"Thuê bạn" cho con

17/01/2016 - 07:43

PNO - Ít chuyện trò, Tuấn dường như ngày càng rối loạn ngôn ngữ, quên chữ, diễn đạt vụng về, thái độ khi nói với người lớn kẻ nhỏ đều như nhau...

Tuấn, con trai của anh bạn tôi ngày càng khép kín, không muốn giao tiếp với ai, dù người lạ hay quen. Đi học về, Tuấn mở mạng xem phim Mỹ (học trường quốc tế nên Tuấn nói tiếng Anh tốt hơn tiếng Việt). Ít chuyện trò, Tuấn dường như ngày càng rối loạn ngôn ngữ, quên chữ, diễn đạt vụng về, thái độ khi nói với người lớn kẻ nhỏ đều như nhau, không phân biệt được nói đùa - nói thật.

Thấy con trai tôi cũng học năm nhất đại học như Tuấn nhưng năng động, hoạt bát, giỏi kết giao, bạn nhờ con tôi đến chơi với Tuấn và thường xuyên cho tiền cháu như thể “thuê” bạn cho con.

Bạn sẵn sàng đưa tiền cho con tôi để rủ Tuấn đi cà phê, du lịch… Không dễ để con tôi kéo Tuấn đi sinh hoạt trong một nhóm tình nguyện viên, nhưng Tuấn chỉ tham gia một buổi là nghỉ. Tuấn không hòa nhập được, tính lại khó chịu, hay tự ái.

Tuấn bảo ở nhà coi phim là hay nhất, ra ngoài chán ngắt, gặp toàn mấy bạn dở hơi, vô duyên. Tuấn không hề thấy giao tiếp, củng cố hay mở rộng mối quan hệ là cần thiết. Bạn rất lo lắng cho Tuấn nhưng tôi và con tôi cũng không biết cách nào để khuyên nhủ, giúp đỡ.

Ái Vân (Q.Bình Thạnh, TP.HCM)

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Chị Ái Vân mến,

Chị và con đã giúp Tuấn rất nhiều, chắc bạn chị cũng rất cảm kích về điều đó. Tuấn là sinh viên năm nhất, có những biểu hiện như chị kể là ít giao tiếp, không có bạn bè, nói tiếng Việt không rành, quên chữ, diễn đạt vụng về, không hòa nhập, dễ tự ái….

Có thể cháu bị rối loạn ngôn ngữ như chị đoán, hoặc có thể là một dạng rối loạn tâm lý nào đó… Để chẩn đoán chính xác vấn đề của Tuấn, cần có sự thăm khám của nhà chuyên môn - các chuyên gia tâm lý trị liệu. Nhà tâm lý cần gặp Tuấn và gia đình cậu trò chuyện, thăm khám trực tiếp để tìm ra nguyên nhân, từ đó có cách trị liệu phù hợp giúp Tuấn.

Những biểu hiện của Tuấn hiện tại có nguyên nhân từ những gì diễn ra trong quá khứ. Có thể do hoàn cảnh sống của gia đình, hoàn cảnh học tập, cũng có thể do những cú sốc tâm lý mà Tuấn đã gặp thời thơ ấu…

Trong trường hợp này, bố Tuấn tìm cách “thuê bạn cho con” là một nỗ lực giúp con nhưng đã không hiệu quả. Con chị đã vất vả kéo Tuấn ra khỏi vỏ ốc nhưng không thể giúp Tuấn hòa nhập với các bạn. Điều này có khi càng khiến Tuấn tự ti, mặc cảm và rút vào vỏ ốc sâu hơn, cách xa bạn bè hơn...

Vì vậy, chị và cháu tuy rất cố gắng giúp hai bố con Tuấn nhưng cũng cần biết giới hạn của mối quan hệ này để không thất vọng vì mình đã không giúp được nhiều. Điều chị có thể làm là khuyên bố Tuấn tìm nơi khám bệnh cho con như tới khoa tâm lý, tâm thần của các bệnh viện uy tín.

Ngoài ra, chị nên giúp bạn hiểu rằng người giúp Tuấn tốt nhất là cha mẹ. Tuấn cần cha mẹ gần gũi, quan tâm nhiều hơn, đặc biệt động viên, khen ngợi những việc tốt của Tuấn để cháu tự tin. Duy trì sự giao tiếp trong gia đình là rất quan trọng, con cái được giao tiếp cùng cha mẹ mỗi ngày mới có thể hình thành kỹ năng giao tiếp và làm giàu vốn ngôn ngữ để khi ra ngoài xã hội biết cách ứng xử tự tin, linh hoạt.

Cha mẹ Tuấn có thể từ từ kéo con mình cùng tham gia vào các hoạt động chung của gia đình như nấu cơm, dọn dẹp, sửa chữa đồ dùng, đi thăm họ hàng, cùng đi siêu thị, cùng chơi thể thao…

Tuấn là một thành viên trưởng thành trong gia đình, cha mẹ coi trọng và tin tưởng phân công công việc. Lao động là một trong những cách khiến con tự tin và có cơ hội giao tiếp. Đây cũng là trách nhiệm của con đối với gia đình.

Cha mẹ Tuấn cần chủ động kéo con khỏi chiếc máy tính và thế giới ảo. Việc quy định thời gian được sử dụng máy tính và mạng internet cũng cần thảo luận để giúp con sống cân bằng. Tuy nhiên, Tuấn đã lớn nên việc này không dễ dàng, đòi hỏi cha mẹ phải kiên nhẫn, khéo léo, tế nhị. Cha mẹ Tuấn cùng đồng lòng mới có thể giúp Tuấn thoát khỏi vỏ ốc.

Con hạn chế khi giao tiếp với mọi người, thế giới thực xung quanh cháu, là trách nhiệm của cha mẹ đã không chú ý dạy từ khi con còn bé. Người xưa có câu “dạy con từ thuở còn thơ”, để con lớn mới dạy khó khăn hơn rất nhiều. Nhưng muộn còn hơn không, phải không chị?

TS Xã hội học Phạm Thị Thúy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI