Thực phẩm ít béo, không đường ngày càng được chuộng

28/09/2021 - 06:05

PNO - Nhu cầu dùng thực phẩm ít béo, ít đường và không đường ngày càng tăng do người tiêu dùng không chỉ muốn ăn ngon mà còn muốn tốt cho sức khỏe.

Khẩu vị thay đổi

Năm nay, số lượng bánh Trung thu bán ra thị trường ít, nhưng không vì thế mà người tiêu dùng bớt kén chọn. Nhiều người vẫn chọn mua theo tiêu chí đúng thương hiệu, ít béo, ít ngọt. “Tôi tìm nhiều nguồn nhưng thương hiệu nội mà tôi thường mua không có bánh hoặc có vài loại nhưng quá ngọt. Tôi phải đặt mua bánh Trung thu của một thương hiệu chuyên xuất sang Malaysia và Hồng Kông dù giá cao” - chị Linh, ở Q.7, TPHCM, nói.

Xu hướng chọn bánh ít ngọt đã có từ vài năm trước, nhưng rõ nét nhất là trong vòng 2-3 năm trở lại đây do người ta không chỉ muốn ăn ngon mà còn muốn tốt cho sức khỏe. Tại các siêu thị, cửa hàng, chợ truyền thống, bánh ngoại đang áp đảo bánh nội. Ngoài giá cả phải chăng, mẫu mã đẹp, sản phẩm phong phú, bánh ngoại còn đánh trúng thị hiếu ít béo, ít ngọt này.

“Bánh mochi khoai môn cơm dừa 28g của Hàn Quốc chỉ có 5-7g đường, trong khi bánh cùng loại, cùng trọng lượng của thương hiệu Việt đều trên 11g đường (đã giảm so với trước kia). Nhiều người không để ý tới hàm lượng đường trên bao bì nhưng khi ăn, thấy ít ngọt và ngon, họ chọn mua tiếp trong lần sau” - chị Minh Phương, tiểu thương bán các loại bánh ngoại tại chợ Vườn Chuối, Q.3, TPHCM, nói. 

Nhiều người tiêu dùng đã có thói quen xem hàm lượng đường, chất béo… trên bao bì trước khi mua - ẢNH: H.LÀI
Nhiều người tiêu dùng đã có thói quen xem hàm lượng đường, chất béo… trên bao bì trước khi mua - Ảnh: H.Lài

Ngoài ít đường, bánh ngoại cũng ít chất béo, ít calo, thậm chí không có ba yếu tố trên và chứa nhiều chất xơ. Nhiều sản phẩm bánh từ hoa quả có ba số không to trên bao bì, tức không đường, không béo, không calo. Các sản phẩm này nhanh chóng chinh phục những người tiêu dùng muốn từ bỏ đường, chất béo, calo chứ không bỏ bánh, kẹo. 

Một số công ty trong nước cũng có các sản phẩm ít đường để cạnh tranh. Chẳng hạn, Bibica có những dòng bánh mà lượng đường chỉ 4-5g; Công ty Tràng An có bánh kem quế hương dưa vàng Saturn không chứa đường; Công ty Hải Hà có các loại bánh tảo biển với lượng đường thấp. Tuy nhiên, số sản phẩm bánh kẹo nội vẫn chưa phong phú. Có sản phẩm bánh dinh dưỡng ít ngọt, nhiều chất xơ nhưng ghi dòng chữ “thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh” như một lời cảnh báo khiến không ít người lầm tưởng rằng không thể ăn thoải mái như bánh thông thường. 

Nhà sản xuất trong nước phải nhạy hơn

Ông Nguyễn Quốc Hoàng - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bibica - nhìn nhận, người có thu nhập trung bình trở lên ở các thành phố bắt đầu ý thức việc ăn ít ngọt, ít béo, chuộng bánh dinh dưỡng dù giá cao. Người ở các tỉnh, vùng nông thôn vẫn chuộng kiểu bánh truyền thống với lượng đường đủ ngọt, đậm đà, giá cả phải chăng. 

Bà Hà Thị Ân Liêm - Giám đốc Công ty Thực phẩm dinh dưỡng Blissfood - cho biết, bánh dinh dưỡng phải theo các tiêu chí như không đường (sử dụng đường ăn kiêng), không tinh bột, nhiều chất xơ (được làm từ nhiều loại hạt), nhiều vitamin, không béo, không ngán, không chất bảo quản. Nếu có bột thì phải dùng bột ngũ cốc nguyên hạt thay vì bột tinh chế. Cũng chính vì vậy mà giá bánh dinh dưỡng cao hơn các loại bánh thông thường. Ví dụ, bánh ngói hạnh nhân có giá 180.000 đồng/250g do được làm bằng bột hạnh nhân, hạnh nhân xắt lát, đường ăn kiêng, không chất bảo quản, không béo trong khi một hộp bánh quy thông thường chỉ có giá bằng phân nửa do được làm từ bột tinh chế, đường, sữa, chất bảo quản công nghiệp. 

Bà Ân Liêm thừa nhận các loại bánh ngoại, nhất là bánh Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông (Trung Quốc), Thái Lan tràn về các chợ truyền thống và cửa hàng khá nhiều, thu hút khách nhờ ngon, ít ngọt, đa dạng chủng loại và giá rất rẻ so với bánh nội. Nếu như bánh bông lan nội chỉ có bông lan phủ chocolate, bông lan trứng muối hoặc chà bông với vị ngọt đậm, kết cấu khô, nặng trịch thì bánh ngoại có đến chục loại bông lan, chục vị với kết cấu mềm, nhẹ, ngọt vừa phải. 

Thời gian gần đây, bánh ngoại đã tràn về các tỉnh. Nhiều trẻ nhỏ ở nông thôn nay chỉ ăn loại bánh ngon chứ không phải “cho gì ăn đó” như trước. “Hiện nguyên liệu đầu vào như bột mì, bột ngũ cốc hầu như phải nhập khẩu 100%, các nguyên liệu còn lại như đường, sữa, hương phụ liệu thì nhập khẩu một phần nên bánh nội khó cạnh tranh về giá so với bánh ngoại. Đây là bài toán khó giải của các doanh nghiệp nội. Nhưng tôi nghĩ, có thể mức giá chênh lệch một chút mà chất lượng bánh được cải tiến, đánh trúng thị hiếu người tiêu dùng thì vẫn được chọn lựa” - bà Ân Liêm nói. 

Hoa Lài

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI