Thuê bao di động sẽ thay thế giao dịch tiền mặt

08/06/2019 - 06:37

PNO - Dự thảo về nguyên tắc quản lý dịch vụ mobile money đang được Ngân hàng Nhà nước lấy ý kiến được kỳ vọng sẽ là giải pháp thúc đẩy giao dịch không dùng tiền mặt.

Điện thoại sẽ thay thế ví tiền

Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cho biết, mobile money được định nghĩa là các dịch vụ kết nối khách hàng về mặt tài chính thông qua mạng di động. 
Mobile money hoạt động khác với các hình thức thanh toán điện tử hiện nay. Chẳng hạn, như ví điện tử, người dùng phải có tài khoản ngân hàng và ví phải liên kết với tài khoản ngân hàng để chuyển tiền từ tài khoản vào ví. Với mobile money, khách hàng chỉ cần mua thẻ cào, nạp tiền vào điện thoại rồi thực hiện các thao tác mua bán.

Người dân có thể thanh toán tiền điện, tiền nước, chuyển/nhận tiền từ xa, thanh toán tiền mua hàng hóa trên các trang thương mại điện tử... Đặc biệt, người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa có thể lưu giữ tiền trên điện thoại thay vì phải để tiền dưới chiếu hay để tiền trong người.

“Hiện mới có khoảng 30% người dân có tài khoản ngân hàng. Mobile money là dịch vụ dành cho những người không có tài khoản ngân hàng, giúp họ có thể tiếp cận với những dịch vụ tài chính cơ bản” - ông Phạm Tiến Dũng chia sẻ.

Thue bao di dong se thay the giao dich tien mat
Mobile money cho phép người dùng nhận, gửi, mua hàng hóa, giữ tiền bằng điện thoại - Ảnh: pctechmag

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, Cố vấn Hội đồng quản trị Ngân hàng Quốc Dân (NCB) cho biết, trên thế giới có khoảng 2,5 tỷ người không tiếp cận được với các dịch vụ chuyển tiền và thanh toán qua hệ thống ngân hàng, trong khi có đến 5 tỷ người có điện thoại di động. Việt Nam hiện có gần 140 triệu thuê bao di động, do đó nên tạo cơ hội cho mobile money phát triển. Hiện dịch vụ này đã triển khai khoảng 100 nước trên thế giới.
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), tại Kenya, nhờ sử dụng mobile money chi phí chuyển tiền nội địa trong nước đã giảm  từ 2-5% . Đồng thời làm tăng lượng chuyển tiền tới 50-70%. Đây cũng được xem là một hình thức kích thích tăng trưởng kinh tế. Mobile money giúp tăng lượng giao dịch chuyển tiền giá trị nhỏ trong nước và kích thích các hoạt động kinh tế. 

Tổ chức Tư vấn trợ giúp người nghèo Kenya cho biết, thu nhập của các hộ gia đình tại Kenya đã tăng thêm từ 5-30% sau khi họ sử dụng dịch vụ mobile money. Nhiều nông dân nước này tự quảng cáo sản phẩm của mình trên các trang mạng, nhờ đó tăng thêm thu nhập từ việc bán hàng online. 

Ngoài ra, dịch vụ này rất thuận tiện cho các trường hợp khẩn cấp, cách trở về địa lý. Chẳng hạn như, trong trận động đất ở Haiti, nhờ dịch vụ này, Hội Chữ thập đỏ đã quyên góp được 5 triệu USD trong vòng 48 giờ và ngay sau đó chuyển tiền đến tận tay các gia đình bị nạn. 

“Tại Việt Nam, các điểm giao dịch ngân hàng chỉ đặt nơi trung tâm, số lượng phòng giao dịch hạn chế, chỉ làm việc theo giờ hành chính. Đây là lý do khiến người dân ngại giao dịch không sử dụng tiền mặt. Mobile money ra đời sẽ giải quyết những hạn chế trên, vì người dân có thể tiếp cận dịch vụ tài chính bất kỳ nơi đâu, bất kỳ lúc nào”, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nhận định. 
Rủi ro nào cho người dùng?
Tại Việt Nam, ví điện tử Momo, ứng dụng thanh toán điện tử như Vnpay, Viettel Pay… cũng giúp người dân thuận tiện trong các giao dịch, mua sắm hằng ngày. Nhưng, ví điện tử, ứng dụng thanh toán điện tử này buộc người dùng phải có tài khoản ngân hàng. 

Mỗi ví điện tử chỉ kết nối với một tài khoản ngân hàng nên cũng gây bất tiện cho người dùng. Trong khi đó, dịch vụ mobile money chỉ cần có tài khoản điện thoại và nạp tiền bằng thẻ cào. 
Theo tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, mobile money sẽ thay thế được ví điện tử, nhưng dịch vụ này không liên kết với ngân hàng, chỉ liên kết với mạng di động nên cũng có thể xảy ra nhiều rủi ro. 

Chẳng hạn, cơ quan chức năng sẽ khó kiểm soát nạn rửa tiền nếu không bắt buộc các nhà mạng báo cáo. “Giải pháp thích hợp nhất là nên có hạn mức số tiền được nạp vào, ví dụ tối đa 30-50 triệu đồng/tháng” - tiến sĩ Hiếu đề xuất. 
Một vấn đề cũng đáng lo ngại, đó là có thể gặp rủi ro an toàn thông tin. Tội phạm có thể tấn công nhà mạng, đưa các ứng dụng giả mạo vào. Nếu người dùng tải các ứng dụng giả này về sẽ bị phát tán mã độc vào điện thoại, tội phạm có thể chiếm quyền điều khiển và chiếm đoạt tiền. Điều này đòi hỏi các nhà mạng phải đảm bảo an toàn hệ thống, bảo mật thông tin khách hàng, có năng lực phát hiện sớm, xử lý các giao dịch đáng ngờ, có năng lực kiểm soát, giám sát và đào tạo cho các đại lý. 
Muốn quản lý nền kinh tế không dùng tiền mặt, vấn đề không phải là cho ra đời nhiều dịch vụ mà quan trọng là làm sao để người dân, người bán hàng, đơn vị kinh doanh sẵn sàng sử dụng dịch vụ, phần mềm mới. Người dân muốn sử dụng ví điện tử hay mobile money mà không tìm được người bán hàng sử dụng ứng dụng đó, cũng vô nghĩa. 

“Hiện chỉ ở siêu thị, khách sạn mới chấp nhận thanh toán phi tiền mặt, còn đi ra đường ăn bát phở, tô cháo vẫn sử dụng tiền mặt. Để hạn chế giao dịch bằng tiền mặt, cần có một chương trình phổ biến để nhiều thành phần kinh tế cùng tham gia, mới thành công”, Tiến sĩ Hiếu nói. 

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI