Thuê điện thoại, iPad cũ cho học sinh học trực tuyến

25/09/2021 - 14:34

PNO - Tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, điều đáng lo nhất để duy trì việc dạy và học trực tuyến vẫn là trang thiết bị.

Nhiều gia đình vẫn khó khăn để mua laptop, iPad. Các ngành chức năng, phụ huynh, thầy cô phải tìm đủ cách để choàng gánh cho những học sinh thiếu điều kiện học tập.

Tại Tiền Giang, chủ trương của tỉnh không để học sinh nào bị bỏ lại phía sau, một doanh nghiệp viễn thông đã tài trợ miễn phí 6.000 bộ giải mã để lắp vô chiếc ti vi thông thường cho các gia đình học sinh khó khăn phục vụ học tập. Cạnh đó, ba doanh nghiệp khác cũng đã tài trợ miễn phí sim điện thoại 3G, 4G chuyên biệt cho việc học tập của các em.  

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Ông Lê Quang Trí, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Tiền Giang, cho biết, qua đánh giá, cách học tập trực tuyến qua ti vi (hai chiều) an toàn hơn so với học qua máy tính bảng, điện thoại thông minh do chương trình trên ti vi kiểm soát được, màn hình rộng nên đỡ ảnh hưởng sức khỏe hơn. Một nỗi lo khác là tại nhiều nơi, do cha mẹ phải đi làm thì với các em nhỏ học trực tuyến rất khó. Sở đã có văn bản hướng dẫn gửi con em đến nhà các bạn cùng lớp trong khu vực gần đó (vùng xanh) vừa để phụ huynh quản lý chung 2 - 3 em, vừa chia sẻ được thiết bị.

Tại nhiều nơi, các thầy cô đã linh động nhiều cách hay để hỗ trợ HS học tập. Như ở Trường THCS Phú Thành (H.Gò Công Tây), nhà trường cho những HS khó khăn không có thiết bị vào luôn trong trường để học tập giãn cách trực tiếp cùng thầy cô. Tại Trường THPT Nguyễn Văn Côn (H.Gò Công Đông), Ban đại diện cha mẹ HS đã thuê khoảng 100 chiếc điện thoại, iPad cũ từ các cửa hàng cho HS khó khăn mượn để học trực tuyến.

Liên quan tình trạng HS thiếu thiết bị học trực tuyến, thống kê gần đây của Sở GD-ĐT tỉnh Kiên Giang cho thấy, có đến hơn 96.000 HS (18.260 HS thuộc hộ nghèo và cận nghèo) không có khả năng mua thiết bị để học trực tuyến (chiếm 32,63% tổng số HS). Về hạ tầng viễn thông, có đến 9/15 huyện, thị mạng 3G yếu.

Nhằm hỗ trợ HS có thiết bị học trực tuyến, ngành giáo dục Kiên Giang đã vận động mỗi giáo viên ủng hộ một ngày lương. Địa phương có hơn 20.000 giáo viên, thì sẽ có hơn 1,6 tỷ đồng góp phần trợ giúp HS khó khăn. Sở GD-ĐT tỉnh Kiên Giang cũng đang có kế hoạch vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm chung tay hỗ trợ chương trình “sóng và máy tính” cho HS.

Tỉnh cũng vận động các nguồn để hỗ trợ máy tính, thiết bị học trực tuyến giúp HS có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, phối hợp tập trung hỗ trợ cơ sở giáo dục tại các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, còn thiếu trang thiết bị dạy học trực tuyến nhằm bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục. 

Đông Phong

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI