Thực phẩm Nhật tiếp tục 'đổ bộ' vào Việt Nam

25/03/2017 - 06:30

PNO - Không ngại sự cạnh tranh của hàng Thái Lan hay Hàn Quốc, thực phẩm Nhật sẽ tiếp tục lấn sâu vào thị trường Việt Nam trong thời gian tới.

Theo Jetro - Tổ chức Thúc đẩy ngoại thương Nhật Bản tại TP.HCM, hiện xuất khẩu thực phẩm của Nhật vào Việt Nam đạt kim ngạch 7,5 tỷ USD và Chính phủ Nhật đề ra mục tiêu tăng trưởng 30% đến năm 2019.

Thuc pham Nhat tiep tuc 'do bo' vao Viet Nam
Khách hàng mua sắm tại siêu thị Aeon Mall TP.HCM

Giá cao, vẫn được ưa chuộng

Đoạn đường Lê Thánh Tôn và Thái Văn Lung từ đường Tôn Đức Thắng đến Hai Bà Trưng, Q.1, TP.HCM dài chưa đến 1km nhưng có đến hơn 10 nhà hàng, quán ăn, các cửa hàng bán lẻ chuyên mặt hàng ăn uống, gia dụng của Nhật với giá không hề rẻ.

Nước xốt, nước tương giá trung bình từ 50.000 đến 250.000đ/chai, gia vị từ 50.000-120.000đ/gói, thực phẩm đông lạnh như cá hồi, cua, cá tuyết, bạch tuộc cũng từ vài trăm ngàn đến hơn một triệu đồng/kg. Đặc biệt, một số loại trái cây như táo Fuji giá 420.000đ/kg, nho Nhật 1,6 triệu đồng/kg, dâu 800.000đ/kg... 

Ngoài thực phẩm nhập khẩu từ Nhật, một số loại rau củ, trái cây, gạo được mang giống từ Nhật sang trồng tại Việt Nam cũng được bày bán với giá mềm hơn. Ví dụ, một túi gạo Nhật 2kg có giá 300.000đ thì giống gạo Nhật trồng tại Việt Nam theo tiêu chuẩn của Nhật giá chỉ 65.000đ/túi. Tương tự, dưa lưới giống Nhật trồng tại Việt Nam chỉ 110.000đ/kg. 

Không chỉ ở các tuyến đường trung tâm TP.HCM, thực phẩm Nhật len lỏi khắp nơi với hàng chục nhà hàng, quán ăn mang đậm phong cách xứ sở hoa anh đào, nằm rải rác khắp các quận 1, 3, Phú Nhuận, Tân Bình, Bình Tân… Dù giá cả khá cao nhưng theo thống kê của các doanh nghiệp, khoảng 70% khách hàng là người Việt Nam.

Hơn ba năm đưa hàng Nhật vào Việt Nam, chị Trần Thị Phương Thảo - Giám đốc Công ty TNHH Jaly chuyên nhập khẩu các mặt hàng trái cây (hồng tươi, táo, dâu, nho), gia vị, rong biển, mỹ phẩm - chia sẻ, khách hàng của chị thuộc giới trung lưu, trải dài từ Nam ra Bắc, tuy giá cả các mặt hàng đều cao nhưng nhiều năm nay, khách vẫn chuộng bởi chất lượng sản phẩm và uy tín của nhà sản xuất. 

Là một khách hàng thường xuyên của các cửa hàng Nhật, chị Bùi Thanh Tú (Q.7) cho biết, chị rất khoái món cá hồi và trái cây Nhật dù giá rất cao, bởi các sản phẩm này không chỉ ngon, an toàn mà hương vị rất khác biệt. 

Nhiều thực phẩm mới sẽ ra mắt

Nhằm đánh giá thị hiếu của người tiêu dùng tại TP.HCM, vào tháng 11/2016, Jetro phối hợp với các hệ thống Ministop, FamilyMart, Aeon (chuỗi bán lẻ Nhật tại Việt Nam) với khoảng 200 cửa hàng bán thử 78 sản phẩm lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam. Qua một tháng bán thử cho thấy, khoảng 1/4 sản phẩm được khách hàng ưa chuộng chủ yếu là các loại bánh mềm có giá từ 50.000-60.000đ/cái, kẹo dẻo cho trẻ em giá 10.000đ/cái và kem với giá 30.000-60.000đ/cây.

Còn lại 3/4 mặt hàng không bán chạy do khác biệt khẩu vị, giá cả cao và thông tin hướng dẫn sử dụng chưa rõ. Ông Takimoto Koji  - Trưởng đại diện Jetro tại TP.HCM - cho biết, sau chương trình bán thử này, năm 2017, Jetro sẽ tổ chức thêm một tháng thử nghiệm với các sản phẩm hoàn toàn mới nhằm đánh giá thị hiếu người tiêu dùng để nhanh chóng đưa thêm nhiều thực phẩm mới của Nhật vào TP.HCM. 

Một chiếc bánh mềm của Nhật có giá gấp bốn lần so với sản phẩm tương tự của Việt Nam nhưng trẻ em và người lớn đều rất thích, hay một ký táo Nhật có giá đến 420.000đ mà vẫn bán rất chạy. Ông Takimoto Koji giải thích rằng, đúng là các sản phẩm Nhật có giá rất cao nhưng vẫn được người tiêu dùng chấp nhận là do chất lượng và độ ngon khác biệt.

Dù thực phẩm Thái Lan và Hàn Quốc đang dần lấy lòng người tiêu dùng Việt Nam bởi giá cả cạnh tranh hơn, nhưng ông Takimoto Koji tự tin rằng thực phẩm Nhật vẫn có vị thế riêng bởi đối tượng tiêu dùng của họ rất khác biệt. Nhưng để phát triển bền vững, trong tương lai, các doanh nghiệp Nhật cũng phải nghiên cứu, tìm hiểu ẩm thực, văn hóa của người Việt để tạo ra những sản phẩm hợp khẩu vị người Việt hơn. 

 Thu Hồng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI