Thực thi Luật Trẻ em từ mỗi gia đình

28/06/2017 - 11:51

PNO - Ngày 26/6, Báo Phụ Nữ TP.HCM phối hợp Chi hội Luật sư bảo vệ quyền trẻ em (QTE) thuộc Hội Bảo vệ QTE TP.HCM tổ chức bàn tròn pháp luật “Thực thi Luật Trẻ em từ gia đình”.

Ngày 26/6, Báo Phụ Nữ TP.HCM phối hợp Chi hội Luật sư bảo vệ quyền trẻ em (QTE) thuộc Hội Bảo vệ QTE TP.HCM tổ chức bàn tròn pháp luật “Thực thi Luật Trẻ em từ gia đình”. 

Thuc thi Luat Tre em tu moi gia dinh
Ông Chung Hùng Bang cho rằng gia đình có trách nhiệm rất lớn trong việc bảo vệ, chăm sóc trẻ

Sao lại để bé gái đi đêm một mình?

Không phải là khách mời nhưng khi biết chủ đề của bàn tròn, Nguyễn Thị Bích Ngọc - tự Sandy, 30 tuổi, mang trong mình hai dòng máu Việt - Campuchia đã xin tham dự. Câu chuyện của chị khiến tất cả khách mời lặng người. Là một cô gái bị bố mẹ bỏ rơi, từng chịu sự ngược đãi và bị xâm hại từ năm tám tuổi bởi chính người thân trong gia đình, Ngọc đã sống trong nỗi ám ảnh suốt 12 năm dài.

Cô chia sẻ: “Khi bước sang tuổi 19, em đã từng có suy nghĩ cầm dao giết chết kẻ đó cho xong”. Thông điệp mà Ngọc chia sẻ với mọi người là: “Nếu đã sinh một đứa trẻ, xin hãy nuôi dưỡng và yêu thương em đúng như thiên chức những người làm cha, làm mẹ”.

Dự bàn tròn, ông Chung Hùng Bang - cán bộ Phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em, Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP.HCM - bức xúc: “Khi lật lại các vụ xâm hại tình dục (XHTD), bạo lực, bóc lột sức lao động hay tai nạn thương tích ở trẻ em, tôi thấy lỗi từ phía gia đình là rất lớn: sơ hở, bất cẩn, thiếu chăm sóc, giáo dục trẻ…

Câu chuyện bé gái 11 tuổi ở Sóc Trăng sau khi chơi đùa với bạn, cầm đèn pin soi đường cho bạn về, bị một gã hàng xóm xâm hại và giết chết cách đây mấy ngày một lần nữa cho thấy gia đình đã quá lơ là trong việc bảo vệ trẻ em. Tại sao lại để một bé gái 11 tuổi đi trong đêm tối một mình?”. 

Từ năm 2013-2017, Trung tâm Công tác xã hội trẻ em TP.HCM đã tiếp nhận và xử lý 700 ca xâm hại, bóc lột trẻ em. Ông Phạm Đình Nghinh - Giám đốc trung tâm này - cho biết, 90% số vụ việc trên có nguyên nhân từ gia đình: cha mẹ không có thời gian, thiếu quan tâm, thiếu kiến thức, thiếu thông tin. 

Luật sư Nguyễn Thị Kim Loan - Công ty Luật Vũ Hoàng, cộng tác viên Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước TP.HCM - tâm sự, bà cứ canh cánh trong lòng sau mỗi lần tham gia trợ giúp pháp lý cho trẻ trong các vụ án hình sự, không chỉ về sự ngây thơ, vô tội của các em mà còn về sự thiếu hiểu biết của cha mẹ trẻ. 

Các ban ngành cần nhanh chóng vào cuộc

Trong khi đó, bà Lê Thị Vịnh - phụ trách công tác chính sách pháp luật Hội LHPN Q.Gò Vấp băn khoăn: “Không thể quy hết lỗi cho gia đình. Trước giờ, chúng ta làm truyền thông rất nhiều, nhưng vẫn chưa gõ cửa được những gia đình lao động nghèo, các khu xóm trọ, nơi mà nguy cơ xâm hại, bạo lực, bóc lột trẻ em nhiều nhất”.

Nghe câu chuyện từ bà B., bé M. - những đại biểu dự bàn tròn là nạn nhân bạo hành, luật sư Nguyễn Quốc Dũng - Chi hội Luật sư bảo vệ QTE TP.HCM - trăn trở: “Luật đã có, các văn bản dưới luật, chế tài, xử phạt các hành vi vi phạm luật đều đã được ban hành, nhưng vì sao chồng chị B. bạo hành vợ con một cách kinh hoàng như vậy suốt thời gian dài mà không ai lập biên bản, xử phạt, đưa đi giáo dục lao động hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật; chuyện bé M. bị người thân mắng chửi, đánh đập, chính quyền biết không, công an biết không, sao để cô bé phải sống trong môi trường kinh khủng đó?”. Luật sư Dũng cho rằng, đã đến lúc cần xem lại trách nhiệm của cơ quan thực thi pháp luật. 

Theo các đại biểu dự bàn tròn, để thực thi Luật Trẻ em và các văn bản hướng dẫn thi hành, nhất thiết những người làm cha, làm mẹ, người thân trong gia đình phải quan tâm, chăm sóc, bảo vệ trẻ tới nơi, tới chốn; đồng thời, rất cần có sự vào cuộc đồng bộ và quyết liệt của các ban ngành, đoàn thể. n

Trong ba năm nay, chi hội chúng tôi đã tiếp nhận, trợ giúp pháp lý 112 vụ việc xâm hại, bạo hành trẻ em, nhưng chỉ 18 vụ trong số đó được tòa án thụ lý, đưa ra xét xử. Đối với các vụ này, điều khó khăn nhất là luật sư vào cuộc quá muộn màng, gia đình, người thân của bé do không hiểu biết pháp luật đã tự làm mất chứng cứ. Đã vậy, các vụ án XHTD trẻ em vẫn theo quy trình thủ tục tố tụng chung, nhiều vụ không được trưng cầu giám định pháp y kịp thời,  bị kéo dài thời gian điều tra. 

- Chi hội trưởng Chi hội Luật sư bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM

NGHI ANH - THU LÊ - MẪN NHI 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI