưa trung bình mức thuế quan của Mỹ lên khoảng 22%, cao hơn nhiều so với mức 2,5% của năm 2024 và chưa từng xuất hiện kể từ những năm 1910.

"Bạn có thể loại bỏ hầu hết các dự báo kinh tế nếu mức thuế quan này được duy trì trong một thời gian dài" - ông Sonola viết.

Không rõ mức thuế quan này có thể kéo dài trong bao lâu. Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Scott Bessent trả lời Bloomberg trong một cuộc phỏng vấn rằng mức thuế quan do ông Trump đưa ra trong ngày 2/4 là "mức cao nhất, trừ khi có hành động trả đũa".

"Chúng ta hãy cùng xem mọi chuyện sẽ đi đến đâu" – Bộ trưởng Bessent cho biết.

Châu Á bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề bởi mức thuế mới. Nền kinh tế lớn nhất khu vực, Trung Quốc, phải đối mặt với mức thuế 54%, bao gồm 34% thuế quan mới công bố và các mức thuế hiện hành là 20%.

Các đồng minh của Mỹ là Nhật Bản và Hàn Quốc phải đối mặt với mức thuế quan bổ sung lần lượt là 24% và 25%. Ấn Độ phải đối mặt với mức thuế 26%.

Các nước Đông Nam Á vốn đã trở thành trung tâm chuỗi cung ứng cho các công ty đa dạng hóa hoạt động sản xuất từ ​​Trung Quốc nằm trong nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi mức thuế quan mới của Mỹ.

Việt Nam, Thái Lan, Indonesia và Malaysia phải đối mặt với mức thuế quan lần lượt là 46%, 36%, 32% và 24%.

Trong khi đó, ông Trump cũng đánh thuế thêm 20% vào Liên minh châu Âu, một đồng minh quan trọng.

Người tiêu dùng phải trả giá

Cổ phiếu Mỹ dao động bất thường từ đầu tháng Tư, trước thềm đợt áp thuế mới mà Tổng thống Donald Trump hứa hẹn.

Thị trường chao đảo sau khi công ty Goldman Sachs viện dẫn mức thuế quan để nâng tỷ lệ suy thoái trong năm 2025-2026 từ 20% lên 35%, đánh dấu sự gia tăng mới nhất trong nỗi lo về suy thoái trên Phố Wall trong những tuần gần đây.

Các chuyên gia cho biết chính sách đánh thuế trên diện rộng đối với hàng hóa nước ngoài có thể đẩy bản thân nước Mỹ vào suy thoái. Họ chỉ ra rủi ro suy thoái đối với các doanh nghiệp đang sa lầy trong chi phí thuế cao hơn, cũng như sự sụt giảm mua sắm khi người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu để tăng tiền tiết kiệm nhằm ứng phó với tình trạng giá cả tăng và suy thoái kinh tế có thể xảy ra.

Kara Reynolds - một nhà kinh tế tại Đại học Hoa Kỳ (thủ đô Washington) - nói với kênh ABC News: "Nếu cả doanh nghiệp và người tiêu dùng bắt đầu lo lắng và cắt giảm chi tiêu, thì đó chính là điều có thể đẩy nước Mỹ vào suy thoái".

Mark Zandi - nhà kinh tế trưởng tại tổ chức phân tích tài chính Moody's Analytics - mô tả mức thuế quan tiềm năng vào ngày 2/4 là "động lực cho suy thoái kinh tế".

Các chuyên gia thường định nghĩa suy thoái kinh tế bằng cách đo lường ngắn gọn về sự suy giảm tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong 2 quý liên tiếp, sau khi đã điều chỉnh theo lạm phát của một quốc gia.

Một số chuyên gia nói với ABC News rằng thuế quan có thể đe dọa tăng trưởng kinh tế và việc làm vì thuế đánh vào hàng nhập khẩu có nguy cơ làm tăng chi phí cho các doanh nghiệp phụ thuộc vào nguyên liệu thô từ nước ngoài.

Các chuyên gia dự đoán rộng rãi rằng các nhà nhập khẩu sẽ chuyển một phần gánh nặng thuế quan cho người tiêu dùng dưới hình thức giá cao hơn, điều này có thể khiến các công ty kém cạnh tranh hơn vì họ phải chật vật giữ chân những khách hàng bị sốc về giá cả.

Nếu hiệu suất kinh doanh bị ảnh hưởng, các công ty có khả năng sẽ đóng băng hoặc giảm đầu tư, đe dọa tăng trưởng kinh tế.

Anne Villamil - giáo sư kinh tế tại Đại học bang Iowa – nhận xét: "Khi đầu tư kinh doanh giảm, điều đó có thể gây ra suy thoái".

Các chuyên gia cho biết ngay cả nguy cơ thuế quan biến động cũng có thể làm người mua sắm lo lắng và khiến nền kinh tế suy thoái hơn nữa.

Chi tiêu của người tiêu dùng chiếm khoảng 2/3 hoạt động kinh tế của Mỹ. Vào tháng Ba, niềm tin của người tiêu dùng đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2021, theo một cuộc khảo sát do tổ chức The Conference Board thực hiện.

Tuy nhiên, theo một số chỉ báo chính, nền kinh tế Mỹ vẫn trong tình trạng vững chắc. Số việc làm mới vẫn ở mức mạnh cùng với tỷ lệ thất nghiệp thấp kỷ lục. Lạm phát vẫn thấp hơn nhiều so với mức đỉnh vào năm 2022, mặc dù mức tăng giá hàng hóa hiện cao hơn gần 1% so với mục tiêu 2% của Fed.

Tấn Vĩ (theo ABC News, Business Insider)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI