Thuê người làm “cha mẹ đồng hành” với con cái

21/08/2024 - 06:15

PNO - Tại Trung Quốc, nhiều cặp vợ chồng thuê những người làm dịch vụ “cha mẹ đồng hành” thay mình chăm sóc con, giúp chúng học hành. Tại Mỹ, phụ huynh thuê người mua sắm đồ dùng trong phòng ký túc xá cho con, dọn giường và giặt quần áo khi chúng đi học xa nhà.

Nhu cầu cao

Kết quả một báo cáo phỏng vấn hàng trăm người đang làm công việc “cha mẹ đồng hành” trên mạng xã hội Xiaohongshu (Trung Quốc) cho thấy, hầu hết họ đều tốt nghiệp các trường đại học danh tiếng, chẳng hạn như Harvard, Cambridge, Thanh Hoa, Đại học Bắc Kinh... Họ có bằng cấp từ thạc sĩ trở lên, thông thạo nhiều ngôn ngữ, giỏi chơi thể thao và cũng có kiến ​​thức chuyên môn về tâm lý trẻ em. Không giống công việc của gia sư và bảo mẫu, những “cha mẹ” này tham gia sâu vào cuộc sống hằng ngày và cảm xúc của trẻ. Nhiệm vụ của họ bao gồm đưa trẻ đến gặp bác sĩ, hướng dẫn làm bài tập về nhà, đi du lịch cùng trẻ và quản lý nhu cầu cảm xúc của trẻ, đáp ứng hầu như mọi thứ vốn được xem là trách nhiệm của cha mẹ theo quan niệm truyền thống.

Song Siyu - một “người mẹ đồng hành” ở Trùng Khánh - cho biết, giờ làm việc của cô là từ 5g30 sáng đến 20g30 tối các ngày trong tuần. Trong thời gian đó, cô giúp trẻ làm bài tập về nhà, đưa trẻ đi chơi bóng đá, đấu kiếm hoặc bơi lội. Mức lương hằng tháng của cô từ 1.400-4.200 USD.

Dịch vụ “cha mẹ đồng hành” ở Mỹ giúp hỗ trợ hiệu quả những sinh viên ở xa gia đình - Ảnh minh họa: Ariel Skelley (Getty Images)
Dịch vụ “cha mẹ đồng hành” ở Mỹ giúp hỗ trợ hiệu quả những sinh viên ở xa gia đình - Ảnh minh họa: Ariel Skelley (Getty Images)

Đài truyền hình quốc gia CCTV đưa tin, những “cha mẹ đồng hành” thường được các gia đình thuê trực tiếp từ mạng xã hội. Hầu hết khách hàng được cho là những gia đình trẻ giàu có, bận rộn với sự nghiệp và muốn tìm kiếm nền giáo dục tốt nhất cho con cái. Nhiều phụ huynh trong số này thích thuê người chuyên nghiệp hơn là nhờ ông bà chăm sóc cháu. Một “người mẹ đồng hành” tên Shura cho biết: “Các bà mẹ đồng hành đang thống trị ngành này, vì việc nuôi dạy con cái phần lớn vẫn được coi là vai trò của phụ nữ. Các gia đình thường chỉ chọn “người cha đồng hành” khi muốn con mình phát triển thể chất, nhưng phần lớn nghĩ rằng nam giới không phù hợp để chăm sóc trẻ em gái”.

Pan Lan - một chuyên gia giáo dục gia đình ở tỉnh Hồ Bắc - nhận xét: “Những “cha mẹ đồng hành” không thể thay thế được tình cha mẹ thực sự. Sự phát triển lành mạnh của trẻ, cả về thể chất và tinh thần, cần có tình yêu thương và sự hỗ trợ từ cha mẹ thực sự. Giáo dục gia đình chất lượng cao là quá trình phát triển chung giữa cha mẹ và con cái”.

"Trợ thủ" của phụ huynh

Theo tờ Wall Street Journal, phụ huynh tại Mỹ chọn thuê những “cha mẹ đồng hành” để cung cấp dịch vụ chăm sóc cho con em của họ khi chúng học tập xa nhà. Những dịch vụ này có giá từ 450 USD/năm cho đến 10.000 USD/năm. Các “cha mẹ đồng hành” thường sống gần trường học của khách hàng, có thể thực hiện nhiều công việc từ giao hàng, mua sắm thực phẩm, giặt giũ cho đến giúp sinh viên chuẩn bị phỏng vấn xin việc và lấy thuốc từ bác sĩ nếu họ bị bệnh.

Mindy Horowitz - chủ mindyKNOWS, công ty chuyên cung cấp dịch vụ cha mẹ đồng hành ở Missouri (Mỹ) - giải thích: “Sinh viên có thể thuê các dịch vụ mua sắm và giao hàng như DoorDash, Instacart hoặc TaskRabbit nhưng dịch vụ của chúng tôi còn đi kèm tình yêu thương từ cha mẹ”. Shari Brooks - Giám đốc tiếp thị của mindyKNOWS - nói thêm: “Nhiều phụ huynh sử dụng dịch vụ vì họ lo không thể có mặt lúc con mình cần”. Khách hàng có thể đặt dịch vụ trong 1 tháng, 1 học kỳ, 1 năm học hoặc cả 4 năm học. Cô Brooks cho biết, phụ huynh tin tưởng dịch vụ chuyên nghiệp này sẽ cung cấp sự hiện diện cần thiết nhưng không khiến những đứa con đã trưởng thành của họ trở nên ỷ lại.

Dịch vụ “cha mẹ đồng hành” tại khu vực trường học ngày càng phát triển giữa lúc thế hệ trẻ tránh xa văn hóa hối hả và có xu hướng ngại giao tiếp xã hội. Theo trang web của Concierge Services for Student - doanh nghiệp chuyên cung cấp dịch vụ cha mẹ chuyên nghiệp cao cấp ở TP Boston (Mỹ) - các công ty kiếm tiền từ việc thay thế vai trò của phụ huynh cũng cung cấp dịch vụ hỗ trợ học tập cho sinh viên. Cô Brooks chia sẻ, mục tiêu của họ là trở thành cầu nối giữa phụ huynh và sinh viên, đặc biệt là đối với những đứa trẻ sống xa nhà và có nhu cầu đặc biệt. n

Linh La

(theo SCMP, Business Insider, Parents.com)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI