Thuê đất hoang để “cày” ra tiền tỉ

31/12/2022 - 07:28

PNO - Các đầm sen, vườn nho, vườn rau hữu cơ ứng dụng công nghệ cao đã ra đời trên những cánh đồng bỏ hoang, nâng cao giá trị và ổn định đầu ra của nông sản.

Hồi sinh những cánh đồng bỏ hoang

Thật khó để hình dung đầm sen 50ha ở thôn Liễu Trì, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, TP Hà Nội của anh Lã Quang Khanh từng là những cánh đồng hoang. Sống ở vùng trồng hoa nên vợ chồng anh cũng chăm chỉ trồng hoa. Có vốn, vợ chồng anh bỏ nghề trồng hoa để kinh doanh xây dựng. Sau một thời gian, nhìn bạt ngàn đồng trũng bỏ hoang, cỏ cao lút đầu, vợ chồng anh tiếc, bàn nhau quay về với nghề cũ. Nhưng lần này, anh chị quyết định trồng sen.

Khi thuê ruộng, ngoài thuế nông nghiệp trả thay chủ đất, anh chị còn trả thêm 25kg thóc/sào (360m2). Có người đồng ý cho thuê, có người không, nên những vuông sen không được liền lạc. Một mặt, anh Khanh nhờ trưởng thôn thuyết phục các hộ còn lại; mặt khác, anh đến nhà văn hóa thôn từ sớm để trả tiền điện hằng tháng thay các hộ đã cho anh thuê ruộng. Sau 5 năm, đầm sen tăng diện tích từ 5ha lên 50ha.

Cà rốt trồng theo phương pháp thuần hữu cơ của vợ chồng chị Duyên, anh Chinh
Cà rốt trồng theo phương pháp thuần hữu cơ của vợ chồng chị Duyên, anh Chinh

Anh mua sen bách diệp từ Hồ Tây mang về. Chính vụ, mỗi ngày, 5ha cho 20.000 bông, mà giá bán hoa sen, theo anh Khanh, “ăn đứt hoa hồng”. Sen Hồ Tây ngày càng thu hẹp, trà sen cũng vì thế mà ngày càng đắt đỏ. Vợ chồng anh bàn nhau đi tìm nghệ nhân, mời về Mê Linh dạy gia đình anh cùng một số nhân công cách dùng sen ướp trà. Không chỉ bán hoa và trà, anh còn bán vé 30.000 đồng/người cho khách muốn vào đầm sen chụp hình. 

Doanh thu từ đầm sen mỗi năm cả tỉ đồng, giúp anh chị duy trì việc làm thường xuyên cho 20 người lao động với thu nhập khoảng 7 triệu đồng/người/tháng. Năm ngoái, UBND xã Mê Linh đã đề nghị anh Khanh thành lập hợp tác xã làng nghề sen, tiến tới xây dựng trà sen là sản phẩm OCOP (chương trình quốc gia “Mỗi xã một sản phẩm”) của địa phương.
Năm 2020 trở về trước, 2ha nông trại rau hữu cơ GenXanh là ruộng bỏ hoang của 35 hộ dân xã Hiệp Thuận, huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội. Nhìn đất bãi bồi rặt cỏ, anh chị Nguyễn Đức Chinh - Hà Thị Duyên cùng 2 người bạn thuê đất để trồng rau hữu cơ. Họ che lưới để phòng tránh sâu bọ phá cây, bón phân bằng rác hữu cơ. 

Sau 1 năm nhọc nhằn xử lý hạ tầng, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, từ cuối năm 2021 đến nay, nông trại GenXanh đã đi vào ổn định, cung cấp cho thị trường 4-5 tấn rau hữu cơ mỗi tháng với hơn 100 loại rau củ theo mùa, giá củ bình quân 35.000 đồng/kg, giá rau ăn lá bình quân 40.000 đồng/kg.

Anh Chinh cho biết: “Công nghệ là một trong 3 trụ cột chính của nông nghiệp hữu cơ, cùng với yếu tố thuận tự nhiên và yếu tố bản địa. Công nghệ là yếu tố cốt lõi để giảm chi phí và tăng năng suất”. 

8 nhân công của nông trại đều là người già yếu, khuyết tật nên anh Chinh đặt mua vật liệu về và tự thiết kế hệ thống tưới nhỏ giọt. Nhà kính chỉ sử dụng để ươm cây giống nhằm rút ngắn thời gian canh tác, khắc phục đặc điểm sinh trưởng chậm của rau hữu cơ. 

“Chúng tôi đã tính đến việc liên kết trồng rau hữu cơ với các nông hộ. Bà con được cung ứng vật tư, hướng dẫn kỹ thuật, giám sát chất lượng và bao tiêu nông sản. Chúng tôi cũng sắp hiện thực hóa mong muốn xuất khẩu các loại rau gia vị sang Nhật Bản và một số nước ở châu Âu” - anh Chinh chia sẻ.

Vừa bán nho, vừa làm du lịch vườn

Huyện Đan Phượng cũng có những cánh đồng bỏ hoang hoặc canh tác bập bõm. Bà con không còn mặn mà với 2 vụ lúa mỗi năm bởi hiệu quả kinh tế rất thấp. Nhiều hộ đã đưa cây nho từ Ninh Thuận về trồng thử, nhưng giống nho này không thích ứng được mùa đông rét buốt, sương giá của miền Bắc. 

Năm 2019, Trung tâm Khuyến nông TP Hà Nội, Trạm Khuyến nông huyện Đan Phượng giới thiệu giống nho hạ đen không hạt, phù hợp với khí hậu miền Bắc. Một số hộ trồng thử thì thấy năng suất, chất lượng tốt, giá trị kinh tế cao. Đến nay, nho hạ đen đã bén rễ trên đất của nhiều xã ở 2 huyện Đan Phượng và Hoài Đức.

Vườn nho của ông Nguyễn Hữu Hợi cho doanh thu cao nhờ bán trái và phục vụ du khách đến tham quan, chụp hình
Vườn nho của ông Nguyễn Hữu Hợi cho doanh thu cao nhờ bán trái và phục vụ du khách đến tham quan, chụp hình

Ông Nguyễn Hữu Hợi (xã Đan Phượng) trồng nho được 3 năm nay. Mỗi năm, ông thu hoạch 2 vụ vào tháng Sáu và tháng Mười, sản lượng khoảng 3,5-4 tấn/vụ, giá bán 150.000 đồng/kg tại vườn. Ngoài bán nho, ông Hợi còn mở dịch vụ du lịch sinh thái, trải nghiệm tại vườn. Vào vụ nho, mỗi ngày, vườn nhà ông đón 50-70 khách tới chụp hình, trải nghiệm. Cuối tuần, số khách có khi lên tới 150-200 người/ngày. 

Ông chia sẻ: “Việc kết hợp bán nho và du lịch sinh thái của gia đình tôi đến rất tình cờ. Ban đầu, khách đến mua nho tại vườn thích tự tay cắt từng chùm nho chín nên gia đình tôi từng bước học cách làm du lịch sinh thái. Việc trồng nho thì được bên khuyến nông hỗ trợ, giám sát kỹ thuật nên thuận lợi hơn rất nhiều. Loài nho này không dễ chăm, phải có kỹ thuật cắt tỉa, quy trình bón phân, phun thuốc, thậm chí có vụ phải cắt bỏ hết quả để nuôi cây. Cây cũng không chịu được mưa nhiều, ngập úng nên phải đào các rãnh đất cao, thiết kế bạt phủ, hệ thống mái che”.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hà Nội, mục tiêu mà ngành nông nghiệp TP Hà Nội đặt ra đến năm 2025 là, tỉ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm 70% tổng sản phẩm nông nghiệp, đồng thời hỗ trợ hình thành và duy trì phát triển ít nhất 44 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hình thành một trung tâm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, một vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hỗ trợ hình thành, duy trì phát triển 30 hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. 

 

Hình thành các vùng chuyên canh, vùng cây giống chất lượng cao 

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hà Nội, toàn thành phố có diện tích đất nông nghiệp và lâm nghiệp lên đến 200.000ha, chiếm 58,91% tổng diện tích của TP Hà Nội. Từ năm 2013 đến nay đã thực hiện dồn điền đổi thửa được gần 80.000ha đất nông nghiệp. Theo đó, nhiều vùng sản xuất tập trung đã được hình thành, cho hiệu quả kinh tế lớn. Tuy nhiên đến nay, TP Hà Nội vẫn còn gần 5.000ha đất nông nghiệp để hoang.

Theo quy hoạch phát triển nông nghiệp của UBND TP Hà Nội, đến năm 2030, nông nghiệp của TP Hà Nội phải chuyển đổi từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế, phát triển theo hướng năng suất và chất lượng cao, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu, hướng tới giá trị xanh. 

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hà Nội cho hay, thành phố sẽ phát triển các vùng nông nghiệp chuyên canh gắn với việc xây dựng thương hiệu, phát triển du lịch, đầu tư bài bản cho các mô hình nông nghiệp theo hướng chuyên sâu, hình thành những vùng cây giống chất lượng cao (cây ăn quả, hoa cảnh, cây đô thị) đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị xanh của thủ đô và các tỉnh, thành lân cận.

Thay đổi nhận thức cho nông dân
Để tạo công ăn việc làm cho người yếu thế tại địa phương, nông trại GenXanh của vợ chồng anh Nguyễn Đức Chinh - chị Hà Thị Duyên thuê lao động đều là người già yếu và khuyết tật. Ngoài việc giúp đỡ người yếu thế, vợ chồng anh còn muốn làm thay đổi nhận thức về canh tác nông nghiệp từ chính những lão nông đã quen với cách canh tác cũ, sản phẩm không đảm bảo an toàn cho người sử dụng.

Anh Chinh nói: “Các cô thấy rau lớn chậm là nói “nếu rau nhà tôi, tôi chỉ vun cho chút phân hóa học là lớn vù vù”. Thấy sâu ăn lá, gặm củ thì các cô bảo “sâu này chỉ cần phun 1 chút thuốc A, sâu kia phun 1 chút thuốc B là chết ngay”. Tư duy đó đã ăn sâu vào suy nghĩ của các cô, bởi mấy chục năm các cô được dạy cách dùng thuốc bảo vệ thực vật như thế nào - chứ không ai dạy các cô cách trồng rau củ mà không cần dùng đến phân bón hóa học, thuốc trừ sâu hóa học”.

 

Minh Tuệ

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI