PNO - Khi việc mua thực phẩm, hàng hóa ở TPHCM trở nên khó khăn do giãn cách xã hội, nhiều người ở TPHCM đã đặt mua hàng từ các tỉnh và nhận hàng từ các nhà xe.
Trong những tháng giãn cách xã hội, thực phẩm tại các cửa hàng, siêu thị trên địa bàn TPHCM không phong phú, cũng không tươi ngon như trước, việc đặt mua cũng khó hơn do các nơi này thường xuyên quá tải đơn hàng. Nếu tự đặt mua hàng tại siêu thị, người tiêu dùng thường bị từ chối đơn hàng, hoặc phải chờ đợi nhiều ngày mới nhận được hàng. Còn nếu mua qua lực lượng đi chợ hộ, thực phẩm thường bán theo combo (gói) không thể đặt theo nhu cầu. Trong khi đó, nông sản, thực phẩm ở các tỉnh lại ùn ứ, không bán được.
Chị Thu (Q.Bình Tân) kể, có những ngày, chị lướt mạng cả buổi để tìm mua thực phẩm nhưng những nhóm mua bán tự phát gần nhà nhất không còn hàng hoặc không thể giao do quy định giãn cách nghiêm ngặt. Chị bèn đặt mua thủy sản từ tỉnh Phú Yên, thịt heo từ tỉnh Trà Vinh và bất ngờ khi được thông báo giao hàng tận nhà chỉ sau 1-2 ngày. Theo đó, cước phí thùng hàng 5kg thủy sản từ Phú Yên đến tận nhà (Q.Bình Tân) từ 100.000-150.000 đồng tùy thời điểm; cước phí thùng hàng 30kg từ Trà Vinh đến tận nhà là 300.000 đồng.
Chị Thu nói thêm: “Tôi hỏi các điểm bán thì thực tế cước phí từ Phú Yên vào đến nhà xe ở TP.HCM chỉ có 50.000 đồng/thùng 5kg, nhưng từ nhà xe đưa hàng về tận nhà thì cước phí có thể từ 100.000-150.000 đồng/chuyến tùy khoảng cách xa hay gần, chốt chặn ít hay nhiều. Gần đây, một số nhà xe cho xe nhỏ chạy đến từng ngõ hẻm, giá cước vận chuyển nhờ đó cũng giảm”.
Anh Hoàng (Q.Phú Nhuận) nhờ người nhà ở H.Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi mua thực phẩm ở quê đóng thùng gửi vào. Hàng từ H.Bình Sơn vào đến nhà xe tại TP.HCM nếu dưới 30kg thì giá cước là 150.000 đồng, trên 30kg thì 200.000 đồng. Còn cước phí từ nhà xe ở Q.Tân Bình giao đến nhà anh (Q.Phú Nhuận) từ 100.000-200.000 đồng.
Nếu người tiêu dùng đặt hàng ở các tỉnh khác thì cước phí thùng hàng 30kg từ TP.Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) vào tới nhà xe ở Q.Bình Tân là 150.000 đồng; từ xã Bom Bo (H.Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) giao đến tận nhà ở TP.HCM là 200.000 đồng/thùng 20kg hoặc 500.000 đồng/80kg (có thể nhiều thùng); cước từ H.Châu Thành (tỉnh An Giang) giao đến tận nhà ở TPHCM là 150.000 đồng/thùng 30kg…
Một nhà xe ở Quảng Ngãi tập kết thực phẩm, nông sản do người dân ở TPHCM đặt hoặc nhờ người thân ở quê mua gửi vào (ảnh từ fanpage Hội Đồng Hương Quảng Ngãi)
So với trước lúc giãn cách xã hội, cước phí vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh về đến nhà xe ở TP.HCM tăng gần 150%, cước phí vận chuyển trong TP.HCM cũng tăng hơn 300%. Bù lại, một lần, người ta có thể mua đầy đủ các loại thực phẩm thiết yếu đủ dùng cho gia đình từ 2-4 người trong vài tuần.
Giá cước cao, vẫn có lợi
Hiện nhu cầu chuyển hàng - chủ yếu là thực phẩm - từ các tỉnh về TPHCM rất lớn dù cước phí tăng. Ông Lâm Đại Vinh - Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Lâm Vinh - thừa nhận giá cước vận chuyển tăng mạnh do phát sinh chi phí xét nghiệm COVID-19 cho tài xế, phụ xe. Chi phí xét nghiệm 300.000-400.000 đồng/người/lần, thời hiệu giấy xét nghiệm chỉ 3-7 ngày tùy tỉnh. Thời gian chờ lấy mẫu, chờ kết quả xét nghiệm thường kéo dài nên nhà xe phải cộng thêm tiền công cho tài xế, phụ xe. “Tổng chi phí phát sinh cho một lượt chạy xe từ 1-1,5 triệu đồng, chưa kể phí đi đường, xăng, tiền công tài xế” - ông Lâm Đại Vinh nói.
Chi phí giao hàng trong TPHCM của nhà xe cũng tăng cao do phải trả thêm tiền nhân công soạn, giao hàng. Theo đại diện nhà xe Việt Thành (Q.Tân Bình), trước đây, nhà xe có thể thuê người giao hàng bằng xe máy thì nay phải giao bằng xe tải hoặc xe khách cỡ nhỏ, cũng tốn tiền xét nghiệm cho hai nhân viên khoảng 800.000 đồng/ba ngày.
Nhân viên nhà xe Kim Hoàng (Q.5) nói: “Hàng hóa, thực phẩm gửi từ các tỉnh lên rất nhiều, nhân viên phải làm thêm giờ, đội chi phí lên. Có khi, nhà xe không đủ nhân viên, khách hàng phải tự đặt xe ôm “công nghệ” đến nhận hàng, cước phí cũng từ 100.000 đến hơn 200.000 đồng/chuyến tùy quận, huyện”.
Cước phí vận chuyển khá cao, nhưng một số khách hàng tính toán, nếu chia đều ra số thực phẩm đặt mua từ các tỉnh, giá vẫn chấp nhận được, có khi còn tốt hơn đặt mua từ siêu thị ở TPHCM. Chị Thi (Q.Bình Thạnh) kể, chị đặt mua 5kg thịt heo từ Bình Định, tổng giá 375.000 đồng (75.000 đồng/kg) trong khi giá thịt heo trong các siêu thị ở TPHCM đang là 165.000 đồng/kg thịt đùi, 180.000 đồng/kg thịt ba chỉ: “Như vậy, với mỗi ký thịt heo, tôi tiết kiệm được 70.000-80.000 đồng; mỗi ký rau củ và trái cây, tôi tiết kiệm được 25.000-30.000 đồng. Cứ đặt mua một thùng hàng 30kg, sau khi trừ chi phí vận chuyển khoảng 300.000 đồng, tôi tiết kiệm được khoảng 700.000 đồng mà hàng vẫn về tận nhà, thực phẩm lại rất tươi ngon”.
Còn theo chị Thu (Q.Bình Tân), các loại hải sản chị đặt mua từ một cửa hàng ở tỉnh Phú Yên có thể không rẻ bằng mua trực tiếp từ ngư dân nhưng cũng rẻ hơn so với mua ở TPHCM. Cách đây một tháng, giá ốc hương ở tỉnh Phú Yên là 290.000 đồng/kg loại ngon, khoảng 50-60 con/kg nhưng nay giá chỉ 190.000 đồng/kg, trong khi cùng loại này nếu mua ở TPHCM, giá 450.000 đồng/kg, lại không thể đặt được hàng. Giá cá dìa ở Phú Yên lúc đắt nhất cũng chỉ 180.000 đồng/kg, nay chỉ 90.000 đồng/kg; giá thịt heo ở tỉnh Trà Vinh chỉ 80.000-90.000 đồng/kg, thịt ba rọi lúc cao nhất cũng chỉ 120.000 đồng/kg. “Nếu việc mua hàng hóa ở TPHCM dễ dàng hơn, tôi vẫn sẽ mua hàng từ các tỉnh vì giá rẻ, thực phẩm tươi ngon; hơn nữa, khi hết giãn cách xã hội, cước vận chuyển sẽ hợp lý hơn” - chị Thu nói.
Cú bứt tốc ngoạn mục vươn lên vị trí dẫn đầu thị trường của VinFast đã truyền cảm hứng để ngày càng nhiều khách hàng tin tưởng, chuyển đổi sang xe điện...
Đón Black Friday, 800 điểm bán trên toàn quốc của Saigon Co.op gồm Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.op Smile, Cheers, Finelife, Sense City, SenseMarket… thực hiện giảm giá từ 50% trở lên.
Lúng túng với công nghệ, bị trừ nhiều khoản phí khi được nhận lương hưu qua tài khoản ngân hàng nên một bộ phận người cao tuổi chỉ muốn nhận "tiền tươi".