Theo đó, hàng ngàn mặt hàng, trong đó có nhiều loại nông sản, thực phẩm, hàng tiêu dùng… nhập vào Việt Nam sẽ không còn phải chịu thuế, tạo nên sức ép lớn cho các nhà sản xuất trong nước về giá thành, chất lượng, nhưng mở ra cho người tiêu dùng nhiều cơ hội mua được hàng giá rẻ, chất lượng cao. Liệu hàng Việt có trụ nổi trước sức ép đó?
|
Thuế nhập khẩu dồn dập về 0% mở ra cho người tiêu dùng nhiều cơ hội mua được hàng giá rẻ, chất lượng cao. |
Nhiều mặt hàng tiêu dùng và thực phẩm không còn phải chịu thuế
Theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), từ ngày 1/1/2018 tới, có thêm 7% dòng thuế sẽ được cắt giảm về 0%, nâng tổng số dòng thuế cắt giảm về 0% lên 97% số dòng thuế hàng hóa từ các nước ASEAN nhập vào Việt Nam (VN). Đáng chú ý là nhóm các mặt hàng thực phẩm phổ biến như kẹo, sô-cô-la, bia đen, bia nâu, rượu vang và rất nhiều loại rượu khác; muối ăn, muối mỏ…
Các dòng sản phẩm (SP) gia dụng từ nhựa, đồ da, vải dệt, khăn giấy, gạch ngói… cũng sẽ được dỡ bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu. Tính đến nay, sau 3 năm, nhiều loại thuế áp vào các mặt hàng nông sản, thực phẩm, hàng hóa tiêu dùng… trong khối ASEAN giảm về 0%, nông sản từ Thái Lan nhập về các chợ đầu mối tại TP.HCM đã chiếm đến hơn 57% lượng rau quả nhập khẩu, gần như đã đánh bại nông sản giá rẻ từ Trung Quốc, vốn tràn ngập thị trường từ nhiều năm trước.
Một doanh nghiệp (DN) sản xuất chế biến cà phê tại tỉnh Bình Dương cho biết, ngành hàng của ông đang rất lo khi thuế các dòng SP cà phê từ 5% về 0%, vì sẽ bị cạnh tranh trực tiếp từ nguồn cà phê của Indonesia. Phần lớn cà phê VN xuất khẩu dưới dạng nhân thô nên chắc chắn ở phân khúc cà phê chế biến, thị trường sẽ rất khốc liệt.
Một hiệp định khác cũng đang khiến không ít ngành hàng sản xuất trong nước lo lắng là Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN - Trung Quốc (ACFTA). Theo hiệp định này, giai đoạn 2015-2018, VN phải cắt giảm thuế suất của tất cả các mặt hàng theo danh mục thông thường về 0%; danh mục nhạy cảm cao về 50%.
Như vậy, sẽ có 588 dòng thuế giảm thuế suất xuống 0% so với năm 2015-2017; trong đó có các nhóm SP thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của gia cầm, lá trà, hạt giống, hạt ăn được như hướng dương, một số loại bánh, kẹo, sô-cô-la, bia, vật liệu xây dựng, một số dòng thuốc chữa bệnh và kháng sinh… những nhóm hàng vốn có sức tiêu thụ mạnh tại VN, đặc biệt trong các dịp lễ tết.
Doanh nghiệp Việt “nháo nhào” tìm cách ứng phó
Thực tế, một số ngành hàng VN gần như đã “giương cờ trắng” từ nhiều tháng trước. Cụ thể, theo ông Nguyễn Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường VN, việc bãi bỏ thuế có thể khiến nhiều nhà máy đường trong nước phá sản vì giá thành sản xuất đường trong nước cao hơn hẳn các nước trong khu vực, đặc biệt là Thái Lan.
Từ 2 tháng nay, nhiều nhà sản xuất thực phẩm, nước giải khát trong nước gần như đã ngưng mua đường từ các nhà máy VN, chờ sang ngày 1/1/2018 sẽ mua đường giá rẻ từ các nước. Vì thế, lượng đường tồn kho tại các nhà máy trong nước quá nhiều, chấp nhận bán dưới giá thành cũng vẫn “ế”.
|
Ngành mía đường trong nước đang tìm cách đối phó với đường giá rẻ nhập khẩu sau khi hàng rào thuế quan được dỡ bỏ. Ảnh: Đăng Thư |
Theo đại diện ngành đường, dự báo mức độ cạnh tranh khốc liệt từ đường Thái Lan, Indonesia… khi dỡ bỏ thuế nhập khẩu đường trong khối ASEAN, đồng thời không còn khống chế hạn ngạch giữa các nước trong khối, Tập đoàn Thành Thành Công (TTC) đã sớm “bắt tay” với KIDO bằng một thỏa thuận hợp tác chiến lược từ ngày 1/1/2018.
Theo đó, TTC sẽ sản xuất, phân phối các SP khác ở tất cả các kênh sẵn có của mình; đồng thời cung ứng đường Biên Hòa Daily để KIDO phân phối trên hệ thống hơn 200 nhà phân phối và 450.000 điểm bán lẻ của KIDO, với những cam kết về doanh số hằng năm cụ thể. Giai đoạn tiếp theo, TTC sẽ thực hiện bảo trợ, nhượng quyền cùng KIDO phát triển thêm các dòng SP mới theo nhu cầu thị trường.
Theo giới kinh doanh đường, đây là một bước đi khôn ngoan vì TTC hiện có hơn 200.000 điểm bán khắp 63 tỉnh, thành, sau khi hợp tác với KIDO, hệ thống phân phối sẽ mở rộng thêm hơn 400.000 điểm bán. TTC muốn SP của mình hiện diện ở từng điểm bán lẻ từ Bắc chí Nam trước khi đường của Thái Lan hay Indonesia tham gia thị trường VN.
Chúng tôi đã thử đặt vấn đề cạnh tranh khi thuế nhập khẩu đã về 0% với các hãng sữa VN, nhưng chỉ nhận được sự né tránh. Phải chăng ngành hàng này đang “bí lối”?
Theo các chuyên gia ngành sữa, các nước trong khu vực ASEAN không có thế mạnh về sữa như VN, do điều kiện khí hậu của VN lý tưởng hơn cho việc chăn nuôi bò sữa.
Tuy nhiên, họ có thể nhập khẩu sữa nguyên liệu từ Australia hay New Zealand để được hưởng thuế 0% và bán cho VN.
|
Thực tế, đã có công ty dù sản lượng sữa xuất khẩu không nhỏ nhưng vẫn phải “vật vã” cạnh tranh với sữa ngoại ngay tại thị trường trong nước, phải chọn thị trường “ngách” là đẩy mạnh SP về nông thôn - nơi sữa ngoại chưa “với” tới được.
Theo nhận định của một số chuyên gia kinh tế, ở góc độ cạnh tranh, việc hội nhập luôn đem lại lợi ích cho tất cả các bên. DN trong nước đã, đang và sẽ phải cạnh tranh liên tục với DN các nước vì SP thế mạnh từ các nước còn tiếp tục vào thị trường VN. Ở chiều ngược lại, những SP có lợi thế cạnh tranh của VN cũng đang được các nước cho hưởng nhiều ưu đãi, việc mở rộng xuất khẩu rất thuận lợi.
Ông Phạm Thành Kiên - Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM, đánh giá: “Trong cạnh tranh với DN sữa nước ngoài, DN sữa VN cũng có nhiều lợi thế; nhưng đúng là khó tránh những thách thức lớn từ sữa ngoại”.
Theo các chuyên gia ngành sữa, các nước trong khu vực ASEAN không có thế mạnh về sữa như VN, do điều kiện khí hậu của VN lý tưởng hơn cho việc chăn nuôi bò sữa. Tuy nhiên, họ có thể nhập khẩu sữa nguyên liệu từ Australia hay New Zealand để được hưởng thuế 0% và bán cho VN.
Ngoài câu chuyện về thuế, vấn đề còn ở quy mô và chi phí sản xuất, chi phí kinh doanh của mặt hàng sữa. Các DN trong nước cần có những điều chỉnh để có thể hạ giá thành SP, đồng thời đẩy mạnh sữa VN vào thị trường ASEAN.
Theo đánh giá mới nhất của BMI Research, thị trường sữa Việt Nam đang trải qua giai đoạn bùng nổ xét cả về sản xuất và chế biến. Triển vọng đầy hứa hẹn của ngành sữa Việt Nam đã hấp dẫn nhiều đối thủ trong và ngoài nước, khiến sự cạnh tranh trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết.
Lượng cầu các sản phẩm sữa có giá trị cao cũng sẽ tăng mạnh do dân số trẻ và số người thuộc tầng lớp trung lưu ở các đô thị tăng, vì các đối tượng này thường có nhu cầu trải nghiệm những sản phẩm mới.
|
Đăng Thư - Nguyễn Cẩm