Thực phẩm tết: Bánh, mứt giả ngoại tràn ngập chợ

18/11/2016 - 15:20

PNO - Trong các thực phẩm tết, bánh kẹo là mặt hàng bị làm giả nhiều nhất. Mức độ giả ngày càng tinh vi, doanh nghiệp có hàng bị làm giả cũng khó phát hiện. Không chỉ hàng trong nước, nhiều sản phẩm của nước ngoài cũng bị làm giả.

Bánh hiệu giá rẻ nhái thương hiệu ngoại

Trong cuộc thảo luận giải pháp chống hàng giả, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và bảo vệ thương hiệu cho doanh nghiệp do Hội Bảo vệ người tiêu dùng TP.HCM tổ chức ngày 17/11, đại diện các cơ quan chức năng cho rằng, các sản phẩm bánh kẹo nhái thương hiệu nổi tiếng xuất hiện ngày càng nhiều, mức độ nhái ngày càng tinh vi.

Nếu trước đây, người tiêu dùng còn dễ nhận biết thật - giả bởi chất lượng in ấn thô, hình thức đóng gói thủ công thì nay, các sản phẩm này đều có tên, địa chỉ, nhà sản xuất, mẫu mã rất giống thương hiệu nổi tiếng, chỉ có sự khác biệt rất nhỏ trong tên gọi. Chất lượng không bằng, nhưng vì có tên gần giống thương hiệu nổi tiếng nên bán được giá, bán chạy.

Tại các chợ đầu mối như Bình Tây, An Đông (TP.HCM), thị trường bánh kẹo, mứt tết đã bắt đầu nhộn nhịp. Một chủ sạp tại chợ Bình Tây đưa chúng tôi hộp bánh có dòng chữ Korento Traditional, cho biết giá thị trường là 210.000- 230.000đ/hộp nhưng ở đây chỉ bán giá 180.000đ/hộp, mua số lượng nhiều thì càng rẻ hơn.

Thuc pham tet: Banh, mut gia ngoai tran ngap cho
Đánh vào tâm lý sính ngoại, nhiều thương hiệu bánh kẹo trong nước lấy tên na ná các thương hiệu nổi tiếng của Thái Lan, Malaysia.

Qua quan sát, hộp đã đóng bụi, cáu bẩn do để lâu, hạn sử dụng đã sắp hết. Tại sạp này, nhiều loại bánh, kẹo sô cô la, bánh quế, bông lan… được bán với giá rẻ hơn các sạp khác từ 10.000-50.000đ/sản phẩm (tùy loại bánh cao cấp hay bình dân). Chị chủ sạp phân bua: “Em là khách mới, chị để giá mềm làm quen”.

Đánh vào tâm lý sính ngoại, bánh kẹo sản xuất trong nước lại mang nhiều cái tên rất… ngoại, cứ na ná các thương hiệu từ Thái Lan, Malaysia. Đến chợ Bình Tây, người mua sẽ lạc vào mê hồn trận tên gọi: kẹo mút Milkil, Big, Chupa chupi; bánh xốp kem Chocky Buttan… Trên bao bì sản phẩm, địa chỉ nhà sản xuất đều là các cơ sở nhỏ lẻ, giá bán rẻ hơn các sản phẩm ngoại từ 20.000- 30.000đ/sản phẩm.

Bánh, mứt ngoại gia nhập hàng xá?

Đầu mùa bán hàng tết này, xuất hiện mứt hàng xá từ Thái Lan, Campuchia, Malaysia… với giá thấp hơn mứt xá trong nước từ 5.000-15.000đ/kg nhưng khách vẫn chọn vì ngon, lạ, thông tin sản phẩm đều do người bán "tự biên tự diễn".

Tại sạp O.H. (chợ Bình Tây) chị tiểu thương cho biết, năm nay sạp của chị có mít sấy của Thái, mứt xoài và mứt chuối Campuchia dạng xá. Mặc dù khẳng định mứt ngoại nhưng trên bao bì, không hề có thông tin nào về sản phẩm. “Chị lấy bao lớn ở biên giới, sau đó chiết ra túi nhỏ để bán, em cứ yên tâm” - chị nói. Sau đó, chị lôi cái bao dưới gầm sạp, bên ngoài chi chít chữ Thái Lan để làm bằng chứng.

Khi hỏi mứt xá ngoại và nội khác nhau như thế nào, lấy gì để phân biệt, chị tiểu thương phân tích: “Em đã ăn mít Thái, xoài Campuchia rồi phải không? Mít Thái múi to, dày cơm, ăn rất giòn và ngọt, khi đem sấy vẫn giữ nguyên hương vị ngọt tự nhiên của miếng mít, không ướp thêm đường”.

Riêng với mứt xoài Campuchia, chị tiểu thương hướng dẫn nhận dạng: “Xoài Việt Nam dùng làm mứt đều là giống xoài to trái, thịt chua, trong khi xoài Campuchia đều nhỏ trái, thịt chua chua ngọt ngọt, hương vị thơm là lạ, miếng mứt có kích thước nhỏ, dù làm mứt nhưng vẫn giữ được hương thơm lạ. Mứt xoài dẻo Việt Nam có giá 160.000-180.000đ/kg, còn mứt xoài Campuchia chỉ có giá 150.000đ/kg”.

Tại sạp T.L., chúng tôi được giới thiệu mứt me Thái dạng xá, giá 90.000đ/ký; chuối khô Campuchia giá 60.000đ/kg. Cả trái me đã được bóc vỏ, còn nguyên cuống, hột, quấn trong bao ni lông rất bắt mắt. Tất cả là hàng xá, cũng không hề có thông tin nào chứng nhận sản phẩm ngoại.

Còn tại chợ An Đông, có đủ các loại mứt: vỏ bưởi, cà chua, cóc, đu đủ, thơm, khoai lang của Thái Lan; chà là của Ấn Độ. Cũng là dạng xá nhưng sản phẩm được đóng gói bắt mắt trong túi kéo, hộp nhựa trong, bên ngoài chỉ duy nhất tên loại mứt. “Mứt này nhập từ Thái về, sau đó đóng gói tại Việt Nam nên dù bên ngoài hộp ghi tên mứt bằng tiếng Việt nhưng mang hương vị Thái” - một tiểu thương tại chợ này vồn vã.

Tại chợ Lê Hồng Phong, không ít tiểu thương bày bán các loại bánh, mứt Campuchia như bánh bí, mứt bí, mứt me… Theo các tiểu thương dự đoán, tết này, các loại mứt Thái, Campuchia, Ấn Độ sẽ xuất hiện nhiều tại các chợ.

Các loại bánh mứt từ các nước này đặc biệt được lòng người tiêu dùng vì đủ loại, giòn, dẻo; trái cây làm mứt đa dạng rất phù hợp với khẩu vị người Việt; không sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích tăng trưởng trong quá trình chăn nuôi, trồng trọt, các sản phẩm hoàn toàn tự nhiên và an toàn; cách tẩm ướp gia vị, phơi sấy, bảo quản của họ cũng rất tự nhiên, không sử dụng đường hóa học, không dùng chất tạo màu nên không lòe loẹt… mà giá bán lại không quá đắt.

Ông Nguyễn Văn Bách, Phó chi cục Quản lý thị trường TP.HCM cho biết, trong thời gian tới, chi cục sẽ tăng cường quản lý, truy xuất nguồn gốc tất cả thực phẩm; vận động, xử lý, răn đe, không để tiểu thương vì lợi nhuận mà xem thường sức khỏe người dân; sản phẩm nào không rõ nguồn gốc thì không được vào chợ.

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI