Ngày 21/2, tại buổi họp mặt nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, các thầy thuốc tiêu biểu đã có nhiều ý kiến tâm huyết nhằm giải quyết những nghịch lý trong công tác đào tạo nguồn nhân lực y tế của TP.
Không đáp ứng được nhu cầu
GS.TS Lê Hoàng Ninh, nguyên Viện trưởng Viện Y tế công cộng TPHCM, dẫn chứng số liệu từ Tổ chức Y tế Thế giới về tỷ lệ nhu cầu chăm sóc sức khỏe tổng quát (đa khoa) của người dân chiếm đến 70 – 80%, chỉ 20 – 30% có nhu cầu chăm sóc chuyên khoa. Nhu cầu là như vậy, đào tạo trong trường cũng là bác sĩ đa khoa nhưng ở ta khi ra trường hành nghề thì hầu như 2 năm sau, tất cả đều trở thành chuyên khoa hết. Vì thế số lượng bác sĩ chăm sóc sức khỏe tổng quát ở Việt Nam là cực thấp, trong khi con số này ở Mỹ là gần 50%.
|
Số lượng bác sĩ đa khoa ở Việt Nam hiện rất thấp (ảnh minh họa) |
Cũng theo ông Lê Hoàng Ninh, cứ 100 người bệnh thì có 70 - 80 người chỉ cần chăm sóc tổng quát, không cần phải nằm viện. Thế nhưng vì không đủ nguồn lực từ cơ sở nên chúng ta cứ kéo hết vào bệnh viện dẫn đến hệ quả là “vỡ trận” – quá tải ở các bệnh viện tuyến trên. “Chúng ta có rất nhiều đề án để giải quyết nhưng chỉ là đối phó với sự quá tải chứ không giải quyết căn cơ. Chỉ khi nào chúng ta có đủ bác sĩ tổng quát có năng lực thực sự giải quyết các vấn đề từ cơ sở thì mới có thể kiểm soát được tình hình”, GS.TS Lê Hoàng Ninh chia sẻ.
“Đa số các bác sĩ khi mới tốt nghiệp và trong quá trình làm việc đều muốn trở thành bác sĩ chuyên khoa và thực tế là số lượng bác sĩ chuyên khoa luôn cao hơn nhiều lần so với số bác sĩ thực hành tổng quát và bác sĩ gia đình” - GS.TS.BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho rằng đây là một nghịch lý cần phải tìm ra lời giải vì với mô hình “tháp ngược” này, hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu tại y tế cơ sở sẽ còn gặp nhiều khó khăn và khó có thể phát triển được.
PGS.TS Nguyễn Thanh Hiệp, Hiệu trưởng Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, nhắc lại lời một người thầy của mình rằng ngành y tế ví như con chim có 2 cánh, 1 cánh y tế chuyên sâu và 1 cánh y tế cơ sở, nếu bị “lệch” thì chim không thể cất cánh bay lên được. Và hiện tại, ngành y tế TPHCM đang “lệch cánh” khi y tế chuyên sâu phát triển rất tốt và có những thành quả xứng tầm khu vực và thế giới. Còn lại hệ thống y tế cơ sở đã bộc lộ nhiều lỗ hổng, đặc biệt là trong đợt dịch vừa qua. Rõ nhất là thiếu nguồn nhân lực, tỷ lệ nhân viên y tế tuyến xã trên 10.000 dân của TPHCM chỉ đạt 2,31 – tỷ lệ rất thấp so với 6 của Hà Nội và 7,4 với cả nước; trên 50% trạm y tế chưa có trưởng, phó trạm; chỉ 0,1% người dân đăng ký chữa bệnh tại trạm y tế…
Bên cạnh đó, TPHCM còn nhiều loại hình nhân viên y tế chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Điển hình như chuyên viên cấp cứu ngoài bệnh viện (paramedic) cho đến nay vẫn chưa có trong danh mục đào tạo tại các trường y khoa, trong khi đây là loại hình nhân viên y tế rất cần để bổ sung cho mạng lưới cấp cứu 115 của TP hay chuyên viên y tế công cộng. Trưởng Khoa Điều dưỡng Kỹ thuật Y học - Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch Cao Văn Thịnh cho biết nhu cầu cấp cứu ngoài bệnh viện rất cao và đại dịch vừa qua đã chứng minh điều đó. Bốn năm qua, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã chủ động liên kết với Phần Lan thí điểm đào tạo Paramedic và rất cần được tiếp tục hỗ trợ cũng như các trường cần đưa vào chương trình đào tạo để đáp ứng nguồn nhân lực y tế của TP.
Cần chính sách bền vững
|
Tỷ lệ nhân viên y tế tuyến xã trên 10.000 dân của TPHCM chỉ đạt 2,31 – tỷ lệ rất thấp so với 6 của Hà Nội và 7,4 với cả nước |
Chia sẻ về việc xây dựng tuyến y tế cơ sở mạnh, GS.TS Trần Diệp Tuấn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Y dược TPHCM, cho rằng cần “đặt hàng” với ngành giáo dục - đào tạo, cần có sự trao đổi, kết nối giữa bộ phận sử dụng nguồn nhân lực y tế và bộ phận đào tạo nhân lực mà hiện nay đôi khi chưa có được tầm nhìn chung. Song song đó, cần đảm bảo chính sách có tính bền vững về đãi ngộ và cả cơ hội học tập, thăng tiến cho lực lượng y tế tại cơ sở. “Tôi cho rằng đây là chuyện không dễ, còn nhiều việc phải làm, phải thảo luận, và cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị chứ không chỉ là của ngành Y tế nữa”, BS Trần Diệp Tuấn nói.
GS.TS Lê Hoàng Ninh cho rằng cần phải nâng cao nhận thức trong cộng đồng: “quốc gia nào chăm sóc sức khỏe ban đầu tốt thì hiệu quả chăm sóc sức khỏe cao trong khi chi phí y tế lại thấp. Làm y tế cơ sở là giải quyết vấn đề chăm sóc sức khỏe cộng đồng, qua đó TP và đất nước sẽ tiến nhanh”. Bước đầu tiên cần thay “chiếc áo đã quá chật” cho trạm y tế cơ sở, cần xây dựng nó thành trung tâm y tế cộng đồng, là nơi chăm sóc sức khỏe ban đầu, sàng lọc các bệnh cho người dân, chứ không chỉ là nơi làm sự vụ cho các chương trình y tế quốc gia. Trong cơ cấu 20 bác sĩ/10.000 dân, cần có 10 – 20% là bác sĩ đa khoa chăm sóc sức khỏe tổng quát. Cùng với đó là các chế độ chính sách để nhân viên y tế cơ sở có thể “sống được”, có cơ hội học tập và phát triển nghề nghiệp.
Trước những khó khăn và thách thức về nguồn nhân lực y tế cơ sở, ngành y tế TPHCM cũng đã triển khai “Chương trình thực hành lâm sàng dành cho bác sĩ y khoa mới tốt nghiệp để cấp chứng chỉ hành nghề với phạm vi hoạt động chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh đa khoa”. Với việc đưa 297 bác sĩ trẻ mới tốt nghiệp của trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch về thực hành tại các trạm y tế cơ sở, PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Dung, Chủ tịch Hội Y học TPHCM, cho rằng vẫn còn những trường hợp băn khoăn không biết về trạm y tế cơ sở để làm gì, phải làm gì và cần có những buổi tư vấn để “đả thông tư tưởng” cho các bác sĩ trẻ có quan điểm và thái độ đúng đắn khi về địa phương…
Tam Bình