Anh Tâm đang làm bảo vệ tại một chung cư ở quận 9, TP.HCM với thu nhập hơn 4 triệu đồng/tháng. Do biết lái xe nên cuối năm 2016, anh xin nghỉ làm và thuê xe chạy Grab, vì nghe công ty quảng cáo chạy “tèng tèng” cũng thu nhập 30 triệu/tháng. Làm tài xế “xe hơi” đúng 3 tháng, anh nghỉ và phải bán luôn chiếc xe máy với giá hơn 6 triệu mới đủ bù tiền trả cho chủ xe, quay về làm bảo vệ.
Cày ngày cày đêm, thu 30 triệu mỗi tháng mới hòa vốn
Anh Tâm tính, tiền thuê xe 12 triệu mỗi tháng. Cứ mỗi sáng thức giấc là thấy “mất” 400.000 đồng nên bằng mọi giá cứ “mở mắt dậy là phải mở app chờ khách gọi”, anh Tâm cho biết.
Tài xế này cho biết thêm, chạy miệt mài từ sáng đến tối nếu được 1 triệu đồng thì dành 400.000 đồng trả tiền thuê xe, 200.000 đồng chi cho tổng đài. Còn lại chỉ 400.000 đồng trừ xăng xe, điện thoại, thuế thu nhập cá nhân, ăn uống trong ngày coi như hết. Ngày nào may mắn chở khách đi tỉnh, đi những tuyến đường xa thì có thu nhập khá, còn khách đi loanh quanh các đoạn gần, gặp kẹt xe thì coi như lỗ nặng.
“Nói thiệt tôi rất sợ đậu xe ở khu gần các trường đại học, khu vực nhiều văn phòng. Nhiều chuyến 5-6 khách đi đoạn đường 20.000-30.000 đồng. Xui đi vào các tuyến đường kẹt xe đã mất thời gian mà còn lỗ thêm tiền xăng”, anh Tâm nói.
|
Lợi nhuận không còn được như ban đầu, nhưng theo các tài xế, số lượng xe công nghệ vẫn tăng ào ạt, "mở app lên là thấy xe dày đặc nhiều hơn cả người có nhu cầu đi". |
Cầm cự 3 tháng, anh Tâm trả xe và đành bán luôn chiếc xe gắn máy cũ mới bù đủ tiền trả cho chủ xe, rồi quay lại công việc bảo vệ.
Anh Thuận, một tài xế ở quận Tân Phú, cũng chia sẻ khoảng cuối năm 2016 đến nay thu nhập của các tài xế chạy xe Uber, Grab giảm mạnh. Những người tận dụng xe nhà kiếm thêm thì “có ăn”, còn nhiều người thuê xe phải bù tiền để trả cho chủ mỗi cuối tháng.
“Có ngày tôi chạy sáng tới tối chỉ được 300.000-400.000 đồng. Sáng chạy ra đường gặp kẹt xe, loay hoay chạy một, hai cuốc ngắn đã tới trưa, chiều tối lúc cao điểm khách gọi thì cũng là cao điểm kẹt xe. Các chính sách hỗ trợ tài xế như ban đầu thì hãng cắt dần, cố đến mấy cũng không đảm bảo mức thu khoảng 30 triệu hàng tháng để không phải bù tiền nhà”, anh Thuận chia sẻ.
Tài xế Lê Thanh Thắng ở Thủ Đức khẳng định dân thuê xe chạy Grab và Uber dù cố chạy ngày chạy đêm cũng tới tháng thanh toán tiền thuê xe không đủ. Khách của anh đa số là nhân viên văn phòng, thường đón xe đi cự ly ngắn, thậm chí có người đi chỉ phải trả phí hơn 10.000 đồng.
“Kia Morning xin đừng đón em”
Anh Hòa, nhà ở phường Tăng Nhơn Phú, quận 9 cũng đang thuê chiếc xe Kia Morning chạy dịch vụ Grab, kể trước đây anh chạy taxi cho hãng Vinasun. Thấy nhiều người kiếm tiền quá dễ dàng với khi chạy Uber, Grab, anh xin nghỉ và gia nhập Grab bằng việc chi mỗi tháng 11 triệu thuê chiếc xe “bình dân nhất”.
Tuy nhiên, chỉ 2-3 tháng đầu đắt khách, thu nhập đều khoảng hơn 20 triệu/tháng (có cả tiền hỗ trợ của hãng), thì số thu giảm dần. Đau khổ nhất với anh là ngày càng nhiều xe sang tham gia, khách bắt đầu so sánh chuộng đi xe sang, “lơ” xe bình dân.
“Tôi liên tục nhận được những cuốc đặt xe kèm dòng ghi chú ‘Kia Morning xin đừng đón em’. Sáng mở hàng mà gặp những cuốc đặt xe kiểu này coi như nản cả ngày”, anh Hòa nói.
Giai đoạn đầu năm 2015 đến giữa 2016 là thời kỳ đỉnh cao của loại hình chạy xe Uber. Khi đó người tiêu dùng bắt đầu biết đến loại hình xe này và sử dụng nhiều. Giá xe chạy Uber rẻ, liên tục có khuyến mãi, phần mềm lại tiện lợi nên được nhiều người lựa chọn.
Mở app lên là thấy xe dày đặc
Uber cũng liên tục có những chính sách và trả công rất hậu hĩnh cho chủ xe. Như lái xe chạy trên 40 chuyến hoặc 50 chuyến/ngày thì được thưởng 1,2-1,5 triệu đồng; trợ giá một số đoạn đường ngắn. Nếu tài xế chạy được trên 5 chuyến trong khung giờ buổi trưa từ 12-14h thì được thưởng ngay lập tức 200.000 đồng…
|
Từ khi dịch vụ kết nối vận tải thông qua ứng dụng trên điện thoại di động, máy tính bảng ra đời, các loại hình như Grab, Uber và xe dưới 9 chỗ phát triển quá nóng, phá vỡ quy hoạch taxi tại TP.HCM. Ảnh: TN |
Nhờ đó, một lượng lớn các tài xế bị thu hút vào loại hình vận chuyển mới mẻ này. Ông Đặng Việt Dũng, Giám đốc Uber Việt Nam, từng chia sẻ tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp này tại Việt Nam cao thứ 2 thế giới (chỉ sau Trung Quốc).
Không chỉ những người có xe nhàn rỗi mà còn nhiều người còn quyết định mua xe mới để kinh doanh.
Ra mắt sau Uber, Grab cũng không chịu kém cạnh đối thủ khi liên tục có chính sách chiêu mộ tài xế, hỗ trợ khách hàng.
Grab đưa ra quảng cáo thu nhập lên tới 35 triệu mỗi tháng với ôtô nhàn rỗi. Cụ thể, hãng này cho biết thu nhập tài xế "trung bình 26-33 triệu khi hoạt động toàn thời gian mỗi tháng, và sẽ đạt đến 35 triệu/tháng trong mùa cao điểm như mùa mưa, lễ tết".
Nhưng theo các tài xế, tiếng là thu nhập 30-40 triệu nhưng trừ hết các chi phí thì phần còn lại cũng trên dưới 10 triệu đồng mỗi tháng.
Khoảng nửa năm trở lại đây, lợi nhuận từ chạy Uber không còn hấp dẫn do sự cạnh tranh quá lớn giữa các tài xế. Các chính sách hỗ trợ tài xế cũng cắt dần. Lượng xe tăng lên nhanh chóng, nói như một tài xế chạy xe ở khu vực trung tâm quận 1: “Mở app lên là thấy xe dày đặc. Tài xế chạy Grab, Uber còn đông hơn khách đi”.
Dịch vụ vận tải hành khách thông qua mạng Grab và Uber đã nhanh chóng vượt mặt taxi, trở thành sự lựa chọn của người tiêu dùng TP.HCM. Nhưng sự phát triển nhanh chóng của Grab và Uber, khiến số lượng ôtô dưới 9 chỗ lưu thông trên đường phố tăng nhanh, đang phá vỡ quy hoạch taxi của TP.HCM.
Từ năm 2010, thành phố đã “chốt” số lượng taxi. Tính đến hết năm 2016, số taxi vẫn kiềm chế ở mức ổn định với 11.060 xe.
Tuy nhiên, theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, tính đến ngày 15/11/2016, Sở đã cấp phù hiệu xe hợp đồng cho 15.344 xe 9 chỗ trở xuống. Như vậy tổng lượng ôtô dưới 9 chỗ hoạt động trên địa bàn TP.HCM lên tới 26.404 xe. Lượng xe này không chỉ phá vỡ quy hoạch taxi mà còn áp lực mạnh lên hạ tầng giao thông, đẩy thành phố vào tình trạng kẹt xe nghiêm trọng.
|
Hồng Ân