Thực phẩm thay thế giúp chống biến đổi khí hậu

09/09/2023 - 10:36

PNO - Theo một báo cáo mới của Asia Research Engagement (ARE) từ Singapore, đến năm 2060, các loại thực phẩm thay thế trên khắp Đông Nam Á và các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương sẽ chiếm hơn 50% tổng sản lượng thực phẩm.

Từ lâu, sản xuất chăn nuôi quy mô lớn được xem là nguồn phát thải khí carbon lớn và bị xem là thủ phạm chính gây ra nạn phá rừng, mất đa dạng sinh học. Chăn nuôi ảnh hưởng môi trường vì nó tiêu tốn nhiều tài nguyên và sử dụng nhiều đất, nước, động vật và kháng sinh hơn.

Thực phẩm thay thế đang được kỳ vọng là giải pháp  giúp chống biến đổi khí hậu trong tương lai - Nguồn ảnh: CNBC
Thực phẩm thay thế đang được kỳ vọng là giải pháp giúp chống biến đổi khí hậu trong tương lai - Nguồn ảnh: CNBC

ARE cho biết, dù đây là vấn đề toàn cầu, nó đặc biệt quan trọng đối với các nước châu Á vì khu vực này cung cấp hơn một nửa protein động vật cho thế giới, bao gồm cả các động vật trên cạn và hải sản. Thêm vào đó, châu Á là nơi có dân số tăng trưởng nhanh nhất, khiến mức tiêu thụ thịt tăng cao.

Các chuyên gia cho biết, dù có nguồn gốc từ thực vật trong quá trình lên men hay được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm, các loại thực phẩm thay thế đều quan trọng đối với an ninh khí hậu. Theo báo cáo của Tập đoàn Tư vấn Boston (Mỹ) vào năm 2022, mỗi USD đầu tư vào việc sản xuất các sản phẩm thay thế thịt và sữa sẽ giúp giảm lượng khí nhà kính nhiều hơn 7 lần so với việc xây các tòa nhà xanh và gấp 11 lần so với ô tô không phát thải.

Theo The Good Food Institute, vốn đầu tư mạo hiểm vào các loại thực phẩm thay thế đã tăng từ 1 tỉ USD vào năm 2019 lên 5 tỉ USD vào năm 2021. Năm 2021, các công ty tập trung vào các loại thực phẩm thay thế đã nhận được khoản đầu tư 1,7 tỉ USD so với 600 triệu USD vào năm 2020.

Nhìn thấy được tương lai phát triển này, các công ty thực phẩm hàng đầu Đông Nam Á đã có những chiến lược đặc biệt. Ví dụ, CP Foods của Thái Lan đã mở rộng thương hiệu Meat Zero có nguồn gốc thực vật tại Singapore và Hồng Kông (Trung Quốc), như một phần của chiến dịch tăng cường tiêu thụ thực phẩm thay thế trên khắp châu Á. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, ngành thịt thay thế có phát triển hay không là do người tiêu dùng quyết định.

Michelle Huang - nhà phân tích thực phẩm tiêu dùng tại Rabobank - cho biết người tiêu dùng thường coi hương vị, hình dáng và giá cả là rào cản chính đối với việc tiêu thụ các loại thực phẩm thay thế: “Chúng tôi chưa thấy những đột phá về công nghệ để đạt được hương vị và giá cả tương đương với các sản phẩm thịt thông thường. Nếu không có sự cải thiện bền vững về hương vị và giá cả, các thương hiệu sẽ gặp khó khăn trong việc chuyển sự tò mò ban đầu của người tiêu dùng sang mua hàng thường xuyên”.

Theo bà Huang, thay vì tập trung quá nhiều vào các thực phẩm thay thế thì trước mắt nên đầu tư vào hoạt động chăn nuôi và chăn nuôi bò sữa bền vững. Chẳng hạn trong lĩnh vực sữa, ngày càng có nhiều cố gắng giảm phát thải carbon bằng cách sử dụng sản xuất điện khí sinh học, biến phân bò thành điện. 

Dù vậy, các chuyên gia đều đồng ý rằng thực phẩm thay thế vẫn là nhu cầu cần thiết của tương lai cho nên cần có nhiều đầu tư hơn vào nghiên cứu và phát triển. 

Trần Lê (theo CNBC, CNA)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI